(CATP) Trước các văn bản của UBND tỉnh Cà Mau cùng kiến nghị của doanh nghiệp nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vẫn không trả lời, ông Nguyễn Quốc Hận - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản gởi Bộ trưởng Bộ TNMT.
Hàng loạt bất cập
Như chúng tôi thông tin, Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý (Cty Công Lý, trụ sở tại P8, TP.Cà Mau) đang chịu thuế oan hơn 26 tỷ đồng. Cụ thể, công ty chưa sử dụng diện tích được thuê, Cục Biển và Hải đảo chưa đo, cắm cột mốc, ranh giới, công ty chưa sử dụng diện tích mặt nước biển nhưng buộc nộp tiền thuê đất. Để tránh những văn bản hối thúc của ngành thuế, Công ty Công Lý buộc nộp thuế oan hơn 10 tỷ đồng còn nợ hơn 16 tỷ đồng. Khi đổi chủ sở hữu mới và được Chính phủ đồng ý, Bộ TNMT chưa tiến hành đo và bàn giao thực địa.
Gần 5 năm qua, Cty Công Lý có hàng chục văn bản gởi Bộ TNMT nhưng vẫn nhận được văn bản trả lời của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: "Không nộp tiền, không đo đạc". UBND tỉnh nắm được thiệt thòi của Cty Công Lý không sử dụng nhưng buộc nộp thuế, không được hưởng chính sách ưu đãi... đã ra nhiều văn bản kiến nghị cơ quan Trung ương nhưng đáp lại là... sự im lặng.
Ông Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi nhận đơn của Cty Công Lý, đoàn xác minh và làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Qua đó, yêu cầu của Cty Công Lý là chính đáng nên có văn bản gởi ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TNMT xem xét lại các vấn đề có liên quan đến Dự án (DA) Điện gió Khu du lịch Khai Long-Cà Mau giai đoạn 1.
Theo văn bản trên, ông Hận cho rằng qua hồ sơ Cty Công Lý cung cấp, việc giao khu vực biển của cơ quan quản lý Nhà nước là chưa đầy đủ, bởi được Bộ TNMT kiểm tra thực địa được thể hiện tại Điều 2 Quyết định 2115/QĐ- BTNMT. Cho đến nay Cty Công Lý vẫn chưa được kiểm tra thực địa thì đồng nghĩa với việc chưa được sử dụng, là do cơ quan Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ thủ tục là kiểm tra thực địa mà bắt công ty này phải thực hiện nghĩa vụ thuế thì liệu có hợp lý?
Đến ngày 7-10-2017, Cty Công Lý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Super Wind Energy để thực hiện DA giai đoạn 1. Ngày 9-3-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Công văn số 321/TTg-CN đồng ý điều chỉnh nhà đầu tư và nguồn vốn thực hiện DA. Trên cơ sở đó, Cty Công Lý đã đề nghị cấp thẩm quyền thực hiện điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục có liên quan theo quy định; trong đó có việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2115 của Bộ TNMT về giao khu vực biển chuyển từ Công ty Công Lý sang Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1. UBND tỉnh Cà Mau cũng có nhiều văn bản đề nghị nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết cụ thể. Và lạ đời, "Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nhưng các Bộ, ngành chưa phối hợp thực hiện thì làm sao công ty sử dụng mặt nước biển, thực hiện DA được nhưng vẫn bị tính thuế", công văn ghi rõ.
Từ khi giao DA, Cty Công Lý bỏ tiền xây dựng kè chống sạt lở hơn 70 tỷ đồng
Theo ông Hận, bất cập thứ ba là DA Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long-Cà Mau giai đoạn 1 của Công ty Công Lý thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ở địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Bao giờ triển khai dự án?
Liên quan đến kiến nghị của Cty Công Lý, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đến nay, Bộ TNMT vẫn chưa sửa đổi chủ đầu tư mới của DA theo như Quyết định ngày 9-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ nên Chủ đầu tư mới không thể triển khai DA. Trong khi đó, Cty Công Lý, chủ đầu tư cũ lại bị tính thuế tiền sử dụng khu vực biển là không hợp lý. "UBND tỉnh xét thấy kiến nghị của Cty Công Lý là có cơ sở để xem xét. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ, ngành Trung ương xem xét kiến nghị của công ty này; đồng thời có nhiều báo cáo đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Cà Mau, trong đó có DA nêu trên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài (từ ngày được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh nhà đầu tư và nguồn vốn thực hiện DA đến nay), UBND tỉnh chưa nhận được văn bản giải quyết dứt điểm về giao khu vực biển cho DA", ông Bi chia sẻ.
Ngoài ra, tỉnh nhận thấy việc thu tiền thuế đối với diện tích chưa được bàn giao, thay đổi chủ đầu tư mới đối với Công ty Công Lý là không hợp lý và có nhiều mâu thuẫn. Ngày 24-7-2020, UBND tỉnh đã ban hành Báo cáo số 218/BC-UBND phục vụ làm việc với Tổ Công tác Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT và các bộ, ngành có liên quan xem xét một số khó khăn, vướng mắc của DA.
Cụ thể, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xem xét, tham mưu Bộ TNMT phối họp với Bộ Tài chính, bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với DA xét đến các yếu tố khách quan như: Có quyết định giao nhưng thực tế Công ty Công Lý chưa khai thác, sử dụng khu vực biển; thời gian cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Công Lý kéo dài (điều chỉnh, bổ sung Quyết định giao khu vực biển), đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giao khu vực biển cho nhà đầu tư mới để sớm được thực hiện DA... Lạ lùng, những đề xuất, kiến nghị vẫn không được trả lời. Bộ TNMT không trả lời, giải quyết kiến nghị của Công ty Công Lý thì không biết bao giờ DA được triển khai...