(CATP) Ngày 15-7, chúng tôi nhận được phản ánh của ông Trần Quốc Phương (SN 1960; Tổng giám đốc Công ty CP may và thương mại Kim Sơn, gọi tắt là Kim Sơn; trụ sở tại phố Thượng Kiệm, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Vì tin đối tác, suốt thời gian dài, ông Phương đã phải "ôm hận" vì bị Công ty VanLaack GmbHLimited (có trụ sở tại Hennes - Weisweiler - Allee 25-41179 - Moenchengladbach Germany) quỵt nợ hơn 4,5 tỷ đồng.
Nguy cơ mất 4,5 tỷ đồng?
Theo phản ánh, đầu năm 2020, khi thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu về khẩu trang trên thế giới vô cùng lớn. Lúc đó, Cty Kim Sơn và VanLaack GmbHLimited (viết tắt là VLG) có ký 2 hợp đồng gia công khẩu trang trong năm 2020.
Người đại diện của VLG - bà Kim Thị Thu Hương (Giám đốc điều hành) là người ký hợp đồng; Công ty TNHH Van Laack Asia do VLG thành lập tại Việt Nam, có trụ sở tại: cụm công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội (viết tắt là VLA) là đơn vị được ủy quyền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán và giám sát chất lượng của sản phẩm.
Hợp đồng số 01/2020VL-KS ký ngày 29-4-2020, Kim Sơn đã gia công cho VLG hơn 1,2 triệu khẩu trang với giá trị là trên 3,6 tỷ đồng. Hai bên đã thực hiện xong, thanh lý hợp đồng.
Tiếp đó, hợp đồng gia công số: 0608/2020/VL-KS ký ngày 4-8-2020 chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 từ ngày 20-8-2020 đến 6-11-2020, Kim Sơn đã gia công cho VLG tổng số khẩu trang là hơn 3,1 triệu cái với giá trị trên 8,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ ngày 3-11-2020 đến 14-1-2021, Kim Sơn đã gia công cho VLG hơn 1,8 triệu khẩu trang với giá trị trên 4,8 tỷ đồng.
Tổng giá trị hợp đồng 0608/2020/VL-KS, Kim Sơn đã gia công cho VLG trên 5 triệu khẩu trang với giá trị trên 13,4 tỷ đồng. Được biết, giai đoạn 2 của hợp đồng 0608/2020/VL-KS cũng đã được hai bên thanh toán xong.
Tranh chấp giữa hai bên chỉ phát sinh ở giai đoạn 1 của hợp đồng 0608/2020/VL-KS. Ở giai đoạn 1, trong tổng số tiền 8,5 tỷ đồng, VLG mới thanh toán cho Kim Sơn số tiền 4 tỷ đồng và nợ lại số tiền trên 4,5 tỷ đồng với các lí do: Hàng gia công của Kim Sơn bị VLG khiếu nại về chất lượng, bị trả lại.
Ông Phương nói: Vì tin tưởng VLG là công ty uy tín có trên 100 năm kinh nghiệm nên mặc dù giai đoạn 1 VLA chưa thanh toán nhưng ông vẫn giữ chữ tín thực hiện giai đoạn 2 với đối tác VLG. Ông Phương cay đắng: "Đó là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, do VLG không thanh toán nên nhân công của tôi rất khổ".
Trụ sở VLA tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Hà Nội
Đổ tại hàng lỗi?
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết: Theo quy định trong hợp đồng gia công 0608 thì Kim Sơn có trách nhiệm gia công sản phẩm theo bộ tài liệu kỹ thuật mà đối tác cung cấp khi ký hợp đồng và trước khi gia công Kim Sơn có trách nhiệm làm 2 mẫu để đối chiếu xác nhận.
Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, VLA đã cử nhân viên giám sát chất lượng (SQC) xuống nhà máy của Kim Sơn để giám sát chất lượng gia công, cũng như kiểm tra chất lượng của sản phẩm tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) trước khi làm thủ tục xuất hàng đi theo chỉ định của đối tác.
Các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn đã được hai bên loại trừ ngay tại nhà máy và sân bay. Quy trình chặt chẽ này không chỉ có SQC của VLA mà còn có cả Kim Sơn trước khi hàng được thông quan. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với bên mua chấm dứt từ thời điểm Kim Sơn giao hàng cho đơn vị vận chuyển do VanLaack chỉ định.
Thế nhưng, nguyên nhân của sự chây ì số tiền hàng trên 4,5 tỷ đồng được phía VLA (đơn vị được ủy quyền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán) đưa ra là hàng lỗi.
Trong nhiều lần làm việc để giải quyết công nợ liên quan đến hợp đồng 0608 giai đoạn 1 nói trên, VLA cũng không cung cấp được văn bản gốc từ phía VLG cho thấy đã thuê tổ chức giám định độc lập của nước sở tại về hàng hóa cũng như kiểm tra không có sự chứng kiến của bên thứ 3 độc lập.
Đáng nói, Kim Sơn ký hợp đồng gia công với VLG nhưng thực tế chỉ làm việc với VLA và bà Hương là người được ủy quyền ký hợp đồng. Khi Kim Sơn được VLA thông báo hàng bị khấu trừ do lỗi và bị trả về nhưng đơn vị không cung cấp được văn bản gốc của VLG.
Trong những văn bản đó: số lượng sản phẩm được kiểm tra quá ít trên tổng số sản phẩm của mỗi đơn hàng dẫn đến việc kiểm tra không phản ánh được chất lượng tổng thể của toàn bộ hàng gia công.
Đơn cử, chuyến xuất ngày 2-9-2020 kiểm tra 25/442.700 chiếc; chuyến xuất ngày 10-9-2020 kiểm tra 20/447.150 chiếc; chuyến xuất ngày 19-9-2020 kiểm tra 20/555.200 chiếc; chuyến xuất ngày 23-9-2020 kiểm tra 5/435.250 chiếc.
Đáng nói, khoảng 1,6 triệu khẩu trang "bị lỗi" cũng "biến mất" luôn và không được trả lại cho đơn vị sản xuất. Những khuất tất này được VLA lý giải bằng nguyên nhân duy nhất: "Bí mật kinh doanh".
Nhiều lần chúng tôi liên hệ điện thoại, cũng như đến trụ sở của VLA để tìm hiểu, thế nhưng bà Kim Thị Thu Hương không tiếp.
Sau khi nhận đơn tố cáo của ông Trần Quốc Phương, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Sơn, Ninh Bình đang vào cuộc điều tra làm rõ sự việc.