Kỳ án nữ doanh nhân bị oan sai và chuỗi phiên tòa kéo dài trong 11 năm

Thứ Năm, 15/07/2021 16:20  | Hoàng Quân

|

(CAO) Trong 11 năm, bà Đào Thị Hồng (51 tuổi, ngụ Quảng Trị) - một nữ doanh nhân bị oan sai, phải dự nhiều phiên tòa với 5 bản án. Cuối cùng thì công lý cũng được thực thi, bà Hồng được giải oan, nhưng tháng ngày qua khiến bà "bầm dập", mất mát rất nhiều!

Mua cây rừng trồng công khai, lại bị bắt vì trộm cắp

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 25-12-2007, các ông: Hồ Thanh Xuân (SN 1950), Nguyễn Bặm (SN 1940), Lê Cương (SN 1964) - gọi tắt là nhóm hộ, cùng ngụ thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị có bán 10ha rừng trồng (do UBND xã Hải Trường, huyện Hải Lăng quản lý) cho bà Đào Thị Hồng (SN 1967, ngụ thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng) và ông Hoàng Trọng Độ (SN 1962, ngụ xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh) với giá 340 triệu đồng. Bên mua cọc 50 triệu đồng và trả thêm 250 triệu đồng vào ngày 30-12-2007.

Bà Đào Thị Hồng (ngụ thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) 11 năm rơi vào vòng luẩn quẩn liên tục phải hầu tòa

Theo nhóm hộ trên, đến ngày 22-8-2009, ông Hoàng Trọng Độ yêu cầu họ viết vào giấy nhận tiền được lập trước đó thêm chữ: “Nhận tiền anh Hoàng Độ 300 triệu đồng”. Ngày 24-8-2009, 2 bên làm hợp đồng (HĐ) mua bán rừng có xác nhận của UBND xã Hải Trường. Khi biết ông Độ tự ký HĐ với nhóm hộ, bà Hồng phản đối vì tiền mua diện tích rừng này là do bà vay ngân hàng mà có.

Ngày 5-9-2009, nhóm hộ trên ký xác nhận bán rừng cho bà Hồng. Sau đó bà Hồng cho người khai thác thì ông Độ trình báo các cơ quan chức năng. Ngày 18-9-2009, xe tải chở hơn 21m3 gỗ ra khỏi rừng thì bị kiểm lâm tạm giữ. Cơ quan chức năng huyện Hải Lăng điều tra, xác định bà Hồng cho khai thác 4 ha rừng keo (trị giá 33 triệu đồng).

Ngày 23-1-2010, Viện KSND huyện Hải Lăng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Hồng. Nghe tin như sét đánh ngang tai, bà Hồng không hiểu sao mình bị bắt, dù bà là người đã bỏ ra 300 triệu đồng để mua rừng hợp pháp, các giấy tờ, thủ tục đã hoàn tất để khai thác.

Bà Hồng nghẹn ngào: Lấy chồng từ sớm, có 2 con gái. Từ những năm 80, bà mua bán cây rừng trồng, thành lập doanh nghiệp. Vợ chồng ly hôn, sau đó bà Hồng và ông Độ có mối quan hệ thân thiết và cùng kinh doanh. Làm chủ doanh nghiệp lại nuôi 2 con nhỏ nên trong kinh doanh, nhiều lúc bà Hồng nhờ ông Độ đi giao dịch với đối tác...

Từ lúc bà bị tạm giam, việc làm ăn đổ bể, bà Hồng hoảng loạn. Bà từng định tự vẫn nhưng nghĩ đến các con và sự oan ức của mình, nên bà gắng gượng gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.

Ngày 30-8-2010, TAND huyện Hải Lăng xét xử sơ thẩm, bà Hồng là bị cáo, ông Độ là bị hại. Nhóm hộ dân bán rừng bảo vệ bà Hồng. HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Ông Độ kháng cáo và Viện KSND huyện Hải Lăng kháng nghị. Ngày 18-11-2010, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm, nhận định: Việc khai thác rừng của bị cáo là công khai; không chứng minh được tài sản trên đang tranh chấp nên không có yếu tố chiếm đoạt tài sản, HĐXX tuyên y án sơ thẩm.

Ông Hoàng Thanh Xuân (SN 1950, bên phải) và 2 người dân khác thuộc nhóm hộ nhiều năm ra sức bảo vệ công lý, lẽ phải cho bà Đào Thị Hồng (bên trái).

Do rừng để lâu (quá 2 năm) không khai thác nên không có đất trồng mới nên nhóm hộ trên liên tục yêu cầu bà Hồng, ông Độ đến giải quyết, lúc này bà Hồng đến trả 40 triệu đồng nợ cũ và 123 triệu đồng bồi thường thiệt hại phát sinh.

Tháng 1-2013, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Tòa tuyên yêu cầu Viện KSND huyện Hải Lăng công khai xin lỗi và bồi thường hơn 680 triệu đồng cho bà Hồng về 81 ngày bị giam giữ oan sai...

Tiếp tục phải "đáo tụng đình"

Oan sai được giải nhưng niềm vui chẳng tày gang vì bà Hồng lại thêm 8 năm nữa vướng vào các phiên tòa khi ông Độ liên tiếp kiện, kháng cáo… Ngày 10-1-2013, ông Độ khởi kiện nhóm hộ. Ngày 22-8-2013, TAND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do ông Độ rút đơn kiện. Nhưng ngày 23-12-2013, ông Độ tiếp tục gửi đơn kiện…

Ngày 17-4-2014, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng mua bán cây rừng trồng”. Bà Hồng có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhóm hộ là bị đơn và ông Độ là nguyên đơn.

Tại phiên tòa, nhóm hộ bác bỏ các tài liệu của nguyên đơn, cho rằng từng bán cây rừng cho bà Hồng từ 10 năm nay nên hiểu rõ bà Hồng làm ăn có uy tín. Bà Hồng một lần nữa chứng minh 300 triệu đồng mua rừng trồng này là do mình bỏ ra.

HĐXX xét thấy: Ngày 31-12-2007, bà Hồng vay tiền ở ngân hàng thì cùng ông Độ đi trả 250 triệu đồng cho nhóm hộ. Bà Hồng giao tiền, ông Độ viết giấy xác nhận và giữ giấy. Ông Độ mang giấy đến UBND xã Hải Thượng xác nhận, sau đó các chữ viết, ngày tháng xác nhận bị sửa chữa.

Chủ tọa là Nguyễn Thị Oanh nhận định: Các tài liệu do ông Độ cung cấp đã bị nhóm hộ bác bỏ, không có cơ sở chứng minh khởi kiện của ông Độ. Nhưng 2 Hội thẩm nhân dân có ý kiến ngược lại, cho rằng ông Độ có cơ sở. Kết quả HĐXX tuyên buộc nhóm hộ phải trả cho ông Độ 300 triệu đồng.

Nhóm hộ kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm và kiến nghị xem xét hành vi của Hội thẩm thiếu công tâm, khách quan.

Dù thắng kiện nhưng ông Độ lại kháng cáo phần nhận định của chủ tọa.

Viện KSND tỉnh Quảng Trị cho rằng, giấy nhận tiền nguyên đơn cung cấp không phản ánh đúng việc giao dịch giữa các bên; giấy do ông Độ soạn sẵn đưa cho các bị đơn ký không đủ cơ sở pháp lý; phần nhận định và quyết định của tòa án không hợp lý.

Ngày 29-4-2014, Viện KSND tỉnh kháng nghị. Ngày 17-7-2014, TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.

Sau đó, nhóm hộ và bà Hồng có đơn đề nghị Giám đốc thẩm.

Đến nay oan sai của bà Đào Thị Hồng (bên phải) được làm rõ; đảm bảo quyền lợi cho bà Hồng và nhóm hộ dân

Công lý được thực thi

Hơn 3 năm sau, ngày 15-11-2017, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử Giám đốc thẩm, nhận định: Thứ nhất, vụ án là tranh chấp phát sinh giữa các cá nhân không có đăng ký kinh doanh nên cần xác định quan hệ tranh chấp là “dân sự”, không phải “kinh doanh, thương mại” như cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xác định.

Thứ 2, về HĐ mua bán cây rừng trồng: Nhóm hộ bán 10ha rừng trồng cho cả ông Độ và bà Hồng. Người trả tiền mua rừng giữa ông Độ và bà Hồng khai nhận không thống nhất nhưng Tòa các cấp chưa làm rõ ai trả tiền, nếu cả 2 cùng trả thì mỗi người bao nhiêu.

Thứ 3, bà Hồng trả cho nhóm hộ 163 triệu đồng; cũng chính bà Hồng khai thác rừng và cam kết với nhóm hộ nếu khai thác có tranh chấp với ông Độ thì bà Hồng sẽ chịu trách nhiệm.

Thứ 4, nếu ông Độ cho rằng bà Hồng khai thác rừng không đảm bảo quyền lợi của mình thì khởi kiện bà Hồng bằng một vụ án khác.

Hội đồng thẩm phán ra QĐ: Chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao; hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 35/2014/KDTM-PT ngày 04-9-2014 của TAND tối cao tại Đà Nẵng và bản án sơ thẩm số 06/2014/KDTM-ST ngày 17-4-2014 của TAND tỉnh Quảng Trị; giao hồ sơ cho TAND Quảng Trị xét xử sơ thẩm lại.

Bản án ngày 10-6-2021 do TAND tỉnh Quảng Trị tuyên xử

Mãi gần 3 năm sau, ngày 14-5-2020, TAND Quảng Trị thụ lý lại vụ án; ngày 18-6-2020 ra quyết định “đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” do ông Độ rút đơn khởi kiện.

Ngày 24-6-2020, ông Độ kháng cáo quyết định đình chỉ này. TAND tối cao tại Đà Nẵng, ngày 22-9-2020, ra quyết định: Hủy quyết định “đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn”.

Ngày 9-11-2020, TAND Quảng Trị thụ lý vụ án và ngày 10-6-2021 xét xử sơ thẩm (lần 2). Trước đó, phiên tòa phải hoãn do ông Độ và luật sư của ông này vắng. Đến lần thứ 2, ông Độ xin hoãn do “dịch bệnh Covid-19”. Và lần thứ 3 tòa lên lịch xử ngày 10-6-2021, thì nguyên đơn và luật sư có đơn xin vắng mặt.

Tại phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Độ; buộc ông Độ trả lại cho nhóm hộ 240 triệu đồng tiền thi hành án (THA) đã được các bản án trước đó tuyên buộc nhóm hộ trả cho ông Độ; yêu cầu Cục THADS Quảng Trị trả lại án phí 15,6 triệu đồng cho nhóm hộ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang