(CAO) Trong 24 hồ sơ oan sai ngành kiểm sát đang thụ lý có 9 trường hợp đã ra quyết định giải quyết bồi thường, 7 trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ và 12 trường hợp đang thương lượng.
Gửi tới Quốc hội báo cáo công tác, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, VKSND các cấp phân công rõ đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm rà soát, nắm chắc các trường hợp oan thuộc trách nhiệm của mình để chủ động có kế hoạch giải quyết các yêu cầu bồi thường.
Ngành kiểm sát các cấp cũng chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án trong giải quyết bồi thường, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Những người bị oan sai tại Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ điều tra
Các trường hợp để xảy ra oan sai phải bồi thường thiệt hại đều được Viện kiểm sát các cấp xem xét, kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với cá nhân, tập thể.
Thống kê cho thấy, ngành Kiểm sát thụ lý 24 trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm; đã ra quyết định giải quyết bồi thường 9 trường hợp. Trong số này trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ở Bắc Giang đã cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường 588.100.000 đồng; trường hợp ông Chậu Ngọc Ngừng ở Bến Tre đang chờ Bộ Tài chính cấp kinh phí.
7 trường hợp khác đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp kinh phí là bà Trịnh Thị Nghị ở Đồng Nai; các ông Hồ Long Chánh, bà Võ Thị Thương, ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Thành Nghị ở Tây Ninh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đang thương lượng 12 trường hợp, gồm trường hợp ông Chu Quang Hưng ở TP.Hồ Chí Minh; các trường hợp: bà Huỳnh Ngọc Bích, ông Đinh Văn Hồng, ông Đặng Văn Trí, ông Nguyễn Văn Tư ở Sóc Trăng; ông Chẻo Sần Pao ở Lai Châu; các trường hợp: ông Nguyễn Hoàng Việt, ông Lê Tuấn Luật, ông Nguyễn Văn Đông, ông Lê Văn Sông, ông Nguyễn Văn Hừng, bà Huỳnh Thị Nhì ở Hậu Giang.
Trường hợp các ông Phan Thanh Trà, Nguyễn Tấn Bình ở Đà Nẵng, ông Lê Văn Cầm ở Long An đang được xác minh.
Công tác giải quyết bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự, theo đánh giá của ông Trí, đã được Viện kiểm sát các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp do một số trường hợp có quan điểm khác nhau về cơ quan có trách nhiệm giải quyết nên chậm được xem xét giải quyết, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Dẫn chứng được ông Trí đưa ra là trường hợp các ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Nguyễn Ngọc Oánh ở Bắc Giang; 2 ông Trần Bê, Huỳnh Chiếm Phái ở Khánh Hòa.
Trong khi đó, có trường hợp quá trình xác minh không thu thập được đầy đủ tài liệu để quyết định việc giải quyết như trường hợp ông Chu Quang Hưng ở TPHCM.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí
Trước đó, thông tin về công tác chỉ đạo của Viện trưởng, ông Lê Minh Trí khẳng định, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm tiếp tục được xác định là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành kiểm sát, là nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị nghiệp vụ.
Dó đó, ông Trí yêu cầu kiểm sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động điều tra ngay từ khi thụ lý nguồn tin tội phạm; tích cực tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật, bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đều có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế các trường hợp lạm dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam; chấp hành nghiêm quy định về thẩm quyền điều tra, nhất là cấp Trung ương.
Viện trưởng cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, triển khai tổng rà soát án tạm đình chỉ; kịp thời phục hồi điều tra khi có căn cứ, không để xảy ra oan, lọt tội phạm qua xử lý án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra.