(CATP) Ngày 12-10-1950, sau hơn một tháng bộ đội hành quân chiến đấu, chiến dịch Biên giới thắng lợi hoàn toàn. Cả một vùng Đông Khê - Thất Khê - Cao Bằng - Lạng Sơn thông thoáng đồn bốt, thuận lợi cho Việt Nam mở cửa sang các nước bạn. Bác Hồ tham gia chiến dịch ngay từ đầu trong vai cố vấn chính trị mặt trận, dưới tên "Nguyễn Thắng". Và Bác đã đến thăm, đối thoại với tù binh Pháp.
Bác Hồ trò chuyện khá lâu với trung tá Charton (chỉ huy trưởng phân khu Cao Bằng) và thân mật cởi chiếc áo khoác của mình cho đại úy quân y Duyarit vì trời lạnh. Họ tỏ vẻ ngạc nhiên về sự hiểu biết và lối nói tiếng Pháp rất chuẩn của Bác. Họ không biết rằng trước đó, Bác Hồ đã có những buổi tiếp xúc và quan hệ với các tướng lĩnh cao cấp nhất của Pháp.
Đầu tiên phải kể đến Jean Sainterny - thiếu tá tình báo (1907 - 1978) được De Gaule phái tới Côn Minh (Trung Quốc) để lập một trạm liên lạc với chính quốc, chuẩn bị cho việc đưa quân Pháp theo gót đồng minh vào tiếp quản Việt Nam khi phe trục Đức - Ý - Nhật thua trận năm 1945. Ông ta đã có những năm tháng làm việc nhiều và hiểu biết sâu sắc với Bác Hồ.
Ngày 15-10-1945, Sainterny được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu ở Hà Nội và suốt 16 tháng sau đó có rất nhiều cuộc tiếp xúc, tranh luận căng thẳng, để Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 được ký. Phía đại diện nước Pháp là Jean Sainterny, phía Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ba tháng sau, Sainterny lại tháp tùng Hồ Chủ tịch thăm Pháp với tư cách thượng khách. Ông ta cũng chính là người được giao nhiệm vụ thiết kế chương trình làm việc của Bác Hồ trong 4 tháng ở Pháp. Trong thời gian này, Bác Hồ có lần mời cơm gia đình ông ta, có cả nguyên toàn quyền Đông Dương Anbe Xarau (cha vợ của ông Sainterny) cùng dự. Họ cũng nhiều lần mời Bác Hồ thăm quê hương mình, tắm biển và câu cá.
Sau này, năm 1954 Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ, chính Sainterny lại trở thành đại diện của Chính phủ Pháp tại Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông ta đã viết 2 cuốn sách về những năm tháng hành sự tại Đông Dương, trong đó cuốn "Đối diện với Hồ Chí Minh", bộc lộ thái độ rất kính trọng vị Chủ tịch của Việt nam.
Người thứ hai mà Bác Hồ có mối quan hệ công việc là Đại tướng Ph. Leclecc (1902 - 1947), vị tướng lừng danh của Pháp trong Thế chiến II. Sau năm 1945, ông được cử làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, là tác giả các kế hoạch để "bóp chết" Việt Nam khi bước vào kháng chiến. Ông bị tử nạn do máy bay rơi chỉ ít ngày sau khi nhận được thư của Hồ Chủ tịch.
Thư Bác Hồ có đoạn viết: "Lừng danh với những chiến công, ngài lại đi đánh một dân tộc chỉ muốn độc lập - thống nhất quốc gia và một nước chỉ muốn hợp tác như anh em với nước của ngài sao? Phải chăng đó là một công việc bạc bẽo, đau đớn cho ngài?".
Một nhân vật nữa khá đặc biệt là đại tướng Raoul Salan (1899 - 1984), có 43 năm trong quân ngũ, từng chiến đấu ở Angieri. Khi ở chiến trường Đông Dương, ông từng là đồn trưởng ở Đình Lập - Lạng Sơn, chỉ huy trưởng chiến dịch đánh chiếm Việt Bắc thu - đông 1947. Trước đây, Bác Hồ từng quen biết khi Salan là Trưởng ban quân sự trong Hội nghị Việt - Pháp ở Phontaineblaux năm 1946. Ông ta là người đã từng tháp tùng Bác trong chuyến sang Pháp. Do máy bay trục trặc lộ trình, Salan và Bác Hồ đã ngủ chung màn.
Vì vậy, khi Salan chỉ huy quân Pháp đánh Việt Nam, ngày 10-6-1947, Bác Hồ gửi Salan lá thư, trong đó có đoạn viết: "Tôi hay tin ngài lại đến đất nước tôi. Năm ngoái chúng ta cùng du ngoạn nhiều nơi như những người bạn tốt... vì tình thương yêu con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn giữa hai chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, đốt phá làng mạc, phá hủy nhà thờ...".
Lòng yêu hòa bình và yêu thương con người của Hồ Chủ tịch cũng tác động mạnh đến Oneill - vị hạm trưởng tàu Dumont dUrville, khi ông chở Bác Hồ từ Pháp về cập cảng Hải Phòng. Sau chuyến đi, ông thề không trở lại Đông Dương nữa như một hành động phản chiến.
Chưa thể kể hết những cuộc tiếp xúc với người Pháp của Bác Hồ đã gieo vào lòng họ bao sự kính trọng. Đúng như cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận xét về Bác Hồ: "Chí thành, năng động, tấm lòng thành của cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển hướng".