Phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đá Chữ Thập

Thứ Năm, 14/05/2020 16:47  | Hải Triều

|

(CAO) Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 14/5, báo chí đã đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao về thông tin ngày 11/5 vừa qua, vệ tinh ISI đã công bố ảnh cho thấy hoạt động của 2 máy bay quân sự của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982.

“Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Liên quan đến thông tin từ vệ tinh cho thấy rất nhiều tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất với số lượng hàng trăm tàu, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông.

“Việt Nam cho rằng, hoạt động của các nước tại khu vực cần phải tuân thủ các quy định liên quan của quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông” – bà Hằng nói.

Những hình ảnh vệ tinh chụp hôm 11/5 cho thấy máy bay quân sự Trung Quốc một lần nữa xuất hiện tại “căn cứ” lớn nhất ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam. Hình ảnh cho thấy có hai loại máy bay giám sát cùng với một máy bay trực thăng quân sự hoạt động tại đảo đá đã được Trung Quốc cải tạo, xây dựng trái phép  này.

Đây được cho là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc được ghi nhận tại khu vực. Lần trước đó, máy bay vận tải quân sự Y-8 và máy bay tuần tra hàng hải KJ-200 cũng xuất hiện trên đá Chữ Thập vào ngày 3/5.

Thực tế cho thấy, dù đã tuyên bố, cam kết không có ý định quân sự hóa Biển Đông nhưng Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động trái phép như bồi đắp, xây dựng trên đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự. Trung Quốc đã làm sân bay, trong đó có nhà chứa máy bay chiến đấu, thiết lập một trạm quan trắc sinh thái trên đảo vào tháng 1 vừa qua, một trạm nghiên cứu dưới biển sâu vào tháng 3 và đã đưa lực lượng cứu hộ Trung Quốc ra đá Chữ Thập từ tháng 2.

Đến ngày 19/4, Trung Quốc đã công bố hai khu hành chính mới phi pháp để quản lý Biển Đông, đó là quận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Việc làm này của Trung Quốc ngay lập tức bị Việt Nam lên án mạnh mẽ.

*Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thế nào khi dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc, bà Hằng thông tin, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch, cho đến nay VN cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

“Đây là cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với Việt Nam” – bà Hằng nhìn nhận.

Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Chính phủ Việt Nam nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách và biện pháp nhằm phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19.

Một số biện pháp chủ yếu được Việt Nam đưa ra, bà Hằng cho biết, là đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng logistic; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp nhà đầu tư tháo dỡ khó khăn do dịch bệnh gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam trong đó có việc tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động có trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh.

Về tình hình điều trị đối vói bệnh nhân là phi công người Anh, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, với tinh thần nhân đạo, thời gian vừa qua Việt Nam đã tập trung và nỗ lực điều trị cho nhiều bệnh nhân nước ngoài và đa số trong số này đã điều trị khỏi bệnh, trở về nước. Riêng với bệnh nhân là phi công người Anh, do có bệnh lý nền nên có chuyển biến xấu.

“Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với nỗ lực cao nhất, các cơ quan y tế Việt Nam với các chuyên gia bác sĩ giỏi nhất Việt Nam sẽ tập trung điều trị và cứu chữa cho bệnh nhân người Anh” – bà Hằng nêu quan điểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang