Lạc quan có mức độ, nỗ lực phải tột độ

Thứ Sáu, 15/05/2020 10:18

|

(CAO) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý khi cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thứ 45 diễn ra sáng nay (15/5).

Điều chỉnh chỉ tiêu là cần thiết

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 2 kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo đó, kịch bản 1 là thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Ở kịch bản này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Với kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra). Tăng trưởng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo kịch bản này ước tăng 2,1-2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%; khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Từ thực tiễn vượt qua các cuộc khủng hoảng trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

Qua số liệu có thể thấy, tại thời điểm khủng hoảng tác động, tăng trưởng GDP dao động quanh mức 4,8-5,8%, đặc biệt trong 2 năm 1998 và 2007, kết quả thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP vẫn không đạt mục tiêu sau khi điều chỉnh.

Trở lại cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay, ông Dũng nhận định, là không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

“Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan” – ông Dũng khẳng định.

Dự kiến những chỉ tiêu điều chỉnh được Bộ trưởng KHĐT đưa ra là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn.

Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 điều chỉnh ở mức khoảng 4% (trước đây là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%).

Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra). Tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Trung ương chưa “bật đèn xanh”

Nêu ý kiến mở màn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý trực tiếp ngay vào đề xuất trên của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nội dung này, vì chỉ tiêu kinh tế xã hội năm nay trong NQ Quốc hội là cụ thể hóa nghị quyết của T.Ư.

“Trên cơ sở chỉ tiêu T.Ư định hướng cho năm 2020 thì dự toán ngân sách nhà nước đi theo kịch bản đó. Nếu tăng 6,8 dự toán thu thế này, dự toán thu thế này thì chi thế này, bộ chi bao nhiêu” – bà Ngân phân tích.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giờ muốn điều chỉnh thì phải xin ý kiến có cấp thẩm quyền.

“Nghị quyết T.Ư vừa rồi nói phấn đấu, nỗ lực để đạt mức cao nhất chứ chưa bật đèn xanh cho chúng ta điều chỉnh” - bà Ngân thông tin và lưu ý nếu muốn điều chỉnh phải làm quy trình, xin cấp có thẩm quyền, phải xin T.Ư.

Nhìn nhận về các kịch bản được Chính phủ đưa ra, bà Ngân cho rằng “cũng khá lạc quan", vì phòng chống dịch bệnh đã rất tốt.

“Cả thế giới lao đao, mặc dù chúng ta chống dịch tốt nhưng các đối tác thương mại lớn của chúng ta còn đang lao đao. Thế chúng ta mua bán với ai, xuất khẩu, nhập khẩu với ai?” – Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Người đứng đầu Quốc hội cho biết bà quan tâm đến điều hành ngân sách, vì theo kịch bản tăng trưởng 6,8%, giao dự toán chi hết rồi, trong điều hành không chặt chẽ thì khi triển khai lấy tiền ở đâu...

“Trong điều hành phải chú ý chỗ đó. Trong lúc chưa điều chỉnh phải chú ý trong điều hành dự toán chi, thu. Còn lại bây giờ cố gắng nỗ lực hết sức” - bà Ngân nhắc nhở.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao.

“Nợ xấu đang như thế. Những công trình đang triển khai xây dựng, dự án sản xuất kinh doanh đang hoạt động, những khoản nợ đang là nợ tốt, dịch bệnh xảy ra một cái thì nợ tốt trở thành nợ xấu. Bây giờ chúng ta thả ra, nơi lỏng chính sách tiền tệ thì cũng phải tính tới việc hấp thụ của nền kinh tế có được hay không?” – Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, đồng thời yêu cầu TVQH phải tỏ rõ quan điểm cùng với Chính phủ.

“Ở đây không phải tôi không đồng ý với Chính phủ điều chỉnh. Tôi bàn với anh Phúc rất nhiều về chuyện này. Tăng trưởng chắc chắn không đạt được rồi, thu ngân sách năm nay sẽ giảm” – người đứng đầu Quốc hội nêu quan điểm.

Theo bà Ngân, Quý 1 tăng khá vì gối đầu từ 2019 sang thôi, tháng 4 là giảm ngay, sau đó giảm dần. Vì thế, bà lưu ý Chính phủ “lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là phải tột độ”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang