Bị cáo "ngu ngơ” vẫn lãnh án?!
Liên quan đến vụ kỳ án này, Báo CATP đã có bài phản ánh, chỉ rõ việc bà Ngô Thị Riến (SN 1950, dân tộc Tày, ngụ thôn 4, xã Cư A Mung) kêu cứu cho con trai Lương Vinh Cương là chính đáng, có căn cứ, các cơ quan tố tụng huyện Ea HLeo cần xem xét thận trọng, thấu lý đạt tình, tránh oan sai.
Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm ngày 17-3-2021, TAND huyện Ea HLeo vẫn tuyên phạt bị cáo Cương 9 tháng tù giam về tội "Hủy hoại tài sản".
Theo bản án sơ thẩm, sáng 28-4-2017, Cương đi thăm vườn tiêu của mình tại tiểu khu 91, xã Cư A Mung, thấy tiêu bị nhiễm bệnh chết nhiều. Trong khi đó, vườn tiêu giáp ranh của ông Lê Văn Huân lại phát triển xanh tốt, nên Cương đố kỵ và nảy sinh ý định phá hoại... Sau khi dùng búa chặt 4 trụ tiêu bằng gỗ; Cương lấy chai thuốc trừ cỏ hiệu Kanup 480SL đổ vào bình phun thuốc, pha nước, phun trực tiếp lên thân và lá của vườn tiêu ông Huân, gồm 265 trụ, trong đó có 50 trụ tiêu 23 tháng tuổi và 215 trụ trồng 11 tháng tuổi.
Ngày 3-5-2017, ông Huân phát hiện vườn tiêu bị phá hoại nên có đơn trình báo. Tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea HLeo ngày 5-5-2017, Cương đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Đến ngày 14-7-2017, Cương thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tại các lần làm việc tiếp theo, Cương luôn im lặng, không khai báo gì.
Theo Hội đồng định giá tài sản huyện Ea HLeo, ông Huân bị thiệt hại trị giá hơn 27,5 triệu đồng.
Tại công văn 188/TTBVTV-BVTV ngày 24-4-2018, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk, xác định: Thuốc trừ cỏ Kanup 480 SL có hoạt chất Glyphosate tác động lưu dẫn, diệt được nhiều loại cỏ và cây trồng (nếu thuốc bám vào được lá hoặc bộ phận xanh của cây). Như vậy, cây hồ tiêu ở giai đoạn 23 và 11 tháng tuổi bị nhiễm thuốc Kanup, đúng nồng độ và liều lượng ghi trên nhãn thì sẽ gây ra cháy lá, rụng lá, rụng đốt dẫn đến chết cây, không cần thực nghiệm.
Mẹ và vợ ông Cương trình bày với phóng viên
Tại bản kết luận giám định số 139/KLGĐ ngày 10-9-2020 (KLGĐ số 139) Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên, xác định: "Trước và trong khi sự việc xảy ra ngày 28-4-2017, Cương có sức khỏe bình thường, đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Sau khi sự việc xảy ra và hiện tại, Cương bị bệnh "rối loạn dạng phân liệt" (F21-ICD10), hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Tại phiên tòa Cương "ngu ngơ”, không thừa nhận tội, không tranh luận, cũng không nói lời sau cùng. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm do thẩm phán Nguyễn Huy Vũ ngồi ghế chủ tọa, căn cứ vào hồ sơ, trong đó có lời khai của Cương ngày 5-5-2017, công văn 188 và KLGĐ số 139 vừa nêu trên, đã tuyên bố Cương phạm tội "Hủy hoại tài sản". Do bị cáo mắc bệnh sau khi thực hiện hành vi phạm tội nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phúc thẩm "tuýt còi"
Trong suốt quá trình tố tụng, đặc biệt sau khi con trai bị kết án tù, bà Ngô Thị Riến và con dâu Triệu Thị Hoa (vợ ông Cương) liên tục có đơn khiếu nại, kêu cứu, cho rằng Cương bị bệnh tâm thần và không có hành vi "sát" tiêu.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Vương Tuấn Kiệt (Công ty luật Vương Gia, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng HĐXX cấp sơ thẩm chưa làm rõ một số điểm mấu chốt, dẫn đến tuyên bản án thiếu khách quan, lộ dấu hiệu oan sai.
Thứ nhất, ngày 9-5-2017, khi bệnh tình trở nặng, gia đình đưa Cương đến Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk, nơi đây chẩn đoán bị "tâm thần phân liệt" (ICD: F20). Cuối tháng 6-2020, Cương tái phát bệnh, được nhập viện điều trị đến 6-7-2020 xuất viện. Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk tiếp tục kết luận: Cương bị bệnh "tâm thần phân liệt". Tuy nhiên, KLGĐ số 139 lại xác định Cương chỉ bị bệnh "rối loạn dạng phân liệt" (F21-ICD10). Hai cơ quan chuyên môn về tâm thần có kết luận khác nhau về bệnh tâm thần của Cương nhưng HĐXX sơ thẩm không làm rõ. Trong khi đó, HĐXX lại căn cứ vào lời khai ngày 5-5-2017 của Cương (bị tâm thần không có mặt người giám hộ) để kết tội bị cáo là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ hai, cấp sơ thẩm chưa làm rõ lời khai của gia đình bị cáo, thời điểm xảy ra vụ việc Cương đang ở nhà, chăm sóc các con nhỏ do vợ Cương bệnh phải nằm viện. Không có ai nhìn thấy Cương thực hiện hành vi "sát" tiêu nên quy kết tội bị cáo là không có căn cứ. Mặt khác, giữa hai gia đình bị cáo và bị hại có mối quan hệ xóm giềng thân thiết, lâu năm, không hề có xích mích hay mâu thuẫn. Nhà Cương thường cho nhà ông Huân nước để tưới tiêu và cà phê.
Thứ ba, việc thực nghiệm hiện trường chỉ dựa vào lời khai của bị cáo mắc bệnh tâm thần và một số người chứng kiến có liên quan điều tra vụ án (công an xã) không đảm bảo tính khách quan. Hình ảnh hiện trường cho thấy vườn tiêu nhà Huân mắc lưới bằng dây kẽm, có nhiều trụ tiêu bằng gỗ cháy xém, nên không loại trừ bị sét đánh trúng.
Thứ tư, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật không phải là cơ quan giám định chuyên môn trong vụ án hình sự, nhưng HĐXX sơ thẩm dựa vào công văn số 188 của cơ quan này để kết án là không có căn cứ pháp lý.
Luật sư Kiệt cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5-7-2021, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 09/2021/HS-ST ngày 17-3-2021 của TAND huyện Ea HLeo, trả hồ sơ cho VKSND huyện Ea HLeo điều tra lại do có nhiều vi phạm tố tụng. Theo HĐXX phúc thẩm, cấp tòa sơ thẩm sử dụng văn bản của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk làm căn cứ để kết tội bị cáo Cương chưa đảm bảo tính pháp lý; việc xác định thiệt hại vườn tiêu của ông Huân chưa đúng quy định...