Vụ kiện hành chính tại quận Thủ Đức: Hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng

Thứ Năm, 09/07/2015 16:18  | Huy Văn

|

(CATP) Sau khi 5 ngày tạm dừng xét xử vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM đã mở lại phiên tòa phúc thẩm vào chiều 6-7-2015. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ, kết quả tranh tụng tại tòa cũng như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu do có nhiều vi phạm về tố tụng.

Khai phá hay lấn chiếm?

 

Theo hồ sơ thể hiện: Ngày 8-8-2005 UBND quận Thủ Đức (QTĐ) ra quyết định (QĐ) số 35/QĐ-UBND thu hồi 542m2 đất của ông Nguyễn Văn Tiếc (SN 1957, ngụ đường 17, khu phố (KP 5), P.Linh Trung, QTĐ) tại KP 5, P.Linh Trung vì đã có hành vi “lấn chiếm” của Hội miếu Cây Cầy.

Ông Tiếc khiếu nại nhưng bị UBND QTĐ bác đơn bằng QĐ số 81 ngày 3-10-2005. Sau đó, UBND TPHCM ban hành QĐ số 4108/QĐ-UBND ngày 12-9-2007, công nhận QĐ giải quyết khiếu nại của UBND QTĐ.

Không đồng tình, ông Tiếc tiếp tục khiếu nại, các cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị xem xét lại. Đáng chú ý nhất là văn bản số 02/HĐND-TT ngày 2-1-2009 của Thường trực HĐND TP, xác định: việc thu hồi toàn bộ phần đất trên là chưa hợp tình hợp lý vì nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất chưa được làm rõ. Mặt khác, cần xem xét đến điều kiện hoàn cảnh vì bà Nguyễn Thị Duyên (vợ ông Tiếc) là gia đình liệt sĩ.

Sau khi làm rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có văn bản số 94/BTNMT-TTg ngày 12-1-2010 báo cáo Thủ tướng Chính phủ (TTCP), xác định: gia đình ông Tiếc đã tự khai phá sử dụng đất trồng cây và đào ao nuôi cá từ năm 1977.

Năm 1988, ông Tiếc cất căn nhà lá 32m2, đến năm 1994 xây dựng lại bằng gạch để bán nước giải khát nhưng lúc đó địa phương không có ý kiến gì. Quá trình sử dụng ông Tiếc có kê khai đăng ký, được UBND P.Linh Trung xác nhận. Không có cơ sở cho rằng ông Tiếc lấn chiếm đất.

Luật sư và vợ chồng ông Tiếc trao đổi với đại diện người bị kiện tại tòa

Bộ TN-MT kiến nghị TTCP giao cho UBND TPHCM chỉ đạo rà soát, xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tiếc theo quy định của pháp luật đất đai. Trường hợp phải thu hồi đất để sử dụng cho mục đích công cộng thì xem xét bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.

Ngày 30-3-2010 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đồng ý với kiến nghị trên.

Nhưng phía UBND QTĐ thì cho rằng phần đất 542m2 (đã trừ đường giao thông) có nguồn gốc của ông Phan Văn Nhiên hiến để thành lập Hội miếu Cây Cầy trước năm 1975. Khoảng năm 1988, ông Tiếc cùng vợ sử dụng một phần đất để làm quán nước; đến tháng 6-1999 thì phá dỡ quán và tiến hành xây dựng nhà không phép, bị UBND P. Linh Trung lập biên bản xử phạt.

Từ báo cáo đề xuất của Thanh tra TP, ngày 13-1-2012, UBND TP có văn bản gửi TTCP kiến nghị chấp nhận theo hướng giải quyết của UBND TP. Cũng trong văn bản này, UBND TP xác định rõ: hiện tại ông Tiếc đã khởi kiện hành chính QĐ 4108 của UBND TP.

Ngày 22-3-2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Do tòa án đã thụ lý nên phải chờ kết quả giải quyết của tòa.

Ông Tiếc làm đơn khởi kiện đề nghị hủy cả ba QĐ số 35, 81 và 4108. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23-8-2012, TAND QTĐ với HĐXX do thẩm phán Cao Thị Hiền Lũy làm chủ tọa, tuyên bác đơn kiện. HĐXX nhận định: QĐ số 35 mới thuộc đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính nên được xem xét; còn QĐ số 81 và 4108 là QĐ giải quyết khiếu nại, không thuộc đối tượng khởi kiện nên không xét (?!).

Theo HĐXX, người bị kiện đã xác định được nguồn gốc đất, chứng minh được việc đăng ký kê khai đất nên có căn cứ xác định nội dung QĐ số 35 là đúng quy định.

Đại diện người bị kiện "ú ớ" trước tòa

Ngày 1-7-2015, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xử phúc thẩm với HĐXX do thẩm phán Phan Tô Ngọc ngồi ghế chủ tọa. Phía ông Tiếc cùng luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi là ông Phan Văn Bé (Văn phòng LS Thiện Bá Vương, TPHCM) đặt ra nhiều vấn đề liên quan của sự việc.

Cụ thể: trong vụ án này có hai quan điểm trái ngược, một xác định đất ông Tiếc “khai phá” và bên kia cho là “lấn chiếm” nhưng tòa sơ thẩm chưa làm rõ. Đến nay, văn bản số 94/BTNMT-TTg của Bộ TN-MT vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, đây là chứng cứ quan trọng của vụ án nhưng cũng không được xem xét.

Về phía tòa đã tập trung làm rõ nhiều nội dung, trong đó HĐXX xoáy vào việc hiến đất để lập Hội miếu, có giấy tờ hay tài tiệu để chứng minh? Tuy nhiên, cả ba đại diện của phía bị kiện đều “ú ớ”, không trả lời được (!).

LS Phan Văn Bé chỉ ra bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm về tố tụng, rõ nhất là việc không đưa đại diện Hội miếu Cây Cầy vào tham gia vụ án. Ngoài ra, án sơ thẩm nhận định hai QĐ 81 và 4108 không thuộc đối tượng khởi kiện hình chính là sai.

Căn cứ Nghị quyết số 02/2011 ngày 29-7-2011 và Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐTP ngày 15-1-2015 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, QĐ giải quyết khiếu nại cũng là đối tượng khởi kiện hành chính. LS Bé xác định: thẩm phán TAND QTĐ thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm là vượt thẩm quyền, khiến cho việc khiếu kiện càng thêm kéo dài, đến nay đã hơn 15 năm và chưa biết bao giờ kết thúc. Căn cứ theo quy định pháp luật, vụ kiện này, thẩm quyền thụ lý giải quyết ở cấp sơ thẩm thuộc TAND TPHCM.

Sau phần tranh luận, HĐXX phúc thẩm nhận định: Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần có thời gian để nghiên cứu hồ sơ nên tạm dừng. Phiên tòa được mở lại vào chiều 6-7-2015, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP đề nghị hủy án sơ thẩm do vi phạm tố tụng.

Sau khi nghị án, HĐXX quyết định: hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND QTĐ; để TAND TPHCM thụ lý giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sư, đảm bảo nguyên tắc xét xử hai cấp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang