Taxi truyền thống dán decal phản đối, đã vi phạm Luật cạnh tranh

Thứ Hai, 09/10/2017 09:52  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Liên quan đến việc nhiều phương tiện của hãng taxi Vinasun dán decal có nội dung Đề nghị dừng thí điểm Grab, Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh', 'yêu cầu uber và grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Luật sư Phạm Hoài Nam - Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn

Trao đổi với phóng viên báo Công an TP.HCM, Luật sư Phạm Hoài Nam - Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn nhận định, từ khi tiến hành thí điểm đến nay, những hãng taxi công nghệ như Uber, Grab… đã gặp không ít sự phản đối từ những hãng taxi truyền thống. Thời gian gần đây, để phản đối chương trình thí điểm này.

Đánh giá sự việc nhiều xe taxi Vinasun đã dán băng rôn với những khẩu hiệu như “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” hoặc “Đề nghị dừng thí điểm Grab, Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”. Trên góc độ pháp lý, các hãng taxi truyền thống được quyền bày tỏ quan điểm phản đối của mình đối với taxi công nghệ nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

Nội dung phản đối trên những băng rôn này là không rõ ràng, có thể gây hiểu lầm cho người đọc; nếu việc taxi truyền thống đưa ra những thông tin thiếu căn cứ, không đúng sự thật thông qua các băng rôn đối với hoạt động kinh doanh của Uber, Grab… thì đã vi phạm Điều 43 Luật cạnh tranh đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng đến tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi này có thể chịu xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền; ngoài ra có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề …

Taxi truyền thống tại TP.HCM và Hà Nội dán decal phản đối Uber, Grab
 

'Chính vì vậy, các doanh nghiệp, tài xế nên cẩn trọng, hạn chế có hành động phản đối như vậy; thay vào đó, nếu có đủ cơ sở, căn cứ chứng minh các taxi công nghệ vi phạm trong quá trình hoạt động thì có thể khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan, Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật', luật sư Nam nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Nam, hiện loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab mới đang thí điểm trong thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người dân vì những ưu điểm về chất lượng phục vụ, giá thành, tiện lợi hơn so với taxi truyền thống.

Nguyên nhân trong cuộc đối đầu giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ một phần cũng đến từ những chính sách ưu đã dành cho taxi công nghệ. Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay, các loại hình kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ đang là xu hướng nên các doanh nghiệp cần phải chấp nhận sự bình đẳng giữa các hình thức kinh doanh, những loại hình kém hiệu quả sẽ phải tự đổi mới hoặc sẽ bị đào thải.

'Vì vậy, đồng thời với việc nhờ sự can thiệp của cơ quan nhà nước, các hãng taxi truyền thống cũng cần tự nâng cao năng lực bản thân, cải thiện chất lượng dịch vụ của chính mình để cạnh tranh lành mạnh với taxi công nghệ. Về phía cơ quan nhà nước cũng cần nâng cao công tác quản lý đối, điều chỉnh các chính sách hợp lý để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các hình thức kinh doanh này', luật sư Nam nhận định.

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính Điều 31 Nghị định 712014/NĐ-CP.

Cụ thể: Điều 31 - Hành vi gièm pha doanh nghiệp khác

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;

b) Gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

4. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 28 của Nghị định này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang