Kỳ án chủ nợ thành bị cáo: Kêu oan vì bản án có nhiều “lỗ hổng”

Thứ Tư, 22/07/2020 10:05

|

(CATP) Vụ án không phức tạp, nhưng khiến Tòa án nhân dân (TAND) Q5 phải “đau đầu”, nhiều lần mở phiên xử rồi hoãn để điều tra bổ sung, sau đó thay cả thẩm phán chủ tọa.

Trong khi một số điểm mấu chốt chưa được làm rõ thì tòa đã kết án Nguyễn Văn Thanh (SN 1975, ngụ P.Thạnh Lộc, Q12, TPHCM) 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Bị cáo liên tục kêu oan, đồng thời gửi đơn tố thẩm phán ra bản án trái luật.

NHIỀU LẦN HOÃN PHIÊN TÒA

Hồ sơ vụ án thể hiện, xuyên suốt quá trình tố tụng, ông Thanh một mực kêu oan, nhưng Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Q5 Trần Tuấn Dũng vẫn ký cáo trạng ngày 30-1-2019 để truy tố bị can. Theo đó, ông Thanh và ông Trần Trung Trinh (SN 1972, ngụ Q1) quen biết từ năm 2016, sau đó phát sinh mâu thuẫn về nợ tiền.

Sáng 6-4-2018, ông Thanh đi công việc thì gặp ông Trinh tại quán cà phê ở chung cư Nguyễn Trãi (P8, Q5), liền yêu cầu trả 400 triệu đồng. Ông Trinh không đồng ý, hai bên cự cãi. Ông Thanh dùng tay đấm vào mặt ông Trinh. Ông Trinh đánh lại. Ông Thanh lấy chân đạp làm ông Trinh ngã xuống đường. Công an P8 (Q5) mời 2 người về trụ sở làm việc. Sau đó, ông Trinh được giới thiệu đến Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương để khám.

Ngày 10-4-2018, BV có giấy chứng nhận thương tích do Phó giám đốc Phan Văn Nghiệm ký, xác định: Ông Trinh vào viện lúc 14 giờ ngày 6-4-2018, ra viện 1 tiếng sau đó. Bệnh nhân bị “đứt bán phần” dây chằng chéo trước gối phải, tổn thương phần mềm ngón V tay phải (ngón út).

Bị cáo Nguyễn Văn Thanh tại tòa

Ngày 15-6-2018, Trung tâm Pháp y TPHCM ra Kết luận giám định pháp y (GĐPY) số 441/TgT.18, xác định ông Trinh bị “đứt dây chằng chéo trước gối phải”, tổn thương 13%; chấn thương phần mềm ngón V tay phải 3%. Cộng chung hai vết thương, ông Trinh bị tổn thương cơ thể 16%.

Ông Thanh trước sau vẫn khai: Chính ông Trinh dùng chân đạp vào người mình nên khi ông né tránh thì ông Trinh mất thăng bằng, tự té xuống đường. Ngoài ra, ông Trinh nợ ông Thanh 850 triệu đồng, nhưng chỉ trả 450 triệu đồng nên ông Thanh làm đơn tố cáo. Ông Trinh khai chỉ nhận của ông Thanh 450 triệu đồng và đã trả đủ.

Cáo trạng quy kết: Dù ông Thanh không thừa nhận hành vi, nhưng với lời khai của nạn nhân, nhân chứng, các biên bản thực nghiệm điều tra, kết luận GĐPY, xác định bị can đã đạp ông Trinh té gây thương tích 16%.

Ngày 26-4-2019, TAND Q5 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Lê Thị Minh Loan làm chủ tọa. Phiên tòa hoãn do vắng 2 nhân chứng và giám định viên. Tại phiên tòa lần 2 ngày 21-5-2019, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung về nhiều vấn đề mấu chốt nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án. Thế nhưng Viện KSND Q5 chưa thực hiện, như: việc giám định lại thương tật do người bị hại từ chối; nhân chứng Trần Văn Cu không triệu tập được nên không thể đối chất... Đến ngày 26-8-2019, Phó viện trưởng Trần Tuấn Dũng ký văn bản giữ nguyên cáo trạng ngày 30-1-2019, tiếp tục sử dụng kết quả giám định cũ để truy tố.

Ngày 7-10-2019, TAND Q5 đưa vụ án ra xét xử lần 3, nhưng tiếp tục tạm hoãn do không có kết quả giám định lại và vắng nhiều người. Đến phiên tòa lần 4 ngày 5-11-2019, HĐXX một lần nữa tạm hoãn để điều tra bổ sung, yêu cầu Viện KSND Q5 trưng cầu giám định lại thương tích của nạn nhân.

NHIỀU CHI TIẾT CHƯA RÕ, VẪN KẾT TỘI

Ngày 14-1-2020, TAND Q5 mở phiên tòa lần thứ 5, với HĐXX mới do thẩm phán Vũ Kim Liên làm chủ tọa. Phiên tòa này lại tiếp tục bị hoãn vì kiểm sát viên bệnh đột xuất. Phiên tòa lần 6 được mở ngày 27-5-2020, với HĐXX gồm bà Liên (chủ tọa) cùng 2 hội thẩm nhân dân Nguyễn Thị Kim Hoàng và Phan Ngọc Hạnh. Trong khi một loạt vấn đề chưa được làm rõ thì HĐXX vẫn tuyên bị cáo Thanh phạm tội cố ý gây thương tích và xử phạt 2 năm tù.

Để kết án bị cáo, HĐXX căn cứ 3 tài liệu chính, gồm: Lời khai ngày 21-6-2018 của 2 nhân chứng Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Trần Tấn Vinh; Kết luận GĐPY số 441/TgT.18; các biên bản đối chất và biên bản thực nghiệm điều tra.

Sau khi án tuyên, ông Thanh đã kháng cáo và liên tục kêu oan. Đồng thời, bị cáo cũng có đơn gửi Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, tố cáo thẩm phán Vũ Kim Liên ra bản án trái pháp luật. Với tài liệu, chứng cứ mà phóng viên đã thu thập, cho thấy việc kêu oan của bị cáo Thanh là có căn cứ.

Thứ nhất, mấu chốt của vụ án chính là thương tích của ông Trinh và kết quả GĐPY. Trước đây, HĐXX cũ do thẩm phán Loan làm chủ tọa nhiều lần quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ vấn đề này. Cụ thể, ngày 5-11-2019, thẩm phán Loan ký quyết định gửi Viện KSND Q5, nêu rõ: “Bị cáo Thanh cho rằng không đánh, không gây thương tích cho bị hại, kết quả giám định không đúng.

Tại 2 phiên tòa ngày 21-5- 2019 và 5-11-2019, giám định viên Trung tâm Pháp y Mai Quang Trường, trình bày: Khi thực hiện giám định thương tích bị hại, không có bản phim chụp cộng hưởng từ (MRI) do Phòng khám Vietlife chụp. Tuy nhiên, tại bản Kết luận GĐPY số 441/TgT.18, lại ghi nhận “có hình ảnh đứt dây chằng trên phim MRI chụp khi vào viện...” là chưa chính xác. Việc thiếu tài liệu khi thực hiện giám định có thể làm kết quả không chính xác”.

Luật sư Huỳnh Phi Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Hồ sơ vụ án thể hiện, ngay khi vụ việc xảy ra, bị hại khai tại Công an P8 (Q5): “Tôi bị sưng ở mặt và tay”. Cùng ngày 6-4-2018, bác sĩ điều trị yêu cầu chụp MRI, nhưng đến 3 ngày sau, bị hại mới tiến hành chụp tại Phòng khám Vietlife, không thuộc BV Nguyễn Tri Phương. Kết quả này làm sao đảm bảo khách quan? Theo giấy chứng nhận thương tích của BV, ông Trinh bị “đứt bán phần dây chằng”, trong khi kết luận GĐPY thì biến thành “đứt dây chằng”, nhưng không xác định đứt như thế nào.

Thứ hai, HĐXX mới căn cứ lời khai ngày 21-6-2018 của 2 nhân chứng Vinh và Nhung (sau khi xảy ra vụ việc gần 80 ngày) để buộc tội bị cáo. Trong khi lời khai này mâu thuẫn với chính lời khai ngày 6-4-2018 của 2 nhân chứng tại Công an P8. Hai nhân chứng thay đổi lời khai theo hướng buộc tội bị cáo, điều này rất bất thường.

Thứ ba, HĐXX cũ yêu cầu triệu tập lấy lời khai nhân chứng Trần Văn Cu (người đi cùng xe với bị cáo). Ông Cu chứng kiến toàn bộ sự việc, đứng ra can ngăn, đồng thời có lời khai “ông Trinh là người đá ông Thanh”. Nhưng HĐXX mới cho rằng, ông Cu đã được cơ quan điều tra triệu tập làm việc, nhưng không đến để lấy lời khai. Còn lời khai của ông Cu tại phiên tòa thì HĐXX mới không chấp nhận, vì “thủ tục tố tụng lấy lời khai của người làm chứng phải theo đúng quy định của pháp luật” (?).

Bình luận (0)

Lên đầu trang