Vụ "chém nhầm" ở Cà Mau: Kiểm sát viên bị tố làm sai lệch hồ sơ

Thứ Hai, 13/07/2020 11:24  | Thu Hiền

|

(CATP) Ngày 9-7-2020, TAND tỉnh Cà Mau mở lại phiên xử phúc thẩm lần 2 vụ án "cố ý gây thương tích" từng gây oan sai cho nhiều người. Tại tòa, bốn bị cáo: Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Lê Phước Trung và Nguyễn Hoài Nam cùng giao nộp chứng cứ mới là các file ghi âm tố cáo ông Ngô Kiên Đ. - kiểm sát viên thuộc VKSND TP.Cà Mau có hành vi làm sai lệnh hồ sơ vụ án, xúi giục nhân chứng quan trọng rời khỏi địa phương nhằm bưng bít chứng cứ ngoại phạm.

Liên quan đến những file ghi âm này, cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND tối cao đã làm việc với bà Nguyễn Kim Huê là đại diện hợp pháp của bị cáo Lâm Hải Long, thu thập nhiều tình tiết mới liên quan đến vụ án.

CÁC FILE GHI ÂM NÓI GÌ?

Như Báo Công an TPHCM đã đưa tin, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20-3-2020, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng nộp đơn tố cáo ông Đ. có hành vi mớm cung, thông cung vi phạm nguyên tắc kiểm sát điều tra. Bằng chứng là 2 file ghi âm buổi làm việc giữa ông Đ. với Nguyễn Phương Nam tại Công an xã Lý Văn Lâm và Công an TP.Cà Mau ngày 17-2-2017. Thời điểm này năm bị cáo đang bị tạm giam, sau đó Nguyễn Anh Duy được xác định oan sai, đã khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Nguyễn Phương Nam, biệt danh Nam "heo rừng" là bạn học với Lâm Hải Long từ nhỏ. Làm việc với CQĐT, Nam khai vào đêm xảy ra vụ án Nam đi ăn bánh mì cùng Long, Đăng (anh của Long) và hai người bạn khác. Do xe máy bị hư, Nam về nhà Long ngủ chung với Long và Đăng. Trước khi ngủ, Nam nằm bấm điện thoại, còn Long chơi game trên máy tính truy cập facebook. Lời khai của Nam có giá trị chứng minh Lâm Hải Long ngoại phạm và nếu đúng như vậy thì Thời, Nam, Trung cũng vô can bởi lẽ hồ sơ vụ án miêu tả Thời điện thoại cho Long, Long gọi Nam rồi Nam rủ Trung cùng đi đánh nhau.

Trong file ghi âm ông Đ. nói với Nam "heo rừng": "Chuyện bên kia nó khai, nó xúi mày khai ngủ với thằng Long, thằng Long thoát tội, mấy thằng mày thoát tội". Để buộc tội các bị cáo, ông Đ. hướng dẫn Nam khai sai sự thật rằng, sau khi đi chơi, ăn bánh mì xong thì về nhà ngủ, không ngủ ở nhà Long. Cũng nhằm che đậy, bưng bít lời khai có lợi cho Long và các bị cáo khác, ông Đ. gợi ý: "Chú cho cái cơ hội này, để tránh luật sư moi nại mày ra mày phải vào tù, chú sẽ sắp xếp cho đi chỗ khác chứ không sống ở Cà Mau này, về Sài Gòn ở với ngoại được không, xử xong vụ án này thì về".

Lâm Hải Long - bị cáo có chứng cứ ngoại phạm theo lời khai của Nam

Khi Nam không làm theo sắp đặt, giữ nguyên lời khai ngủ ở nhà Long, ông Đ. kể tên các tay giang hồ quen biết ở Cà Mau, bịa ra lời khai giả mạo quy kết Nam tham gia chém lộn, sau đó dọa nạt: "Mày đừng để tao giận lên là tao bất chấp đó, khởi tố mày khai báo gian dối, tao bắt mày tại đây mày khỏi cần về nhà luôn... cho mày đi tù luôn nhe con. Lên đây mày khai kiểu này ai mà chấp nhận... nếu mày cố chấp thì tao thịt mày thôi chứ không còn đường nào nữa".

Ở nhiều đoạn ghi âm khác, ông Đ. trích dẫn biên bản lời khai của một số người liên quan trong vụ án để dẫn dụ Nam khai theo định hướng. Cách lấy cung này cũng được áp dụng với các bị can và nhân chứng, hậu quả làm sai lệch nội dung vụ án, gây ra việc bắt oan sai đối với Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong là những người đã từng khai nhận tội do đọc lời khai của người khác. Đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và xâm phạm hoạt động tư pháp.

ĐỀ NGHỊ TRIỆU TẬP NHIỀU NGƯỜI LIÊN QUAN

Do vụ án có nhiều mâu thuẫn, nhất là lời khai của những nhân chứng quan trọng, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập Nguyễn Tấn Phong, Trần Văn Tổng là hai người chở Đặng Hữu Thời đi bệnh viện. Phong, Tổng khai thấy vết thương ở đầu và vai Thời chảy nhiều máu nên lấy xe máy chở bạn đi cấp cứu, ở lại bệnh viện với Thời đến 5 giờ sáng mới về. Tổng còn là người nhậu chung với Thời vào đêm xảy ra vụ án, trên đường về nhà cùng Thời cũng bị chặn đánh tại cống Nàng Âm, vết thương bên hạ sườn phải.

Mặc dù Tổng, Phong nhiều lần khẳng định chỉ chở Thời đi bệnh viện nhưng hồ sơ lại mô tả Tổng chở Thời về nhà, leo rào vào lấy 3 cây mã tấu sau đó chở Thời đến trước nhà nghỉ Trung Hoa cất hung khí, còn Phong đi rước Long ra điểm hẹn đánh nhau. Quá trình điều tra, VKSND TP. Cà Mau có văn bản yêu cầu làm rõ Tổng chở Thời về lấy mã tấu thì Phong ở đâu, Tổng và Phong có tham gia đánh nhau không, lúc đánh nhau hai người này ở đâu, tại sao sau khi đánh nhau xong thì có sự xuất hiện của Tổng và Phong chở Thời về nhà, đưa vào bệnh viện? Đến nay những nghi vấn trên chưa được làm sáng tỏ, các cơ quan tố tụng "bỏ lọt" Phong và Tổng vì hai người này đi khỏi địa phương, không làm việc được!

Chị Trần Thị Thoa (chị ruột Tổng) là người chứng kiến sự việc không được mời làm nhân chứng. Thời cho biết sau khi bị chém chạy vào nhà chị Thoa nhờ gọi điện báo công an xã nhưng chị Thoa không biết số, Thời mượn điện thoại của chị này gọi cho vợ. Đây là chứng cứ quan trọng xác định thời gian xảy ra vụ án, nếu sau 1 giờ sáng 15-3-2015 (như lời khai của nhiều nhân chứng khác) thì Thời không thể vừa bị chém, vừa đi tìm người chém trả thù cùng trong một thời gian. Nghi vấn này là một trong những lý do trước đây cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại.

Các luật sư cũng đề nghị triệu tập hai điều tra viên (ĐTV) Quách Công Danh, Nguyễn Thuận Tùng vì có nhiều biên bản lấy lời khai trùng lặp thời gian hoặc cùng thời gian nhưng ĐTV đồng thời làm việc ở Cà Mau và Cần Thơ cách nhau gần 150km. Vật chứng là con dao gây án không xác định rõ màu trắng hay màu xám, hai đoạn cừ tràm do Thời bẻ phát cho đồng bọn không khớp nhau ở đoạn gãy.

Vấn đề giám định thương tích cho Đặng Hữu Thời, gia đình bị cáo yêu cầu nhiều lần vẫn chưa thực hiện. Theo bệnh án Thời có một vết thương ở đầu, tuy nhiên phiếu khám sức khỏe lại mô tả "vết thương ở lòng bàn tay phải, ở đầu khâu 4 mũi, vai trái khâu 3 mũi". Thời khai vết thương ra nhiều máu nên phải cởi áo băng lại. Trong tình trạng thương tích như vậy, liệu bị cáo có đủ sức khỏe và tỉnh táo để về nhà lấy hung khí, tập hợp đồng bọn ra đường chặn đánh các bị hại?

Để có cơ sở xem xét đơn kêu oan của các bị cáo, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa để giám định tính xác thực của các file ghi âm. Với chứng cứ mới này, liệu rằng công lý có được sáng tỏ, người bị hàm oan có được phục hồi danh dự?

Bình luận (0)

Lên đầu trang