VỪA BỊ CHÉM VỪA ĐI CHÉM
Hồ sơ vụ án thể hiện đêm 14-3-2015, trên địa bàn TP. Cà Mau xảy ra hai vụ chém người. Vụ thứ nhất tại cống Nàng Âm, huyện Cái Nước, nạn nhân là Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng trên đường về nhà thì bị rượt chém, Thời bị thương nặng ở đầu và vai. Gần thời điểm này, trước cổng đô thị Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cũng xảy ra một vụ chém người, bị hại là Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến.
Hôm sau, Đặng Hữu Thời bị bắt, bị cáo buộc chủ mưu trong việc chém Toàn, Tiến, Khen. Sáu đối tượng khác gồm Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung, Nguyễn Anh Duy, Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong bị bắt khẩn cấp để điều tra. Sau 9 ngày tạm giữ, Nguyên và Phong được trả tự do vì có chứng cứ ngoại phạm.
Năm 2016, TAND TP.Cà Mau xử sơ thẩm lần thứ nhất, cả 5 bị cáo đồng loạt kêu oan nhưng vẫn bị kết tội. Bản án này bị TAND tỉnh tuyên hủy để điều tra, xét xử lại do có nhiều chứng cứ kết tội mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, nhất là việc Thời vừa bị chém vừa đi tìm người chém trả thù trong cùng một thời gian là không phù hợp.
Theo cáo trạng, Thời bị chém lúc 23 giờ 30 phút, sau đó Tổng chở về nhà leo rào vào lấy mã tấu rồi chở ra cổng khu đô thị Hoàng Tâm đón người chém trả thù. Thời gọi điện kêu Phong chở Long đến tiếp ứng.
Điều này mâu thuẫn với hồ sơ do CA huyện Cái Nước cung cấp, Tổng khai: "Khoảng 0 giờ, tôi và Thời đi nhậu về, trên đường thì gặp Đẳng. Bất ngờ từ phía sau có một nhóm thanh niên chạy xe máy đến, tôi quay đầu xe bỏ chạy, khi quay lại thấy Thời có vết thương trên vai và đầu nên tôi chở Thời đi bệnh viện".
Nhiều nhân chứng khác cũng xác định: Vụ án xảy ra sau 0 giờ. Chính xác nhất là lời khai của anh Nguyễn Thành Tú khẳng định: "Vào đêm 14-3-2015 vợ tôi kêu tôi thức dậy đi làm. Lúc thức dậy tôi có xem điện thoại thì thấy 1 giờ 10 phút ngày 15-3. Khoảng 5 phút sau tôi dắt xe ra đến cửa thì thấy nhiều xe máy từ Cà Mau xuống, có trên 10 người xông vào dùng hung khí đánh 3 thanh niên".
Các nhân chứng cũng khai rằng sau khi bị chém, Thời gọi điện báo tin cho vợ rồi quay lại tìm Tổng và Đẳng. Tổng chở Thời về nhà, do xe bị hư đèn nên Thời đổi xe khác, Tổng tiếp tục chở Thời đến bệnh viện cấp cứu, có Phong chở vợ Thời đi theo. Bệnh án ghi Thời nhập viện lúc 2 giờ 5 phút.
Ở vụ chém thứ hai, nạn nhân Toàn nhập viện lúc 2 giờ 20 phút, khai rằng: "Khoảng 1-2 giờ sáng ngày 15-3-2015 tôi cùng Khen, Tiến đi bộ thì bất ngờ có một nhóm thanh niên khoảng 20 người đi xe máy xông đến, 10 người nhảy xuống xe dùng dao, mã tấu chém, đánh...".
Hai bị hại là Khen và Tiến khai tương tự, những người bán quán ăn đêm gần hiện trường nghe thấy tiếng la lối đánh nhau khoảng từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Anh Nguyễn Tiến Phúc là tài xế xe ben khai: "Khoảng 1-2 giờ ngày 15-3-2015, tôi thấy một nhóm thanh niên đánh nhau chạy loạn xạ trước đầu xe của tôi".
Các lời khai đều không xác định chính xác thời gian, chỉ độ khoảng từ 1 đến 2 giờ sáng, vậy căn cứ nào để cáo trạng quy kết nhóm Toàn bị chém lúc 1 giờ 15 phút? Còn vụ chém ở Cái Nước, lời khai của nhân chứng Nguyễn Thành Tú xác định lúc anh xem đồng hồ là 1 giờ 10 phút. Như vậy Thời không thể vừa bị chém thương tích nặng vừa tập hợp người để đi chém trả thù.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
CHỨNG CỨ KHÔNG THUYẾT PHỤC
Khoản 2 Điều 98 BLTTHS 2015 quy định: "Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án". Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm lần hai cuối tháng 11 vừa qua, lời khai ban đầu của các bị cáo được trích dẫn làm chứng cứ buộc tội.
Cũng để buộc tội các bị cáo, hai chứng cứ "mới" được thu thập lại thể hiện nhiều mâu thuẫn, không đáng tin cậy. Do Nam khai dùng dao tự chế rượt chém các bị hại trúng cạnh bàn của quán cà phê Cát Tường làm mẻ dao, cơ quan tố tụng thu giữ 3 chiếc bàn đem đi giám định. Kết quả là "vết vỡ cạnh bàn có đặc điểm phù hợp với vết cong biến dạng trên lưỡi dao tang vật".
Kết luận này rất thiếu cơ sở vì vụ án xảy ra ngày 15-3-2015 đến ngày 7-2-2017 mới thu giữ làm giám định. Chủ quán cho biết trong gần 2 năm đó có xê dịch những cái bàn trong quán, vậy lấy gì bảo đảm cái bàn không có vật tác động khác?
Về con dao gây án cũng không rõ ràng. Biên bản khám xét nhà Trung ghi "không thu được vật chứng, tài liệu gì" nhưng phiếu nhập kho, lệnh nhập kho thể hiện có thu tại nhà Trung con dao màu trắng, khi giám định thì lại là con dao màu xám!
KHÔNG THAM GIA VẪN NHẬN TỘI
Trong vụ án, hai nghi phạm Hà Gia Nguyên và Lâm Tấn Phong bị bắt khẩn cấp, đã có lời khai chi tiết mô tả tỉ mỉ hành vi phạm tội của mình và những người khác. Phong còn ký biên bản nhận dạng xác định mình cùng Nguyên, Nam, Long tham gia chém người nhưng sau 9 ngày bị tạm giữ, cả hai được thả vì có chứng cứ ngoại phạm.
Lúc xảy ra vụ án, Phong đang làm việc ở quán karaoke, Nguyên làm việc ở nhà nghỉ cách hiện trường hơn 150km. Không có mặt tại hiện trường, tại sao hai người này nhận tội, mô tả chi tiết diễn biến vụ chém và khai tên nhiều người tham gia?
Đối với Nguyễn Anh Duy từng bị tòa sơ thẩm lần đầu xử tuyên án 5 năm tù nay được xác định vô tội và đang khởi kiện đòi bồi thường. Thực tế khi vụ án xảy ra, Duy uống bia tại phòng trọ, có 3 người bạn làm chứng. Duy bị kết tội vì đã rời phòng nhậu 5-10 phút đi mua bia.
Cơ quan tố tụng không làm rõ trong khoảng thời gian ngắn như vậy có đủ để đi đánh nhau rồi quay về nhậu tiếp hay không? Duy một mực kêu oan nhưng cáo trạng vẫn mô tả sự việc Duy cùng tham gia đánh nhau, trích dẫn hàng loạt hành vi của Duy làm cơ sở quy kết các bị cáo khác.
Riêng Lâm Hải Long bị bắt lúc hơn 15 tuổi, cơ quan tố tụng không mời cha mẹ giám hộ đối với trẻ vị thành niên mà cử luật sư T.Q.D. bào chữa. Điều bất thường là văn bản yêu cầu phân công người bào chữa ký ngày 15-3 lại căn cứ vào quyết định khởi tố bị can ngày 26-3.
Long bị làm việc 3 đêm liên tục không có người giám hộ nên lời khai ban đầu không chính xác, không có giá trị pháp lý. Hậu quả từ lời khai của Long đã làm oan sai 3 người là Nguyên, Phong và Duy. Lạ lùng là bản thân Long cũng có chứng cứ ngoại phạm, vào thời điểm xảy ra vụ án Long đang truy cập facebook tại máy tính để bàn đặt tại nhà.
Do vụ án có quá nhiều nghi vấn, dấu hiệu bị oan sai, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, kiểm sát viên (KSV) N.K.Đ giữ quyền công tố có thái độ dọa nạt bị cáo nên 2 luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị thay đổi KSV.
Lý do thứ nhất, khi luật sư nêu vấn đề Long không được cha mẹ giám hộ, KSV quả quyết có ông Lâm Văn Thám giám hộ là sai sự thật vì thực tế hoàn toàn không có. Thứ hai, vụ án khởi tố 7 người đã làm oan sai 3 người, vậy mà trước đó KSV từng đề nghị phạt Duy mức án 5 - 6 năm tù với tình tiết tăng nặng không thật thà khai báo.
Đến đây có thể hiểu lý do vì sao các bị cáo làm đơn kháng cáo ngay tại tòa sau khi HĐXX tuyên án. Lời kêu oan của họ rất cần cấp phúc thẩm xem xét thấu tình đạt lý trong phiên tòa sắp tới.