Vụ án "chém nhầm" ở Cà Mau: Vi phạm thủ tục tố tụng

Thứ Ba, 17/03/2020 18:22

|

(CATP) Báo Công an TPHCM ra ngày 17-12-2019, đăng bài viết về những nghịch lý trong vụ án "cố ý gây thương tích" xảy ra tại TP Cà Mau, gây oan sai cho 3 thanh niên và 4 người khác bị xử nhiều năm tù bởi các chứng cứ buộc tội không chắc chắn.

Qua hai phiên xử sơ thẩm, bản án thừa nhận "có thiếu sót trong việc nhận dạng người vi phạm, hung khí gây án" và bộc lộ nhiều vi phạm về tố tụng.

Theo kế hoạch của TAND tỉnh Cà Mau, vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm ngày 20- 3-2020. Liệu những chứng cứ đầy mâu thuẫn trong hồ sơ và đơn kêu oan của các bị cáo có được làm sáng tỏ tại phiên tòa sắp tới?

NGƯỜI LIÊN QUAN KHÔNG THAM GIA TỐ TỤNG

Theo hồ sơ vụ án, đêm 14-3- 2015 tại cống Nàng Âm, huyện Cái Nước xảy ra một vụ chém người. Nạn nhân là Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng. Gần như cùng thời điểm này, trước cổng đô thị Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cũng xảy ra một vụ chém lộn tương tự.

Bị hại là Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến. Vụ thứ nhất không tìm ra hung thủ, ngược lại Đặng Hữu Thời đang là nạn nhân bỗng dưng trở thành kẻ cầm đầu, tổ chức chém người trong vụ án thứ hai.

Bản án sơ thẩm mô tả, Thời bị chém lúc 23 giờ 30 phút, sau đó được Tổng chở về nhà, leo rào vào lấy 3 cây mã tấu rồi tập hợp lực lượng tìm người chém trả thù. Tổng chở Thời đến trước nhà nghỉ Trung Hoa cất hung khí. Khi cả nhóm gặp nhau, Thời cầm 1 cây dao, Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung mỗi người cầm 1 cây dao tự chế.

Lúc 1 giờ 15 phút, thấy nhóm Toàn đi bộ tới, nhóm Thời chạy qua lộ xông vào đánh, chém. Khi phát hiện chém nhầm, cả nhóm bỏ chạy. Trên đường đi, Thời ném bỏ cây dao ở đâu không biết, Trung bỏ cây dao ở đâu không nhớ, Nam đem cây dao tự chế về nhà Trung giấu, Thời đưa Long giấu 2 cây dao. Tại phiên tòa, luật sư yêu cầu làm rõ nhóm Thời sử dụng bao nhiêu dao khi gây án nhưng HĐXX lại bỏ qua.

Khi bị đánh ở địa phận huyện Cái Nước, Trần Văn Tổng và Nguyễn Tấn Phong đưa Thời về nhà, lấy mã tấu xong thì Tổng tiếp tục chở Thời ra hiện trường gây án, nhưng hai người này không được đưa vào tham gia tố tụng.

Nhận thấy sự thiếu sót này, VKSND TP. Cà Mau có văn bản số 106/ KSĐT ngày 14-7-2015 yêu cầu làm rõ Tổng và Phong đưa Thời về lúc nào, lúc Tổng chở Thời về lấy mã tấu thì Phong ở đâu, Tổng và Phong có tham gia đánh nhau không, tại sao sau khi đánh nhau xong thì có sự xuất hiện của Tổng và Phong chở Thời đi bệnh viện? Theo VKS, vấn đề này còn mâu thuẫn cần làm rõ.

Ngoài ra, cần cho Tổng vẽ phác họa từng loại hung khí khi mang từ nhà đến nơi đánh nhau để phân phát cho những người khác và xác định Tổng cầm hung khí nào? Tiến hành cho nhận dạng đối với Tổng, Phong và những người cùng tham gia đánh, chém.

Kết luận điều tra cho biết, Tổng và Phong không thừa nhận tham gia vụ đánh nhau. Trong đó, Tổng khai đêm 14-3-2015 cùng Thời, Đẳng đi nhậu về thì bị rượt chém. Do Thời bị thương nặng ở đầu và vai, nên Tổng chở Thời đi bệnh viện, Nguyễn Tấn Phong chở vợ Thời đi theo. Tại phiên tòa, các luật sư nhiều lần đề nghị HĐXX đưa Tổng và Phong làm nhân chứng nhưng không được chấp nhận với lý do hai người này đã đi khỏi địa phương.

Các bị cáo viết đơn kêu oan.

VI PHẠM TỐ TỤNG KHI BẮT, GIỮ NGƯỜI VÀ LẤY LỜI KHAI

Nhiều bút lục trong hồ sơ thể hiện Đặng Hữu Thời bị mời làm việc lúc 19 giờ 30 ngày 15-3- 2015, biên bản về việc bắt người lúc 18 giờ 15 ngày 17-3-2015, biên bản giao nhận người tạm giữ lúc 0 giờ 20 ngày 18-3-2015.

Lâm Hải Long bị mời làm việc ngày 15-3-2015, biên bản bắt người lúc 16 giờ ngày 18-3-2015, biên bản khám xét nhà lúc 22 giờ 30 đến 22 giờ 50, biên bản giao nhận người bị tạm giữ lúc 22 giờ 15 ngày 18-3-2015.

Tương tự với Nguyễn Hoài Nam và Lê Phước Trung. Trong khoảng 2 - 3 ngày đó, bốn người này bị tạm giữ ở đâu, theo lệnh của ai? Hơn nữa, tất cả biên bản về việc bắt người đều không có người chứng kiến, không có đại diện gia đình, không thông báo với gia đình là trái với Điều 84, 85 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003.

Trong vụ án này, Lâm Hải Long bị bắt mới 15 tuổi 7 tháng 8 ngày nhưng tất cả biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung của Long đều không có mặt gia đình để giám hộ là vi phạm Điều 306 BLTTHS.

Điều luật này quy định "trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì việc lấy lời khai, hỏi cung phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng".

Ở đây, khi mời Long làm việc, cơ quan tố tụng chẳng những không mời, không thông báo cho gia đình, ngược lại làm văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau cử luật sư T.D.Q tham gia giám hộ, vi phạm Điều 63, 64 Bộ luật Dân sự 2005.

Chưa kể văn bản cử luật sư giám hộ lập ngày 15-3-2015 nhưng lại căn cứ Quyết định khởi tố vụ án ngày 26-3-2015. Điều này cho thấy từ ngày 15 đến 26-3-2015 việc lấy lời khai của Long không có người giám hộ nhưng khi truy tố, xét xử lại dùng những lời khai này làm căn cứ xác định nội dung vụ án.

Ngoài ra, nhiều biên bản ghi lời khai rất bất hợp lý về thời gian. Chẳng hạn, từ 14 giờ đến 15 giờ ngày 17-3-2015, bị hại Nguyễn Quốc Toàn được lấy lời khai tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ.

Ngay sau đó, lúc 15 giờ 20 cùng ngày, Nguyễn Hoài Nam được lấy lời khai tại Công an TP.Cà Mau, do cùng một người tiến hành tố tụng. Khoảng cách từ Cần Thơ đến Cà Mau gần 150km, làm sao có thể đi trong vòng 20 phút?

Cũng trong ngày 17-3-2015, Đặng Hữu Thời được lấy lời khai lúc 10 giờ, kết thúc lúc 11 giờ 15, trong khi đó Nguyễn Hoài Nam làm việc từ 10 giờ đến 10 giờ 30. Cùng một thời gian, một người tiến hành tố tụng không thể làm việc với hai đương sự.

Ngược lại một mình Lê Phước Trung có đến hai biên bản ghi lời khai cùng giờ, cùng ngày với hai người tiến hành tố tụng khác nhau.

Với những chứng cứ thiếu cơ sở và vi phạm thủ tục tố tụng như vậy, phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 21, 22 và 25-11-2019) tuyên buộc Thời, Long, Nam, Trung phạm tội "cố ý gây thương tích" theo khoản 3 Điều 134 BLHS 2015, hình phạt từ 4 năm đến 7 năm 6 tháng tù giam.

Trước đó, án sơ thẩm lần 1 áp dụng khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 xử phạt các bị cáo từ 3 năm đến 7 năm tù. Mặc dù HĐXX cho rằng việc áp dụng BLHS mới có mức hình phạt thấp hơn là có lợi cho người phạm tội, thế nhưng cả 4 bị cáo đều bị tuyên mức án cao hơn trước từ 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù.

Bình luận (0)

Lên đầu trang