Xét xử lại vụ án “ẵm” 44,43 tỷ đồng “nướng” vào sòng bạc:

Vì sao nhóm nhân viên kế toán kêu oan?

Chủ Nhật, 15/03/2020 10:28  | Văn Cương

|

(CAO) Sau hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 11 và 12-3-2020, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai với 5 bị cáo, đều là nhân viên kế toán (NVKT) Công ty Tài chính Cao su (TCCS).

Trước đó, nhóm bị cáo này liên tục kêu oan vì bị kết án tổng công 24 năm tù về tội “vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng”. Toà phúc thẩm đã huỷ án để điều tra, xét xử lại vì chưa đủ căn cứ để kết tội. Trao đổi với PV Báo CATP chiều 14-3-2020, nhóm NVKT tin tưởng HĐXX sơ thẩm lần 2 sau khi nghị án kéo dài sẽ có phán quyết công tâm vào đầu tuần tới…

VẠ LÂY VÌ SẾP… KÝ LIỀU (!)

Bản chất của vụ án này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ chủ mưu được xác định là Trần Quốc Hoàng (SN 1978, ngụ P.8, Q.4, TPHCM), nhân viên Phòng Tín dụng Công ty TCCS. Mê trò “đỏ đen”, ra nước ngoài đánh bạc, thua cháy túi, Hoàng dùng thủ đoạn làm giả 21 hồ sơ để rút tiền Công ty TCCS.

Được Trưởng phòng Tín dụng Công ty TCCS Vương Đáng (đã qua đời trước khi hầu tòa) “tình thương mến thương” ký đề xuất, Tổng giám đốc Phan Minh Anh Ngọc (SN 1951) ký duyệt cho vay và giải ngân, Hoàng ẵm gọn hơn 44,43 tỷ đồng bằng 21 bộ hồ sơ vay được lập giả.

Luạt sư trao đổi với các bị cáo tại phiên toà
Bị cáo Phan Minh Anh Ngọc
Bị cáo Trần Quốc Hoàng 

Xét xử sơ thẩm lần 1 ngày 4-6-2015, TAND TPHCM xử phạt Hoàng tù chung thân vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. “Nhân vật chính” Phan Minh Anh Ngọc nhận mức án "nhẹ nhàng" 5 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”.

Ngoài ra, “sếp” Ngọc còn liên quan đến một vụ án khác gây thiệt hại cho Công ty TCCS hơn 140 tỷ đồng. Ngày 26-11-2018, Ngọc lúc này đã 67 tuổi, lĩnh thêm 16 năm tù về hai tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (theo điều 179 BLHS) và tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các NVKT, gồm Nguyễn Thị Lệ Hằng bị xử 5 năm tù; Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải và Trần Thị Thu Hiền mỗi người 4 năm tù theo Điều 179 BLHS. Riêng Đặng Thị Kim Anh (Kế toán trưởng) bị xử 7 năm theo điều 179 BLHS.

Sau khi án tuyên, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM và VKSND cấp cao tại TPHCM đều có kháng nghị tăng án đối với bị cáo Ngọc. Nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 12-12-2016, TAND cấp cao tại TPHCM y án chung thân đối với Hoàng; đổi tội danh của Ngọc, phạt bị cáo 6 năm tù theo điều 179 BLHS.

Đối với nhóm NVKT, toà phúc thẩm nhận thấy: Kháng cáo của 5 bị cáo là có căn cứ bởi còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhất là “Quy trình tính dụng” (QTTD) ban hành kèm theo Quyết định số 04/QĐ-HĐQT (QĐ số 04) ngày 9-7-2004 của Công ty TCCS. Đây là văn bản cũ, chưa xác định có hiệu lực hay không nên chưa đủ căn cứ để quy trách nhiệm và kết tộ các bị cáo.

CHỜ MỘT PHÁN QUYẾT KHÁCH QUAN

Sau khi điều tra lại, VKSND tối cao ra cáo trạng số 153/CTr-VKSTC-V3 ngày 30-11-2018, giữ nguyên quan điểm truy tố. Theo đó, Trần Quốc Hoàng lập 21 hồ sơ vay, các NVKT biết không đủ thủ tục nhưng vẫn lập phiếu chi giải ngân, tạo điều kiện cho Hoàng chiếm đoạt. Chứng cứ quan trọng nhất để truy tố 5 bị cáo vẫn là QTTD kèm theo QĐ số 04.

Xét thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ nên TAND TPHCM đã hai lần yêu cầu điều tra bổ sung bằng hai QĐ ngày 1-7-2019 và 28-11-2019 nhưng VKSND TPHCM vẫn “giữ nguyên” cáo trạng số 153 của VKSND tối cao (!)

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 11 và 12-3-2020, nhóm NVKT liên tục kêu oan. Bị cáo Kim Anh xác định có biết QTTD ban hành kèm theo QĐ 04 nhưng không được phổ biến. Công ty TCCS đã chấm dứt áp dụng QTTD này kể từ ngày 11-4-2008, được thay thế bằng văn bản số 259/TB-TCCS ngày 11-4-2008.

Các bị cáo còn lại đều khẳng định chỉ biết được QTTD sau khi bị khởi tố năm 2012, còn trước đó hoàn toàn không biết. Việc kiểm tra hồ sơ tín dụng, các NVKT thuộc Phòng Kế toán thực hiện theo QĐ số 01/QĐ-QĐQT (QĐ 01) ngày 29-1-2007 của Công ty TCCS ban hành kèm theo “Quy chế kiểm toán nội bộ”.

Theo đó, hồ sơ chỉ cần có 4 loại tài liệu (gồm giấy đề nghị giải ngân, hợp đồng tín dụng, khế ước, tờ trình xét duyệt cho vay) là đủ. Cả 21 hồ sơ tín dụng liên quan đến Trần Quốc Hoàng cùng hơn 1.000 bộ hồ sơ tín dụng tại Công ty TCCS đều được thực hiện như thế, chỉ có 4 loại tài liệu.

Nhóm NVKT chứng minh việc cáo trạng quy kết các bị cáo “cố ý đề xuất, quyết định giải ngân chi tiền cho Trần Quốc Hoàng” là không có căn cứ, sai sự thật. Quy trình cho vay của Công ty TCCS quy định rõ: Việc đề xuất cho vay thuộc Phòng Tín dụng; duyệt giải ngân do “sếp” Ngọc; còn chi tiền là thủ quỹ.

Bào chữa cho nhóm bị cáo, các luật sư (LS) đều có chung quan điểm: Việc cơ quan tố tụng căn cứ QTTD để quy kết tội các bị cáo theo khoản 3 Điều 179 BLHS là chưa đủ căn cứ. Bởi QTTD này được ban hành “4 không” (không số, không ngày tháng, không đóng dấu, không có chữ ký), trái với quy định của pháp luật về ban hành văn bản. Hơn nữa, QTTD này chỉ là quy định nội bộ, đã hết hiệu lực từ ngày 11-4-2008; trong khi, việc cho vay diễn ra năm 2009 đến năm 2011.

Liên quan đến vụ án này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã có kết luận số 434/KL-TTGSNH ngày 30-9-2013, nêu rõ:Trách nhiệm trong việc cho vay, vi phạm điều kiện vay vốn thuộc về lãnh đạo phê duyệt cho vay, Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Giao dịch và các cán bộ tín dụng trực tiếp ký trên các hồ sơ vay vốn”.

Ngày 15-5-2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, có công văn, xác định: “Các nhân viên Phòng Kế toán thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được phân công”.

Theo các LS, nhóm NVKT đã làm đúng nhiệm vụ kế toán được phân công thể hiện rõ tại QĐ 01. Đây là chứng cứ rất quan trọng nhưng cáo trạng không đề cập và cũng không thể hiện trong hồ sơ vụ án. Xác định QĐ số 01 có thể làm thay đổi bản chất của vụ án, LS đã cung cấp chứng cứ này để HĐXX xem xét, cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung để tránh oan sai.

Đại diện VKSND TPHCM không đối đáp đầy đủ, thậm chí “im lặng” trước những vấn đề mấu chốt mà các LS đưa ra, như tính pháp lý của QTTT “4 không”, QĐ số 01 không có trong hồ sơ vụ án, VKSND TPHCM vẫn giữ nguyên cáo trạng của VKSND tối cao… Công tố viên vẫn đề nghị mức án dành cho bị cáo Kim Anh từ 6 - 7 năm tù; 4 NVKT từ 4 - 6 năm tù.

Do tính chấp phức tạp của vụ án, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, đến ngày 16-3-2020 sẽ tuyên án.

Đại diện nhóm NVKT bày tỏ: “Thân phận bị cáo của chúng tôi đã kéo dài gần 8 năm, chịu không biết bao nhiêu mất mát. Chúng tôi hy vọng, HĐXX sơ thẩm lần 2 sẽ xem xét thấu đáo, toàn diện vụ án để có phán quyết công tâm, khách quan, tránh oan sai cho những NVKT làm công ăn lương, đã thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công, hoàn toàn không có tư lợi hay cố ý dẫn đến thiệt hại”…

Theo dõi vụ án, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao nêu ý kiến: Trong vụ án này, Trần Quốc Hoàng đã lợi dụng chức vụ, tạo dựng các hoạt động cho vay giả nhằm chiếm đoạt tài sản của đơn vị. Các NVKT thực hiện công việc được phân công, không chịu trách nhiệm về các sai lầm của Phòng Tín dụng cũng như của Tổng giám đốc công ty. Việc này đã được Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận rõ nhưng chưa được các cơ quan tố tụng xem xét.

Trong vụ án này, còn 3 NVKT khác cũng lập phiếu chi giống như các bị cáo nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó đặt ra vấn đề là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần áp dụng pháp luật thống nhất, đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội…

Bình luận (0)

Lên đầu trang