Phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab: Tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm

Thứ Ba, 10/03/2020 19:49  | Mai Uyên

|

(CAO) Ngày 10/3, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab (Grab).

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM.

Theo nội dung vụ án, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 24 ngày 7/1/2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi. Vinasun cho rằng việc này gây thiệt hại cho họ và Vinasun khởi kiện Grab ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.

Đại diện Vinasun tại một phiên tòa trước đó

Ngày 28/12/2018, Tòa án Nhân dân TP xử sơ thẩm đã nhận định, có cơ sở khẳng định Grab không đơn thuần là công ty cung cấp nền tảng kết nối trong vận tải như Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải, mà Grab là công ty điều hành hoàn thiện một quy trình kinh doanh vận tải như Vinasun. Hội đồng xét xử nhận định Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải.

Xét những chứng cứ Vinasun cung cấp về thiệt hại của mình, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 4,8 tỉ đồng và Grab chịu án phí 112 triệu đồng cho khoản này.

Về số tiền còn lại là hơn 36 tỉ đồng không được Hội đồng xét xử chấp nhận do không có cơ sở xác định cụ thể những thiệt hại khác là do Grab gây ra, Hội đồng xét xử tuyên Vinasun phải chịu án phí 140 triệu đồng. Đồng thời, Vinasun phải chịu chi phí giám định hơn 2 tỉ đồng; Grab chịu chi phí giám định hơn 347 triệu đồng.

Sau bản án sơ thẩm, Vinasun và Grab đều không đồng tình và kháng cáo. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCMkháng nghị cho rằng, Grab có hành vi vi phạm pháp luật nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận chỉ có duy nhất do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra.

Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM cũng có kháng nghị bổ sung với nhận định: Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab. Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng: Sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Sau 1 ngày xét xử, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, hành vi của bị đơn Grab là có sai phạm và việc này có liên quan tới thiệt hại của nguyên đơn Vinasun. Tuy nhiên, việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ra sao nguyên đơn Vinasun phải chứng minh và hiện chưa chứng minh được yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền 41,2 tỉ đồng. Bản án sơ thẩm là có căn cứ, hợp tình, hợp lý.

Từ đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM tuyên không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp, giữ nguyên bản án sơ thẩm là Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang