(CATP) Thời gian qua, tại TPHCM vẫn còn có nhiều trường hợp xây dựng trái phép, đặc biệt khu vực TP.Thủ Đức, quận 12, hai huyện Hóc Môn và Bình Chánh vẫn là những "điểm nóng" về xây dựng trái phép, không phép bất chấp chính quyền TP đã có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề trên.
Xây nhà trên đất nông nghiệp để… chờ xử phạt
Tại nhiều địa phương, người dân rất bức xúc khi nhiều công trình xây dựng không phép, trái phép ngang nhiên tồn tại ngay cả khi đã được phát hiện, lập biên bản vi phạm như một cách thách thức dư luận. Qua nghiên cứu cách thức, quy trình xử lý vi phạm, chúng tôi nhận thấy chính cách thức xử lý vi phạm theo Nghị định 16/2022 đã tạo ra "lỗ hổng" để cho các công trình vi phạm tồn tại kéo dài. Muốn chui được vào "lỗ hổng" đó không dễ dàng, nếu không có người am hiểu quy định về xử lý trật tự xây dựng... tiếp tay.
Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, thay thế cho Nghị định số 139/2017/NĐ-CPngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quy định xử phạt chung cho cả đô thị và nông thôn đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng. Đồng thời, sửa đổi biện pháp "buộc tháo dỡ" thành "buộc phá dỡ" công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Quy định này phù hợp với Điều 118 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và phù hợp với thực tế cưỡng chế công trình xây dựng, không thể tháo dỡ mà phải phá dỡ công trình vi phạm.
Căn biệt thự trong dự án Khu nhà ở Linh Trung (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) ngang nhiên xây dựng trái phép (Ảnh: An Hòa)
Tuy nhiên, những vi phạm về trật tự xây dựng (TTXD) vẫn không vì thế mà giảm. Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, đơn vị thực hiện kiểm tra 13.978 lượt về tình hình trật tự xây dựng (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện 91 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022) và đã ban hành 104 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các trường hợp sai phép chiếm 47,3% tổng số vi phạm (43/91 trường hợp), giảm 36,8% so với cùng kỳ. Vi phạm không phép chiếm 23,1% tổng số vi phạm (21/91). Trước đó, trong năm 2022, Sở Xây dựng cũng đã thực hiện kiểm tra gần 70.000 lượt, phát hiện 409 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ban hành 504 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên.
Trên thực tế, những con số này chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm vì đáng lẽ ra sau việc ban hành các quyết định xử phạt hành chính thì việc tiếp theo của các cơ quan chức năng quận, huyện là phải buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Nhưng công tác phá dỡ các công trình vi phạm TTXD hiện nay đang bị lợi dụng kẽ hở của các quy định tại Điều 118 Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ban hành vào ngày 17/6/2020 để né tránh, kéo dài thời gian tồn tại vi phạm... "một cách đúng luật".
Những "lỗ hổng" về mặt hành chính
Theo quy định của điều luật trên, khi phá dỡ công trìnhvi phạm, cơ quan chức năng mà hiện nay là cấp phường, xã phải thuê đơn vị tư vấn tiến hành lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng sau khi cấp huyện, TP có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm. Sau khi đơn vị tư vấn lập phương án, giải pháp tháo dỡ thì phương án trên phải được gửi ngược về cấp huyện, TP để thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng vi phạm rồi mới giao về cho địa phương tổ chức thi công phá dỡ công trình xây dựng. Chính cái quy trình phá dỡ công trình dài lê thê mà không có quy định về thời gian thực hiện của Luật Xây dựng sửa đổi này đã khiến cho các công trình vi phạm cứ mặc nhiên tồn tại hết tháng này qua tháng khác.
Đơn cử như một trường hợp vi phạm xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại thửa đất số 566 tờ bản đồ 15 thuộc hẻm 218 đường Võ Văn Hát, khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường (quận 9 cũ), nay thuộc TP.Thủ Đức làm một ví dụ điển hình. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - Phó chủ tịch UBND phường Long Trường cho biết, chủ công trình trên là ông Lê Văn Sử (SN 1980) xây dựng không phép trên đất nông nghiệp với diện tích 112,5m2.
Theo bà Hồng, việc phát hiện công trình không phép này là do có tin báo từ khu phố, sau đó ông Đào Thanh Vũ - công chức địa chính phường Long Trường - xuống hiện trường vi phạm lập biên bản kiểm tra hiện trạng công trình vào ngày 05/4/2023. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư (CĐT) không cung cấp được giấy phép xây dựng công trình, do đó tổ công tác do ông Vũ dẫn đầu đã yêu cầu CĐT phải ngưng thi công và đến UBND phường cung cấp hồ sơ pháp lý. Thế nhưng CĐT vẫn tiếp tục xây dựng và đến nay đã hoàn thiện công trình.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm của UBND phường Long Trường hết sức chậm chạp. Sau khi phát hiện vi phạm và lập biên bản kiểm tra hiện trạng vào ngày 05/4/2023, mãi tới ngày 07/6/2023, các ông Đào Thanh Vũ, Trần Thanh Tuấn - công chức địa chính xây dựng phường Long Trường mới tiếp tục mời CĐT lên lập biên bản vi phạm hành chính.
Trong biên bản vi phạm hành chính cho phép chủ đầu tư có 2 ngày đến UBND TP.Thủ Đức để giải trình và đến ngày 08/6/2023, ông Nguyễn Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND phường Long Trường - mới có phiếu chuyển hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Thủ Đức để tham mưu UBND TP.Thủ Đức ra quyết định xử phạt và thực tế cho tới ngày 13/6/2023, khi chúng tôi làm việc với UBND phường Long Trường thì UBND TP.Thủ Đức vẫn chưa có quyết định xử phạt với công trình này.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là việc xử lý trên giấy tờ, còn việc buộc phá dỡ rất nhiêu khê. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng cho rằng, để thực hiện phá dỡ thì sau khi công trình nhận được quyết định xử phạt, địa phương sẽ phải chờ thời gian để vẫn động CĐT tự tháo dỡ. Sau 30 ngày, trường hợp CĐT không tự giác tháo dỡ, UBND phường mới lập biên bản báo cáo UBND TP.Thủ Đức và chờ quyết định chỉ đạo tháo dỡ. Sau đó, UBND phường lại tiếp tục đề nghị Công ty dịch vụ công ích giới thiệu một đơn vị tư vấn để đơn vị này lập phương án tháo dỡ mà thời gian lập phương án nhanh hay chậm tùy thuộc vào đơn vị tư vấn.
Sau khi có phương án tháo dỡ, UBND phường lại trình UBND TP.Thủ Đức để chờ phê duyệt phương án tháo dỡ còn được phê duyệt hay không thì chưa biết; đồng thời cũng không có quy định thời gian phê duyệt trong bao lâu. Trường hợp phương án tháo dỡ được cấp TP phê duyệt thì UBND phường mới triển khai phương án cưỡng chế tháo dỡ đã được phê duyệt. Trong khi đó, tham khảo một phương án cưỡng chế tháo dỡ, chúng tôi không khỏi hoa mắt, chóng mặt vì nó đòi hỏi hàng tỷ thứ như kế hoạch bảo vệ trật tự, PCCC, bảo đảm an toàn, thuê mướn nhân công, phương tiện tháo dỡ, kho bãi bảo quản tài sản, tờ trình hỗ trợ lực lượng phương tiện tham gia cưỡng chế tháo dỡ... với rất nhiều lực lượng tham gia.
Có thể nói, những "lỗ hổng" về mặt hành chính như trên, người dân không thể biết để có thể lợi dụng. Lẽ ra khi phát hiện các công trình vi phạm, nếu như địa phương kiên quyết, làm quyết liệt ngay từ đầu thì không thể có công trình không phép nào có thể tồn tại gây bức xúc dư luận.