Nghiên cứu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về giá điện

Thứ Sáu, 28/07/2023 07:00  | Hải Triều

|

(CATP) Yêu cầu này được đặt ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021", với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ vào ngày 27/7.

Đoàn giám sát đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy trình bày các báo cáo tổng hợp kết quả và kiến nghị kiểm toán, thanh tra liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Đánh giá cao các báo cáo này, Đoàn giám sát ghi nhận sự chu đáo, nghiêm túc của 2 cơ quan trong việc thực hiện yêu cầu Đoàn. Dù vậy, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cần đánh giá sâu hơn, rà soát lại toàn bộ kiến nghị, kết luận, nhấn mạnh thêm kết quả khắc phục các kết luận thanh tra và kiến nghị của kiểm toán. Đồng thời, cần cập nhật thêm thông tin sát với tình hình thực tiễn, cập nhật thông tin của các bộ ngành, địa phương.

Bên cạnh yêu cầu làm rõ thêm nguyên nhân chủ quan, khách quan, kèm theo báo cáo bổ sung Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay đổi; Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ quan tâm thêm về cơ chế tài chính, cơ chế giá mua bán điện, giá truyền tải điện (cân đối giữa nguồn và lưới); cân đối tài chính của EVN; quản lý quy hoạch; các dự án năng lượng tái tạo...

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các cơ quan cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đề nghị nghiên cứu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu vấn đề về giá điện, công khai minh bạch để báo chí, cử tri hiểu hơn nhằm tránh tình trạng suy diễn. Trong thực thi pháp luật về phát triển năng lượng ở các địa phương, phải giải thích sâu hơn những bất cập, vi phạm, cần chỉ ra địa chỉ, người vi phạm để tạo kỷ cương trong thực thi pháp luật.

Quang cảnh buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, việc tham gia tích cực của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động của Đoàn giám sát là một trong những nội dung đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Kết quả kiểm toán và kết quả thanh tra cung cấp những bằng chứng tin cậy về kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, là căn cứ quan trọng để Đoàn Giám sát xây dựng Báo cáo và Nghị quyết về giám sát năng lượng.

Lưu ý các báo cáo chủ yếu nêu kết quả kiểm toán, thanh tra về tài chính tại các tập đoàn, tổng công ty, các dự án năng lượng..., Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị 2 cơ quan tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, rà soát lại các báo cáo để bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn, có báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trước ngày 03/8/2023. Ngoài ra, yêu cầu bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển năng lượng đối với Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh đối với những hạn chế, bất cập, vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, nhất là các địa phương có những vấn đề nổi cộm về phát triển năng lượng thời gian qua và 3 tập đoàn EVN, PVN, TKV...

Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm về việc độc quyền của EVN bởi đây là vấn đề cử tri, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đề nghị làm rõ thêm tiến trình tái cơ cấu, các mô hình tổ chức quản lý hoạt động của EVN trước mắt và lâu dài cũng như trách nhiệm của EVN đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung, trong đó an ninh năng lượng điện nói riêng.

Theo yêu cầu của các đại biểu, EVN cần có những đề xuất trước mắt để hóa giải nỗi lo về mất an ninh năng lượng nói chung, an ninh năng lượng điện nói riêng. Đồng thời có những giải pháp và hướng tháo gỡ cho nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo và tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện, vấn đề triển khai thị trường điện bán lẻ cạnh tranh; giải pháp về thu hút nguồn vốn đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu EVN, mô hình tổ chức của tập đoàn trước mắt và lâu dài...

Bình luận (0)

Lên đầu trang