Giải đáp pháp luật:

Người nuôi chó vi phạm quy định bị xử lý thế nào?

Thứ Hai, 20/02/2023 17:33

|

Hỏi: Khu vực chúng tôi sinh sống có nhiều hộ nuôi chó, tuy chưa gây tai nạn nghiêm trọng nhưng chó thả rông thường xuyên gây ồn ào, mất vệ sinh chung. Xin hỏi có quy định gì về việc nuôi và trông giữ vật nuôi, nếu để chó cắn gây thương tích hoặc chết người thì người nuôi chó bị xử lý thế nào, bồi thường cho nạn nhân ra sao? (Phan Thị Hồng Nhung, quận 1, TPHCM).

Trả lời:

Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 13-02-2017 về phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại quy định: Chủ nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình; phải thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi của mình theo hướng dẫn của UBND các cấp.

Theo khoản 2 điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP), chủ nuôi động vật (chó) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nếu để chó phóng uế ở nơi công cộng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trường hợp chó cắn người gây thương tích thì chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật (SV) phải bồi thường thiệt hại do SV gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng SV phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng SV, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ 3 hoàn toàn có lỗi làm SV gây thiệt hại cho người khác thì người thứ 3 phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ 3 và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp SV bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu sử dụng SV có lỗi trong việc để SV bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp SV thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu SV đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Thiệt hại phải bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị... Nếu xảy ra hậu quả chết người, chủ chó còn phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.

Đối với trường hợp chó cắn chết người, nếu xác minh được việc để chó gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015: "Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm".

Bình luận (0)

Lên đầu trang