Sau thời gian lộng hành, “cò” đặc sản mứt Đà Lạt (“cò” mứt) đã bị các ngành chức năng liên tục có các biện pháp quyết liệt ngăn chặn nên ngưng hoạt động. Tuy nhiên, loại “cò” này lại đang tái diễn, gây phiền hà du khách, ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt. Giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?.
Nhận diện thủ đoạn của “cò”!
Theo phản ảnh của du khách, phóng viên Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã dành hai ngày thứ 7, chủ nhật tuần qua đến các điểm du lịch Đà Lạt quan sát, ghi nhận hiện tượng “cò” du lịch tái diễn hoạt động.
Tại vườn hoa Đà Lạt, cổng khu du lịch thung lũng tình yêu Đà Lạt và một vài điểm du lịch, do đang dịp nghỉ hè và là ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đổ về TP. Đà Lạt tăng mạnh, xuất hiện nhiều “cò” mứt hoạt động, len lỏi vào các dòng xe, chạy theo xe chở khách, chèo kéo, mời chào.
Họ giới thiệu địa chỉ các lò mứt, các cơ sở kinh doanh đặc sản mứt Đà Lạt, vườn dâu tây khách vào tự hái “ở gần đây” để dụ khách. Vừa nói, họ vừa dúi danh thiếp (card visit) mời chào. Nhiều “cò” nói năng lịch sự, nhưng một số trông rất “cô hồn”. Khách hoặc tài xế không trả lời, rất dễ bị nghe chửi.
Hành nghề “cò” mứt là những nam thanh niên độ tuổi 18 - 35, mặc đồ “bụi bặm”, đều đội mũ lưỡi trai, không mũ bảo hiểm, mặt mày dữ dằn, ngồi túm 5 tụm 3 một chỗ hoặc nằm ngả trên xe máy. Hễ thấy xe khách hoặc nhóm khách du lịch mới nào là chạy đến mời chào. Khi thấy có người chụp hình, các "cò" liền tra hỏi, đe dọa.
Lực lượng CSGT Công an TP. Đà Lạt ngăn chặn một đối tượng có hành vi đeo bám khách du lịch
Một tài xế tâm sự: “Bực mình nhất là nhiều lúc mình chưa kịp xuống xe hoặc đang loay hoay tìm chỗ đỗ xe giữa dòng xe đông đúc, nhưng “cò” cứ lách vào sát xe lải nhải tiếp thị rồi tìm cách “rải” card cho tài xế và khách trên xe.
Họ vội vã để còn đi “tiếp thị” xe khác, bất chấp nỗi khổ và sự khó chịu của cánh tài xế. Có lái xe vì muốn nhanh chóng thoát “cò” liền cầm card, gật đại thì bị đeo bám mệt mỏi, bị trách, dọa đánh vì “hứa mà không đưa khách đến”.
“Nhiều khi mệt mỏi, muốn nằm nghỉ một lúc (trên xe) cũng không yên. Liên tục bị đập cửa, đánh thức. Nhiều “cò” còn lấy chân thúc vào xe, trong khi mình chỉ là lái xe thuê...” - nghe hỏi về “cò”, các tài xế thi nhau “kể tội”.
Một số du khách cho biết, họ làm ngơ, từ chối nhưng số tiếp thị kiểu làm “cò” này cứ đi theo mời chào, khiến họ thấy rất mệt mỏi, phiền hà. “Tình trạng này phải dẹp bỏ hoàn toàn để khách không bị làm phiền, ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt”, đôi vợ chồng du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu du lịch Thung lũng yình yêu có khoảng 13 đối tượng “cò” mứt hành nghề. Khoảng 2 nhóm thanh niên từ 4-5 người, còn lại hoạt động riêng lẻ. Số này thường xuyên bám trụ tại đây.
Tại Vườn hoa thành phố cũng khoảng trên 10 đối tượng, cũng hay ngồi túm tụm thành nhóm, vừa phân công nhau mời khách, vừa theo dõi để đối phó với lực lượng chức năng, báo chí. Những nhóm này tự “xí phần” những xe đoàn và xe khách lớn, còn khách lẻ và xe du lịch nhỏ thì dành cho những đối tượng hoạt động đơn lẻ.
Thác Datanla 7-8 đối tượng. Số này chạy quanh các điểm du lịch của thành phố, tìm “con mồi”. Khi xe vừa dừng là nhao lên, chìa ra các tấm card, giới thiệu khách đến các điểm bán đặc sản mứt, vườn dâu để được mua với giá rẻ, ngon, trực tiếp hái dâu tại vườn, hứa hẹn chi “hoa hồng” cao cho tài xế...
Mùa hè, khách du lịch đến TP Đà Lạt rất đông
Thủ đoạn của “cò” là dụ khách, tài xế đưa khách đến các cơ sở bán các loại đặc sản Đà Lạt, lò mứt để hưởng bình quân đến 35%/tổng số tiền khách mua hàng. Do đó, khách thường phải mua với giá đắt hơn giá thị trường.
Để lừa được khách đến đây, “cò” thường nói ở đó có vườn dâu tây, khách được vào tham quan, tự hái ăn, mua với giá rẻ... Thực tế, rất ít cơ sở vừa có cửa hàng bán đặc sản, vừa có vườn trồng dâu tây. Một số chủ vườn dâu chấp nhận liên kết với cửa hàng để bán được dâu với giá cao, nhưng đó là khi dâu đầy vườn. Mà chỉ 1,2 đoàn khoảng vài chục người thì vườn dâu hết trái, lấy đâu ra hết đoàn nọ đến đoàn kia?.
Do đó, nhiều chủ vườn dâu khi khách đến đã từ chối tiếp. Khách không mua đặc sản vì không thích, vì thấy giá cao... thì coi chừng vì mất công “cò” đã dẫn về. Vậy là xảy ra gây gổ, tranh cãi.
Thực tế, nhiều đoàn khách du lịch nhờ “cò” mà biết thêm nhiều địa điểm mô hình vườn hoa – trái, vườn dâu tây với đủ loại hình vườn trồng mới lạ, bắt mắt, như: vườn trên cao, trồng thủy canh, dâu sạch... mua được những đặc sản Đà Lạt như ý.
Nhưng con số này rất ít bởi “cò có tâm” chỉ đếm trên đầu ngón tay – đưa khách đến những nơi uy tín, đảm bảo, lịch sự. Còn lại, vì phải chi % cho đám “cò” và nuôi “đầu gấu” nên giá đặc sản ở những nơi khách bị “cò” dụ đến sẽ mắc hơn. Khách mua hàng trong tình cảnh bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, được biết, do có kinh nghiệm sau những chuyến du lịch Đà Lạt hoặc qua bạn bè, người thân, tuyên truyền của các cơ quan báo chí hay đã từng là nạn nhân của nạn “cò” đặc sản, đa phần các tài xế, du khách từ chối, họ tự đến các điểm quen tham quan, mua bán khiến đám “cò” trở nên ế ẩm, ra sức tìm “con mồi”. Nhiều tay “cò” (không đội mũ bảo hiểm) lạng lách xe máy với thái độ chán nản, bực bội, chỉ trực gây gổ với người khác.
Những đối tượng “cò” mứt len lỏi, bám theo các tài xế xe khách làm phiền họ cần bị ngăn chặn, xử lý
Quyết liệt ngăn chặn, xử lý!
Ngày 27-6-2018, chúng tôi đã liên lạc với Đại tá Nguyễn Tấn Vũ – Trưởng Công an TP Đà Lạt và Thượng tá Bùi Đức Rô – Phó trưởng Công an TP Đà Lạt, phụ trách hình sự, trao đổi và được biết, tình trạng “cò” mứt lộng hành, gây phiên hà du khách xảy ra hơn 1 năm trước và đã được các ngành chức năng địa phương dùng nhiều biện pháp ngăn chặn. Nay tái diễn sẽ quyết liệt xử lý.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt đã có những chỉ đạo quyết liệt việc này. Công an TP Đà Lạt phối hợp các ngành chức năng, như Quản lý thị trường, Phòng kinh tế, Phòng văn hóa đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết nạn “cò” mứt.
“Chúng tôi làm thường xuyên chứ không phải đến các mùa du lịch cao điểm mới tập trung xử lý. Việc xuất hiện “cò” mứt, gốc là từ những lò mứt, cơ sở kinh doanh đặc sản – các loại mứt Đà Lạt. Lợi nhuận (hoa hồng) cao nên nhiều “cò” mứt bất chấp pháp luật.
Các đối tượng này hầu hết không nghề nghiệp, học vấn thấp, thậm chí mù chữ hoặc mới chấp hành xong án phạt tù, đa phần là số thanh niên từ một số tỉnh phía Bắc và miền Trung đến địa bàn sinh sống, làm thuê. Họ sử dụng phương tiện là những xe máy cũ nát, ít giá trị nên khi bị thu giữ mua ngay xe khác. Các đối tượng “cò” không làm riêng cho cơ sở nào. Chủ một số cơ sở kinh doanh đặc sản, lò mứt cũng thuộc thành phần “anh chị” ở một số tỉnh phía Bắc.
Ngoài việc tạm giữ phương tiện, xử phạt hành chính, tước giấy phép kinh doanh... với những cơ sở, đối tượng vi phạm, Công an TP Đà Lạt phối hợp các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, đặc sản... yêu cầu viết cam kết không ép giá, bắt chẹt khách hàng; không bán, tiêu thụ hàng gian, hàng giả, không rõ nguồn gốc, nhãn mác; không sử dụng “cò” tiếp thị lừa đảo khách dưới mọi hình thức… Nếu họ không thực hiện đúng cam kết sẽ kiên quyết xử lý. UBND thành phố đã thiết lập đường dây nóng và cho lắp đặt camera theo dõi...” – phía Công an cho biết.
“Cò” mứt phóng xe máy không đội mũ bảo hiểm
Những năm qua, ngành chức năng đã bắt giữ, xử lý và phạt hành chính gần 60 đối tượng có các hành vi sử dụng người môi giới hoạt động “cò” tiếp thị đặc sản mứt, trực tiếp hoạt động “cò” để chèo kéo, tranh giành và ép buộc du khách; tạm giữ 31 xe gắn máy.
Đến nay, tiếp tục thống kê, lập danh sách theo dõi, sưu tra với 31 đối tượng; lập danh sách quản lý 12 cơ sở kinh doanh đặc sản có dấu hiệu sử dụng “cò”. Nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo luật định. Lãnh đạo Công an TP Đà Lạt khuyến cáo du khách không tin theo lời chào mời của các đối tượng tiếp thị dưới dạng “cò” đặc sản; kịp thời phản ánh và thông báo về đường dây nóng.
Theo chúng tôi, TP. Đà Lạt cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý dứt điểm tình trạng “cò” này, như: nâng mức phạt tiền, tịch thu phương tiện với các đối tượng, cương quyết loại bỏ sự tồn tại của “cò” mứt. Bạn đọc Lê Đình Khuyên (Hà Nội) nêu ý kiến: “Cần có biện pháp giải quyết tận gốc nạn cò du lịch ở Đà Lạt chứ đường dây nóng vẫn chỉ là để đối phó với việc đã xảy ra. Nên rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc bêu tên các cơ sở kinh doanh liên kết với cò, xử lý hình sự hành vi lừa đảo của cò để có môi trường du lịch sạch".
Từ đầu năm 2017, UBND TP.Đà Lạt đã công bố các số điện thoại đường dây nóng để nhân dân và du khách phản ánh các hoạt động của “cò du lịch”, cũng như tình trạng gian lận thương mại trên địa bàn. Đó là các số: 0912903178 (Phòng Văn hóa thông tin Đà Lạt), 0912903707 (Phòng Kinh tế), 0912903615 (Công an TP.Đà Lạt) và 0912903294 (Đội quản lý thị trường số 1 TP.Đà Lạt). Các số điện thoại này hoạt động 24/24, được niêm yết công khai tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, các điểm mua bán hàng đặc sản trên địa bàn TP.Đà Lạt.