(CAO) Chiều 19/6, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết: Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã kháng nghị Bản án số 46/2018/HSST của Tòa án nhân dân quận Hà Đông xét xử đối tượng Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn theo hướng tăng nặng hình phạt.
Hồ sơ vụ án hiện đã được chuyển đến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để thụ lý và sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 20/3/2018, tại phiên xét xử ở Tòa án nhân dân quận Hà Đông, Nguyễn Mậu Chiến đã bị kết án 13 tháng tù.
Nhận định hình phạt mà bản án đưa ra không hợp lý, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của Nguyễn Mậu Chiến - “trùm" buôn lậu động vật hoang dã đầu tiên bị khởi tố và xét xử tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã gửi nhiều công văn đến các bộ, ban, ngành có liên quan nhằm đề xuất giám sát và yêu cầu kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn do Tòa án nhân dân quận Hà Đông xét xử.
Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn tại tòa. Ảnh: X.A.
Được biết, Tổ chức phòng chống tội phạm buôn lậu ngà voi và sừng tê giác tại châu Phi - EAGLE Network cũng đã đưa ra kết quả điều tra tại Bờ Biển Ngà cho thấy vai trò của Nguyễn Mậu Chiến là đối tượng chỉ đạo nhiều vụ buôn lậu động vật hoang dã quy mô lớn, hoạt động mạnh mẽ tại khu vực này.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: “Việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án này của Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã thể hiện quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng Hà Nội trong quá trình giám sát xét xử và tiếp thu kiến nghị của các cơ quan hữu quan. Phiên tòa xét xử phúc thẩm sẽ là cơ hội để cơ quan tư pháp nhìn lại tính chất hành vi vi phạm của đối tượng Chiến, tổng hợp hình phạt trên cơ sở áp dụng mức hình phạt thích đáng nhất cho từng tội danh của Nguyễn Mậu Chiến”.
Vụ bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự Nguyễn Mậu Chiến cùng các đồng phạm: Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Mậu Thuận và Lê Thị Hồng (vợ của Chiến) về tội danh quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 là một chiến công lớn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác phòng chống và triệt phá các đường dây tội phạm về động vật hoang dã.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hà Đông đã đưa ra hình phạt quá nhẹ cho Nguyễn Mậu Chiến, chưa phản ánh được mức độ nghiêm trọng của vụ án. Hành vi phạm tội trong bối cảnh Chiến bị tình nghi là người cầm đầu một đường dây buôn lậu động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia cũng như giữ vai trò chính, lôi kéo đồng bọn và chỉ huy toàn bộ quá trình phạm tội được phát hiện.
Hình phạt trên đã làm giảm đáng kể ý nghĩa chiến công trước đó của các cơ quan chức năng cũng như không thể hiện được quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã.
Theo cáo trạng, Chiến là lao động tự do. Khoảng cuối năm 2016, Chiến tình cờ quen biết người đàn ông Trung Quốc tên Xieng Xieng. Ít lâu sau, Chiến được người này thuê vận chuyển giúp 15 sừng tê giác nặng 34 kg từ TP.HCM ra Hà Nội với tiền công là 340 triệu đồng nên nhận lời.
Cuối tháng 4/2016, Chiến nhận được điện thoại của Xieng Xieng yêu cầu liên hệ với người của ông ta trong TP.HCM để lấy hàng mang ra Hà Nội theo thỏa thuận. Hôm sau, Chiến gọi điện cho Nguyễn Mậu Thuận (33 tuổi, quê Thanh Hóa), nhân viên tàu Bắc - Nam. Qua điện thoại, Chiến bảo Thuận liên hệ với người của Xieng Xieng đang sống trong Sài Gòn để nhận hàng thay mình.
Nhận 1 valy và 1 thùng giấy đựng 15 khúc sừng tê giác, Thuận giao số hàng này cho Nguyễn Văn Tùng (34 tuổi, quê Thanh Hóa) theo chỉ đạo để Tùng mang số hàng này ra cho Chiến.
Ngày 27/4, Tùng ra đến ga Hà Nội cùng 15 khúc sừng tê giác. Khi đang cho số hàng cấm trên lên ôtô mang về cho Chiến thì Tùng bị kiểm tra bắt giữ.
Liên lạc với Tùng nhiều lần không được, Chiến đoán đồng bọn đã bị bắt giữ nên điện cho vợ là Lê Thị Hồng bảo tẩu tán toàn bộ số hàng cấm là sừng tê giác, ngà voi đang để ở nhà. Tuy nhiên, khi người nhà mang số hàng trên về nhà họ thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ.
Chiều cùng ngày, Chiến tới công an quận Hà Đông đầu thú. Ở Thanh Hóa, Chiến được biết đến là chủ trang trại nuôi nhốt nhiều con hổ.