(CAO) Một tin buồn cho hoạt động bảo tồn động vật khi con tê giác trắng phương bắc, giống đực cuối cùng trên toàn thế giới đã chết sau nhiều tháng sức khoẻ suy yếu.
Con tê giác Sudan này sống ở Ol Pejeta Conservancy, Kenya. Sau cái chết của nó vào hôm 20-3, trên thế giới chỉ còn 2 cá thể cái của giống loài tê giác trắng phương bắc. Không có con đực phối giống, loài này nếu muốn không tuyệt chủng chỉ còn trông chờ vào phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Đau xót trước sự kiện này, BBC dẫn lời một nhân viên thuộc vườn thú Dvur Kralove ở Cộng hoà Czech, nơi con tê giác Sudan từng sống đến năm 2009 nhận định: “Cái chết của nó là một biểu tượng cay nghiệt cho việc con người không biết tôn trọng tự nhiên”.
Tê giác là loài động vật có vú có kích cỡ lớn thứ hai trên mặt đất sau voi. Nó được các nhà động vật học chia ra làm nhiều phân nhánh.
Con tê giác Sudan vừa chết do bệnh tật - Ảnh: Twitter
Do quan niệm sừng tê giác trị được nhiều bệnh của y học cổ truyền Trung Quốc, việc săn bắn loài thú này được đẩy mạnh khiến chúng lâm vào con đường tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cho biết sừng tê giác chứa keratin – thành phần không khác gì chất sừng cấu tạo móng tay của con người, hoàn toàn không có khả năng chữa bá bệnh.