(CAO) Cố ý gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đến cả người bị hại và xã hội. Việc nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến mức phạt hành chính đối với hành vi này sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình trước pháp luật.
Cố ý gây thương tích là gì?
Cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác thể hiện qua việc tác động vật lý (đánh, đấm, đá,…) vào cơ thể của nạn nhân nhằm mục đích gây thương tích.
Ví dụ như A và B là hàng xóm với nhau, trong một lần vì tranh chấp ranh giới đất đai giữa hai nhà, A đã dùng tay đánh B khiến B tổn hại đến sức khỏe. Hành vi của A không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng tùy theo tỷ lệ gây thương tích sẽ bị xử phạt theo luật quy định.
Mức xử phạt đối với hành vi cố ý gây thương tích?
Người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (tỷ lệ thương tật dưới 11% và không có các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này) thì bị phạt tiền theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;
.....
Như vậy, mức xử phạt hành chính đối với hành vi cố ý gây thương tích theo luật quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Ngoài ra, người bị xử phạt hành chính còn có thể bị tịch thu phương tiện gây thương tích (Khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) và phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị gây thương tích (Khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Trình báo hành vi cố ý gây thương tích ở đâu?
Để xác định cụ thể trách nhiệm pháp lý của người gây thương tích, nạn nhân cần trình báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan điều tra công an cấp xã và cấp huyện tại xảy ra hành vi phạm tội. Qua đó cơ quan công an có cơ sở để áp dụng các thủ tục pháp lý cần thiết như điều tra để xác minh tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật; trưng cầu giám định tư pháp để xác định mức độ thiệt hại đối với cơ thể do hành vi gây thương tích gây ra. Kết luận giám định là căn cứ quan trọng để đánh giá hành vi cố ý gây thương tích có đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không; đồng thời cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
Công ty Luật TNHH A+ với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm trong các vụ án, vụ việc hình sự,…. đã xử lý thành công nhiều tình huống pháp lý phức tạp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Công ty Luật A+ luôn sẵn sàng hỗ trợ thân chủ 24/7 chuyên môn pháp lý.
Công ty Luật TNHH A+
Phòng D39, Tòa nhà Fosco, 40 Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, Việt Nam
Điện thoại: (084) 0899511010
Website: https://apluslaw.vn/