Bi hài mua nhà không có lối đi

Thứ Ba, 27/10/2020 19:35  | Nam Anh

|

(CATP) Thấy căn nhà cấp 4 có vị trí đẹp, giấy tờ pháp lý đầy đủ, lại thông ra đường Nguyễn Thị Lắng (ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiếu đã gom góp tiền quyết định mua căn nhà của bà Lê Thị Thanh, với giá 800 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng anh Hiếu ở không được bao lâu, chủ đất phía trước mặt đường Nguyễn Thị Lắng xây bít lối đi duy nhất của căn nhà.

Luật sư Trần Văn Yên, Đoàn Luật sư TPHCM

Hiện nay, Điều 254 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về lối đi qua: "Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”. Về diện tích của lối đi, Khoản 2, Điều 254, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: "Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác xác định".

Ở không được, bán cũng không xong

Nói trong bức xúc, anh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, căn nhà trên có diện tích 89,6m2, được UBND huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận số CH05077, thuộc thửa đất số 1181, tờ bản đồ số 5 ngày 28-12-2012. Thửa đất có 40m2 làm đất ở nên bà Thanh đã xây dựng một căn nhà cấp 4 có tổng diện tích 40m2. 49,6m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Ngày 5-7-2016, vợ chồng anh Hiếu quyết định mua với giá 800 triệu đồng. Sau khi hoàn thành thủ tục sang tên, vợ chồng anh Hiếu mở cửa hàng tạp hóa và bán cơm trưa phục vụ người dân trong vùng. Tuy nhiên, ngày 23-3-2017 đã xảy ra tranh chấp giữa bà Phạm Thị Hà và bà Nguyễn Thị Phượng cho rằng, một phần miếng đất ông Hiếu mua tiếp giáp đường Nguyễn Thị Lắng là của hai người này.

Theo ông Võ Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, phần đất của bà Phạm Thị Hà có vị trí tiếp giáp với đường Nguyễn Thị Lắng, mặt hậu tiếp giáp với nhà và đất của ông Nguyễn Văn Hiếu. Trước đây Ban nhân dân ấp Cây Da và UBND xã Tân Phú Trung có vận động bà Hà hiến một phần đất để xây dựng Văn phòng ấp (là phần đất trống phía trước khu đất của ông Nguyễn Văn Hiếu). Theo đó, phần đất hiến cho UBND xã để trống từ năm 2005 và không có hàng rào quản lý. Tuy nhiên, đây là miếng đất xéo, diện tích nhỏ hẹp, không phù hợp với việc xây dựng Văn phòng ấp nên xã đã chọn một địa điểm khác để xây dựng, xã đã trả lại miếng đất cho bà Hà.

Trong khi bà Lê Thị Thanh bán nhà cho ông Nguyễn Văn Hiếu thì căn nhà chỉ có duy nhất một lối đi qua là khu đất của bà Hà hiến cho UBND xã. Trước đây bà Thanh có lối đi là đi qua khu đất bà Hà hiến cho UBND xã. Nay bà Thanh bán nhà cho ông Hiếu nhưng UBND xã trả đất cho bà Hà thì ông Hiếu không còn đường đi. Từ đó, sự việc xảy ra tranh chấp.

Căn nhà siêu mỏng, siêu méo đang bít lối đi duy nhất của nhà phía sau

Tuy nhiên, sự việc chưa được giải quyết ổn thỏa thì năm 2018 bà Hà và bà Phượng đã nhanh tay bán toàn bộ phần đất đang tranh chấp cho ông Nguyễn Chí Linh. Ngay sau khi chuyển nhượng, ông Nguyễn Chí Linh đã đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi đăng ký điều chỉnh biến động quyền sử dụng đất số CH11635 ngày 31-7-2018 từ tên của bà Phạm Thị Hà sang tên ông Nguyễn Chí Linh đứng tên vào ngày 13-8-2018. Điều dư luận quan tâm là miếng đất của bà Hà, bà Phượng đang có tranh chấp về lối đi nhưng không hiểu vì sao chính quyền huyện Củ Chi vẫn chấp thuận cho bà Hà sang tên đất cho ông Hiếu.

Điều chỉnh biến động nhưng cán bộ không đi thực tế

Sau khi nhận chuyển nhượng đất nêu trên, ông Nguyễn Chí Linh đã lập thủ tục xin chuyển mục đích sang đất ở diện tích 61,8m2 trong tổng diện tích 133,3m2 (do phần đất còn lại nằm trong lộ giới giao thông). Ngày 4-9-2018, UBND huyện Củ Chi đã ra quyết định số 9618 chấp nhận cho ông Linh chuyển mục đích 61,8m2 sang đất ở.

Từ quyết định trái khoái của chính quyền đã tạo điều kiện cho phép ông Linh làm một căn nhà tiền chế, chắn ngang lối đi duy nhất ra đường của gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu. Sự việc không dừng lại đó, miếng đất này còn được ông Linh chuyển nhượng cho bà Nguyễn Ngọc Sang; rồi ngày 4-11-2019, bà Nguyễn Ngọc Sang lại tặng khu đất trên cho ông Nguyễn Thành Nhân đứng tên.

Ông Hiếu bức xúc cho rằng, nhà và đất đang xảy ra tranh chấp mà chính quyền địa phương vẫn cho sang tên, chuyển nhượng là không đúng luật. Việc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi không đi thực tế tại địa phương mà vẫn cho phép ông Linh, bà Hà điều chỉnh đăng ký biến động quyền sử dụng đất số CH11635 ngày 31-7-2018 từ tên của bà Phạm Thị Hà sang tên ông Nguyễn Chí Linh khi sự việc đang xảy ra tranh chấp là không thể chấp nhận được. Không dừng lại đó, sau khi chuyển nhượng đất nêu trên ông Nguyễn Chí Linh đã lập thủ tục chuyển mục đích đất ở diện tích 61,8m2 trong diện tích 133,3m2 và được UBND huyện Củ Chi chấp thuận. Không dừng lại đó, ông Linh còn xây dựng nhà tiền chế, tường rào... để bít lối đi của gia đình ông Hiếu là điều không thể chấp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo UBND huyện Củ Chi thừa nhận, nhà phải có lối đi và người có nhà đất kế cận phải tạo điều kiện cho những nhà người hàng xóm xung quanh có lối đi sao cho thuận tiện nhất. Mấy năm trước đây tại Củ Chi cũng xảy ra 4-5 trường hợp nhà không có lối đi nhưng được UBND huyện hòa giải thành công. Vị lãnh đạo này nêu quan điểm: "Người dân đã có nhà thì phải có lối đi, còn việc giải quyết như thế nào thuộc quyền về các cấp có thẩm quyền. Trước tiên là địa phương phải vận động, hòa giải nhưng hòa giải nhiều lần vẫn không xong thì yêu cầu hai bên đưa nhau ra tòa để được giải quyết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang