Tuy nhiên, quý I/2025, ngành sầu riêng chứng kiến một cú trượt dài. Khối lượng sầu riêng xuất khẩu chỉ còn hơn 26.800 tấn, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch cũng lao dốc 61%, chỉ đạt khoảng 98 triệu USD. Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam - giảm nhập khẩu tới 78%. Thậm chí, trong hơn một tháng đầu năm nay, lượng sầu riêng Việt xuất sang nước này chỉ vỏn vẹn 3.500 tấn, chưa bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Hệ lụy từ phát triển thiếu bền vững
Sáng 08/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN và MT Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp khẩn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sầu riêng xuất khẩu. Mặc dù là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, sầu riêng Việt Nam lại đang đối diện nguy cơ tụt dốc. Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, những tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Tình trạng này không chỉ kéo lùi mục tiêu chung của ngành nông nghiệp mà còn đẩy giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN và MT Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do các điểm nghẽn lâu nay chưa được xử lý triệt để. Hệ thống pháp lý và quy trình kiểm dịch chưa rõ ràng, công tác kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm, trong khi việc cấp mã số vùng trồng và phê duyệt cơ sở đóng gói vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía Trung Quốc - thị trường lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu không chuẩn bị kỹ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, để giữ vững vị thế sầu riêng Việt Nam, không thể tiếp tục trông chờ vào đà tăng trưởng nóng, mà phải thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và một hệ thống quản lý minh bạch. Trong ngắn hạn, Bộ NN và MT sẽ phối hợp chặt với cơ quan Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và quy trình kiểm dịch thực vật.
Một cây sầu riêng phát triển và ra quả ổn định cần ít nhất 3 - 5 năm (với loại giống cao sản), mỗi quả sầu riêng chín ngọt là cả một chặng đường dài chăm sóc của người nông dân. Thế nhưng những quả ngọt đó có đến được tay người tiêu dùng, có mang lại lợi nhuận cho người nông dân không lại là điều đáng suy ngẫm.
Sự sụt giảm của xuất khẩu sầu riêng không chỉ là chuyện chất lượng mà còn phản ánh rõ nét hệ lụy của một quá trình phát triển thiếu bền vững. Thực tế, thời gian qua cơn sốt giá sầu riêng đã dẫn đến làn sóng mở rộng diện tích trồng ồ ạt ở nhiều địa phương. Không ít vùng đất không phù hợp cũng được chuyển đổi sang trồng sầu riêng bất chấp cảnh báo từ ngành nông nghiệp. Việc phát triển nóng này khiến chất lượng trái cây không đồng đều, khó kiểm soát sâu bệnh, đặc biệt khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của các thị trường khó tính.

Thu hoạch sầu riêng
Về dài hạn, Bộ trưởng Bộ NN và MT yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan xuất khẩu nông sản, chuẩn hóa chuỗi kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến và thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu tươi. Bộ trưởng cũng đề nghị cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi.
Xử lý triệt để các "điểm nghẽn"
Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, một số nhiệm vụ trọng tâm đang được Bộ trưởng đề nghị triển khai ngay, đó là xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu. Ông Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa cùng đồng hành với doanh nghiệp, sát cánh với địa phương, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN và MT) - khẳng định: Việt Nam cần sớm có biện pháp quy hoạch phù hợp nhằm ngăn chặn phát triển nóng về diện tích, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất, đóng gói và bảo quản đạt chuẩn.
Một bước đi quan trọng cũng đang được Bộ NN và MT đẩy mạnh là phân cấp quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói về cho địa phương. Khi chính quyền cơ sở có quyền chủ động, công tác giám sát chất lượng sẽ linh hoạt, sát sao và kịp thời hơn. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro hàng loạt lô sầu riêng bị từ chối chỉ vì một vài mắt xích yếu kém trong chuỗi cung ứng.
Ngành nông nghiệp cần chủ động giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hướng tới các thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, để chinh phục các thị trường này, sầu riêng Việt phải đạt chuẩn về chất lượng, quy trình canh tác, bảo quản và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc.
Một hướng đi khác đang được khuyến khích là đầu tư vào công nghệ chế biến. Các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, sầu riêng tách múi cấp đông, sầu riêng sấy... có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn xuất khẩu tươi, đồng thời mở rộng thị phần ở những thị trường mới. Đây là chiến lược giúp gia tăng giá trị, tạo sự ổn định.
Từ một ngành hàng đầy tiềm năng, sầu riêng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi nếu không thay đổi kịp thời. Những lô hàng bị trả về không chỉ tổn thất kinh tế mà còn là lời cảnh tỉnh cho toàn chuỗi giá trị. Đã đến lúc ngành sầu riêng cần bước chậm lại, làm chắc từ khâu sản xuất, siết chặt kiểm soát chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Chỉ khi "sạch từ gốc", trái sầu riêng Việt mới có thể thực sự ngọt lâu, giữ vững được vị thế trong lòng người tiêu dùng quốc tế.
Trung Quốc siết chặt kiểm dịch sầu riêng
Lần đầu tiên, Trung Quốc bổ sung quy định về phụ gia vào nghị định thư kiểm dịch sầu riêng, yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu không sử dụng chất không ăn được trong quá trình bảo quản và đóng gói. Quy định mới được đánh giá sẽ tác động đáng kể đến quy trình sơ chế của doanh nghiệp.

Một cơ sở đóng gói sầu riêng ở miền Tây
Động thái này cho thấy Trung Quốc đang nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt sau những sự cố liên quan đến dư lượng chất cấm được phát hiện trong một số lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc hồi đầu năm 2025. Việc Trung Quốc đưa phụ gia vào nghị định thư kiểm dịch sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia thông qua, trong nghị định thư vừa ký vào tháng 4/2025.
Theo đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) công bố Thông báo số 76 về nội dung Nghị định thư đã ký với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia (MAFF), liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi. Điểm mới đáng chú ý, lần đầu tiên Trung Quốc quy định cấm sử dụng bất kỳ chất phụ gia không ăn được nào trong quá trình đóng gói sầu riêng, với mục tiêu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước. "Quy trình đóng gói phải tuân thủ luật pháp, quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các tiêu chuẩn quốc gia, không được thêm bất hợp pháp các chất không phải thực phẩm", Nghị định thư nêu rõ.
Doanh nghiệp Campuchia không được phép sử dụng các chất không phù hợp với mục đích tiêu dùng làm thực phẩm, như thuốc nhuộm công nghiệp hay các loại hóa chất bảo quản không nằm trong danh mục cho phép. Campuchia là quốc gia thứ 5 ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, sau Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines, nhưng lại là nước đầu tiên thực hiện những yêu cầu về chất phụ gia.
Ngoài nhóm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Campuchia, 2 quốc gia khác đang tiến rất gần đến việc hoàn tất thỏa thuận này. Đó là Indonesia, với mặt hàng sầu riêng đông lạnh; còn Lào đang trong quá trình chuẩn bị tài liệu để mở cửa thị trường và đã được chấp thuận về nguyên tắc cho việc xuất khẩu.
Với những động thái kể trên, có thể thấy Trung Quốc có nhu cầu đẩy mạnh kiểm soát kỹ thuật đối với những mặt hàng nông sản nhiệt đới từ Đông Nam Á. Cùng với đó, thị trường tiêu dùng nước này ngày càng đề cao yếu tố truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong chuỗi cung ứng và sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Võ Tấn Lợi - Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Tiền Giang:
"Vàng O là chất tạo màu công nghiệp được một số nơi dùng để nhúng vào múi sầu riêng sau thu hoạch, thay vì dùng bột nghệ như trước. Dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã dừng sử dụng, nhưng dư lượng vẫn có thể bám vào từ các thiết bị cũ, dụng cụ trong nhà xưởng nếu không được thay mới hoặc làm sạch kỹ”.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
"Điều quan trọng nhất cần làm bây giờ là phải kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, bảo đảm chất lượng quả trước khi thu hoạch. Mặt khác, người dân cần chủ động hơn trong việc bảo đảm chất lượng mặt hàng, không quá phụ thuộc vào doanh nghiệp hay các cơ quan quản lý. Để làm được điều đó, bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân còn cần xã hội hóa dịch vụ kiểm định, mở rộng thêm nhiều phòng kiểm định tại các khu vực trồng sầu riêng".