Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra chiều 6/5, phóng viên đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thông tin rõ hơn về định hướng, cơ chế cũng như dự kiến tiến độ của gói tín dụng 500 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trước hết, gói 500 nghìn tỷ đồng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng trên tinh thần triển khai gói tín dụng nông lâm, thủy hải sản rất tích cực. Gói này hiện nay chúng tôi đặt ra mức là 100 nghìn tỷ, lúc đầu chỉ có 15 nghìn tỷ nhưng giải ngân rất tích cực, nhanh, nên bây giờ mở rộng quy mô lên gần 100 nghìn tỷ.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP
Gói 500 nghìn tỷ thì Thủ tướng chỉ đạo theo hướng triển khai cho hai đối tượng: Một là đầu tư phát triển hạ tầng và thứ hai là phát triển công nghệ số. Đây là một trong những chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, thể hiện sự đúng đắn trong việc tập trung nguồn lực cho hai lĩnh vực được xem là chủ chốt, điều kiện quan trọng để tiến tới phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Muốn đạt được tăng trưởng hai con số, có lẽ hai lĩnh vực này cũng là lĩnh vực đòi hỏi phải đi trước với vốn đầu tư dài hạn, làm nền tảng cho việc phát triển các ngành nghề khác.
Nhận thức điều đó và theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã triển khai ngay, làm việc với 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia đủ số lượng 500 nghìn tỷ, tương đương khoảng 20 tỷ USD.
Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đăng ký mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng; 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mỗi ngân hàng 20.000 tỷ đồng; 5 ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ hơn đăng ký 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi tối thiểu là 2 năm. Và gói này sẽ dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại chứ không phải nguồn ngân sách hay của nước ngoài. Hoàn toàn là nguồn lực các ngân hàng thương mại từ việc giảm chi phí, giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, nhất là cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Đặc biệt cho vay hạ tầng bao giờ cũng là những dự án quy mô vốn lớn nên buộc các ngân hàng thương mại phải cùng tài trợ chứ không phải một ngân hàng có thể tham gia. Hiện nay có rất nhiều dự án lớn quy mô quốc gia, chưa kể các dự án khác đang rất cần nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, có hai vấn đề cần đặt ra. So với các gói tín dụng khác thì gói này có 2 đặc điểm. Một là đã cho vay ưu đãi, dù ưu đãi nhiều hay ít, thì đều phải xác định rõ đối tượng cần đầu tư, cần vay ưu đãi để tập trung nguồn lực.
Trong lĩnh vực công nghệ cũng vậy, cần xác định rõ những đối tượng nào, thành phần nào cần đầu tư.
Yếu tố thứ hai là triển khai hạ tầng bao giờ thời gian cũng rất dài, 5 năm, 10 năm trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, phải có cơ cấu và tính toán được câu chuyện bảo đảm kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.
Do vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này.
Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các bộ và đang có những văn bản đề nghị các bộ xác định rõ hơn để các ngân hàng thương mại cũng cơ cấu được nguồn vốn huy động cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Đồng thời bảo đảm được đối tượng theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Chắc chắn trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.
* Về câu hỏi của phóng viên: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá như thế nào về triển vọng nâng hạng thị trường vào kỳ đánh giá tháng 9/2025 sắp tới? Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có kế hoạch gì để đạt mục tiêu này?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương trả lời: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng cũng như định hướng chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam đến năm 2030, thời gian qua Bộ Tài chính, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Ở đây có 2 tiến trình song song với nhau. Nói một cách dễ hiểu, giống như đi thi giọng hát hay, ngoài điểm của Ban Giám khảo còn có tin nhắn của khán giả. Do vậy thị trường chứng khoán Việt Nam có 2 tiến trình song song với nhau.
Thứ nhất chúng tôi phải làm việc với các tổ chức xếp hạng như FTSE, MSCI và các nhà đầu tư quốc tế để đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta đã đạt được 9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức xếp hạng.
Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ tùy thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về tình hình đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ lệ càng cao thì chúng ta càng đạt.
Với các điều kiện cần và đủ như vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp lớn để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng cường sự ủng hộ của họ đối với việc nâng hạng như sau:
Thứ nhất, triển khai hệ thống KRX như tính năng mới về giao dịch thanh toán, đưa vào một số giải pháp phòng ngừa rủi ro cho một số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài… Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các sở giao dịch, các đơn vị chức năng triển khai hệ thống KRX vào tháng 5/2025. Đồng thời ngày 26/4/2025, chúng tôi cũng ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số quy định chuẩn bị cho việc triển khai hệ thống KRX đáp ứng một số đề xuất theo yêu cầu của tổ chức xếp hạng FTSE và một số nhà đầu tư lớn là khi triển khai cơ chế, không yêu cầu nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài có đủ 100% tiền như hiện nay.
Thứ hai, rà soát để sửa đổi Nghị định số 155 năm 2020, trong đó quy định rõ các công ty đại chúng được hoàn tất tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nhằm minh bạch hóa thông tin tỉ lệ sở hữu nước ngoài cho các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư gián tiếp.
Thứ tư, nghiên cứu triển khai các tài khoản giao dịch tổng theo hướng ban đầu đáp ứng các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó có đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan.
Thứ năm, tăng cung hàng hóa, đồng thời phát triển sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán như rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu, phát triển các bộ chỉ số đầu tư bên cạnh các bộ chỉ số đầu tư hiện nay để làm cơ sở hoạt động cho các quỹ đầu tư…
Thứ sáu, thành lập nhóm đối thoại chính sách gồm các thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng… để đẩy nhanh tiến độ cho quá trình nâng hạng thị trường.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động rất tích cực
* Đối với câu hỏi: Tình hình đăng ký doanh nghiệp mới thành lập trong 3 tháng đầu năm đang có tín hiệu tích cực. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương trả lời: Qua các số liệu, có thể khẳng định được tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025 hết sức tích cực. Cụ thể, quý I năm 2025 đã đạt 36.400 doanh nghiệp. So với năm 2024 là tương đương. Tuy nhiên so với giai đoạn trước (2017 – 2023), đã tăng khoảng 1,2 lần. Đặc biệt là phần vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Qua nhận định trên có thể thấy được rằng quý I/2025 có sự bùng nổ trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với các lý do sau đây:
Thứ nhất, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế chúng ta tốt hơn. Nền kinh tế ngày càng được củng cố và nâng cao, thể hiện qua các kết quả, đặc biệt là qua công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Niềm tin này cũng chịu sự chi phối và tác động rất nhiều của các tiến trình đang diễn ra trong nền kinh tế như: Quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, sắp tới đây là Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Điều này cho thấy công tác đổi mới về thể chế đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cởi mở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai là niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện đang vướng mắc. Điều này rất quan trọng vì các dự án đang chờ các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, tiếp tục hoạt động. Các nhà đầu tư mới, các dự án lớn đang có niềm tin vào chính sách của Nhà nước và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các quyết sách của Đảng và Nhà nước như quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và định hướng trong những năm tới tăng trưởng hai con số. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Kèm theo đó là một loạt giải pháp, chính sách có thể củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ tư, yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng là mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này hết sức quan trọng. Chúng ta thấy rõ chủ trương lớn của Đảng trong phát triển kinh tế khu vực tư nhân, coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
Trên đây là những tác nhân, yếu tố làm cho các doanh nghiệp ngày càng có thêm niền tin vào nền kinh tế của chúng ta. Điều này dẫn đến sự bùng nổ trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025.