Long trọng khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025

Thứ Ba, 06/05/2025 11:39  | Quang Vĩnh

|

(CATP) Năm 2025 đánh dấu một sự kiện trọng đại trong đời sống tinh thần của hàng triệu phật tử trên khắp thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại TPHCM.

Với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững", Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức từ ngày 06 đến 08/5, có sự tham dự của hơn 2.700 đại biểu (khoảng 1.250 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ), với nhiều hoạt động đa dạng như chiêm bái xá lợi, triển lãm mỹ thuật, thả hoa đăng, hội thảo chuyên đề... Lễ khai mạc diễn ra ngày 06/5.

Hòa chung vào không khí hân hoan và trang nghiêm ấy, TPHCM - trái tim kinh tế, văn hóa sôi động của Việt Nam - trở thành tâm điểm, nơi ánh sáng từ bi và trí tuệ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lan tỏa mạnh mẽ, mang đến những ngày hội thấm đẫm ý nghĩa nhân văn và hòa bình.

Xá lợi Đức Phật
Biểu tượng của từ bi, trí tuệ và hòa bình

Lễ Vesak (hay còn gọi là Phật đản) là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, kỷ niệm ba sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật: đản sinh (ngài sinh ra), thành đạo (ngài giác ngộ), và nhập niết bàn (ngài qua đời). Lễ thường được tổ chức vào ngày trăng rằm tháng 4 hoặc tháng 5 âm lịch, tùy theo truyền thống của từng quốc gia. Đây không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là dịp để cộng đồng phật tử và những người quan tâm đến đạo Phật cùng nhau suy ngẫm về những giáo lý cao đẹp, thực hành lòng từ bi, hướng đến một cuộc sống an lạc và tỉnh thức. Trong những ngày này, phật tử tham gia các hoạt động như cầu nguyện, thiền định, phóng sinh, làm từ thiện và tham gia lễ tắm Phật để bày tỏ lòng tôn kính.

Lễ Vesak cũng được Liên hợp quốc công nhận là ngày lễ quốc tế từ năm 1999, nhằm tôn vinh giá trị hòa bình và từ bi của Phật giáo. Ở Việt Nam, lễ Vesak thường được tổ chức long trọng với các nghi thức truyền thống, diễu hành, và trang trí chùa chiền.

Lễ Vesak không chỉ là dịp để phật tử tưởng nhớ Đức Phật mà còn mang ý nghĩa khuyến khích mọi người thực hành các giá trị cốt lõi của Phật giáo như từ bi, trí tuệ và hòa bình. Trong ngày lễ, nhiều nơi tổ chức các hoạt động văn hóa như thuyết pháp, triển lãm Phật giáo và biểu diễn nghệ thuật để lan tỏa thông điệp nhân văn. Ngoài ra, ở một số quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka hay Ấn Độ, Vesak là ngày nghỉ lễ quốc gia, với các nghi thức đặc biệt như thắp đèn lồng, dâng hoa và cung cấp thức ăn cho người nghèo. Tại Việt Nam, ngoài lễ tắm Phật và diễu hành xe hoa, nhiều chùa còn tổ chức phóng đăng hoa sen trên sông, tượng trưng cho ánh sáng giác ngộ soi đường cho nhân thế. Lễ Vesak cũng là cơ hội để cộng đồng phật tử và không phải phật tử cùng nhau chia sẻ lòng biết ơn, hướng tới một cuộc sống an lạc và đoàn kết.

Đoàn xe đạp của các tăng ni, phật tử diễu hành qua các con đường và Trung tâm của Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở Lê Minh Xuân, nơi diễn ra lễ Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025

Lễ Vesak còn mang ý nghĩa sâu sắc về việc thực hành chánh niệm và sống theo Bát Chánh đạo, khuyến khích mọi người sống giản dị, tránh làm điều ác và lan tỏa điều thiện. Trong dịp này, nhiều phật tử thực hiện các hành động như ăn chay, tránh sát sinh và tham gia các khóa tu để thanh tịnh tâm hồn. Ở cấp độ quốc tế, Vesak thường được tổ chức với các hội nghị Phật giáo toàn cầu, nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo thảo luận về vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề đương đại như biến đổi khí hậu, xung đột xã hội và sức khỏe tinh thần. Tại Việt Nam, các chùa lớn như chùa Bái Đính hay chùa Quán Sứ thường tổ chức lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện cho hòa bình và thịnh vượng của đất nước. Hơn nữa, Vesak là dịp để người trẻ tìm hiểu về triết lý Phật giáo thông qua các hoạt động cộng đồng như làm lồng đèn, vẽ tranh Phật, hoặc tham gia các chương trình thiện nguyện, từ đó giúp gìn giữ và phát huy văn hóa Phật giáo trong thế hệ mới.

Về ý nghĩa của xá lợi Phật, có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, xá lợi là minh chứng của con đường giác ngộ. Xá lợi là kết tinh của trí tuệ, đạo đức và thiền định. Xá lợi nhắc nhở chúng ta rằng: thân người tuy vô thường, nhưng nếu biết tu tập đúng pháp, thì thân này có thể thành tựu giải thoát. Đó là niềm cảm hứng mạnh mẽ cho người tu hành.

Thứ hai, xá lợi khơi dậy tâm thành và sự hướng nội. Khi đảnh lễ xá lợi, nhiều người cảm thấy tâm mình lắng dịu, sinh lòng tôn kính, ăn năn lỗi lầm và mong muốn sống thiện lành hơn. Đó là lúc tâm thức được chuyển hóa, trở về với những giá trị thuần tịnh, giác ngộ và từ bi - điều mà Đức Phật đã thể hiện suốt cuộc đời.

Thứ ba, xá lợi là biểu tượng sống động của Chánh pháp. Chánh pháp thường được hiểu qua kinh điển, nhưng với đại chúng, xá lợi là một biểu tượng cụ thể, dễ cảm nhận, giúp họ kết duyên với Tam bảo, phát khởi tín tâm, từ đó mới dẫn dắt họ vào con đường học hỏi và hành trì. Bên cạnh đó, xá lợi giúp giữ gìn và lan tỏa đạo Phật giữa đời. Sự hiện diện của xá lợi ở một ngôi chùa thường làm cho chùa đó trở thành trung tâm tâm linh, thu hút người dân đến lễ bái, học Phật, làm thiện. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn văn hóa tâm linh và đạo đức truyền thống, đặc biệt trong thời đại vật chất hóa ngày nay.

Cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự

Sau 34 năm lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, chiều 05/5, đoàn công tác đại diện Phật giáo Việt Nam đã đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự (Q10, TPHCM) tôn trí, để người dân được chiêm bái nhân dịp Phật đản 2025.

Tham gia đoàn cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức có Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Lệ Trang - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cung thỉnh xá lợi về phòng chiêm bái (Ảnh: Fanpage Vesak 2025)

Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được đưa ra khỏi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM lúc 16 giờ 10 phút ngày 05/5 để rước về Việt Nam Quốc Tự (số 242 - 244 đường 3 Tháng 2, Phường 12, Quận 10, TPHCM). Lộ trình rước xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đi qua ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), nơi ngài đã vị pháp thiêu thân năm 1963 và có tượng đài Thích Quảng Đức tại đây. Sau khi cung rước về Việt Nam Quốc Tự, lễ khai mở chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự bắt đầu lúc 14 giờ ngày 06/5 và kéo dài đến ngày 10/5 (từ mùng 9 đến 13 tháng Tư năm Ất Tỵ). Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí vĩnh viễn tại tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.

Xuân Hương

Bình luận (0)

Lên đầu trang