(CAO) Hội chợ diễn ra trong 5 ngày (từ 23 đến 27/6), thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi ngày. Đây là dịp để đưa các sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng, cũng như quảng bá hình ảnh và mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cùng lãnh đạo huyện Châu Đức tham quan các gian hàng
Lãnh đạo huyện Châu Đức thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp xã Xuân Sơn
Từ sáng sớm, nhiều người dân đã có mặt tại Trung tâm thương mại huyện Châu Đức (TT.Ngãi Giao) nơi diễn ra hội chợ để tham quan, mua sắm. Ai cũng tỏ ra thích thú trước các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng được trưng bày tại các gian hàng trong hội chợ như: gạo, bưởi da xanh, chôm chôm của Green Agri (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức); nấm linh chi của trang trại nấm Thanh Thanh, Công ty TNHH Thanh Thanh Solar (xã Bình Ba, huyện Châu Đức); củ mài của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông lâm sản Phú Mỹ (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ); các sản phẩm ca cao và chocolate của Công ty TNHH TM-DV sản xuất ca cao Thành Đạt (xã Cù Bị, huyện Châu Đức); dầu gội, mỹ phẩm của Công ty Green Natural Nguyên Thảo (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức)…
Một gian hàng trái cây đặc sản trưng bày tại hội chợ
Nhiều du khách từ TPHCM cũng đến tham quan và mua sắm
Hội chợ nông sản năm nay có 81 gian hàng của 80 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo Ban tổ chức, tất cả các sản phẩm mang đến hội chợ đều là những sản vật truyền thống của địa phương.
Ngoài mục tiêu đưa các sản vật nông nghiệp của địa phương đến với người dân và du khách, hội chợ còn có khu vực sân khấu phục vụ chương trình ca nhạc hằng đêm. Bên cạnh đó còn có 33 gian hàng thuộc khu sinh vật cảnh, thủ công mỹ nghệ, nội thất. Trong đó, ấn tượng nhất là khu giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng với 48 gian hàng, phản ánh tiềm năng, lợi thế, sức sản xuất của từng địa phương đến người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Như Quỳnh (ngụ xã Kim Long) cho biết: “Vợ chồng tôi thích uống trà từ nấm linh chi. Thấy hội chợ có trà linh chi nên tôi mua ngay để dùng lâu dài, hàng có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, lại chất lượng nên rất an tâm”.
Tương tự, anh Lê Hoàng Duy (ngụ xã Xà Bang) cũng rất hồ hởi khi hai vợ chồng mua được một số sản phẩm dùng cho việc làm đẹp, có xuất xứ từ thiên nhiên. Anh Duy cho biết: Gia đình anh sinh sống và làm việc tại TPHCM, cứ mỗi cuối tuần lại về nhà tại Xà Bang. Nghe địa phương mình tổ chức hội chợ, cả 2 vợ chồng cùng vài người bạn lập tức rủ nhau đến tham quan, mua sắm. Vợ anh và cả mấy người bạn đều chọn mua các sản phẩm dầu gội, son môi của Công ty TNHH MTV Green Natural Nguyên Thảo. Do đây là sản phẩm của địa phương, lại chiết xuất từ thiên nhiên nên anh chị yên tâm.
Du khách người Nhật Bản tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến từ trái ca cao
Gian hàng trưng bày các sản phẩm gạo sạch
Ông Nguyễn Tấn Bản - Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện có 31 sản phẩm OCOP và các nông sản đặc trưng từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như Bách Hóa Xanh, Co.op Mart, Winmart; 8 sản phẩm chế biến từ cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sầu riêng, chuối, ca cao, ớt… đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Ấn Độ, khối EU… Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện Châu Đức đạt chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao.
Hội chợ là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, là nơi để các HTX, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, tìm đầu ra cho những mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng có chất lượng và có giá trị xuất khẩu”, ông Nguyễn Tấn Bản nhấn mạnh.
Nông dân thu hoạch trái nhãn xuồng đặc sản địa phương
Huyện Châu Đức được biết là địa phương có thế mạnh nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 35.000 ha, chủ yếu là hồ tiêu 5.639 ha, điều 1.829 ha, ca cao 582 ha, cà phê 2.845 ha, một số loại cây ăn quả khoảng 5.000 ha... Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu năm 2022 theo giá so sánh đạt 16.526 tỷ đồng, tăng 3,36 lần so với năm 2010 (năm 2010 đạt 4.910 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2022 đạt khoảng 11,66%/năm.
Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: trong lĩnh vực trồng trọt có 3.613 ha cây trồng được ứng dụng nghệ cao, gồm: 1.262 ha hồ tiêu; 1.960 ha cây ăn quả, cây lâu năm khác của các nông hộ được ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và 377 ha đất cao su chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.
Về hoạt động liên kết sản xuất: hiện có 707,9 ha gồm: Hồ tiêu (467 ha), ca cao (54,5 ha), chuối (91 ha), sầu riêng (87,3 ha), rau ăn lá (8,08 ha) tiếp tục tham gia các dự án hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp thu mua vẫn duy trì được hoạt động bao tiêu sản phẩm thông qua các hợp đồng giao kết chặt chẽ.