Kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức: Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất

Thứ Ba, 03/10/2023 11:57

|

(CATP) Ngày 29/9/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 8 tháng năm 2023, nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt với khó khăn, thách thức do những vấn đề trong năm 2022 chưa xử lý được. Mặc dù lạm phát đã qua đỉnh điểm, nhưng các mức lãi suất của các nước vẫn ở mức cao. Các ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất, đến nay tổng lãi suất cam kết giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn

Theo NHNN, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ucraina chưa có dấu hiệu dừng lại; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái; thương mại và đầu tư quốc tế giảm; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề...

Đối với đất nước có độ mở cửa lớn như Việt Nam, nền kinh tế cũng chịu tác động lớn. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô tiền tệ của thế giới và trong nước, trong thời gian qua, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống từ các đơn vị của NHNN Trung ương, chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Năm 2022, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, tăng trưởng kinh tế vĩ mô rất cao (8,02%), lạm phát duy trì ở mức 3,15%. Đối với hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, mặt bằng lãi suất từng bước giảm dần, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực. Với những kết quả như vậy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thị trường tiền tệ và ngoại hối của Việt Nam đã được thế giới, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đánh giá và ghi nhận. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moodys và S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn

Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do đâu?

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của NHNN, 8 tháng đầu 2023, nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do những vấn đề trong năm 2022 chưa xử lý được như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thế giới tiếp tục đối mặt với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước. Mặc dù lạm phát đã qua đỉnh điểm, nhưng các mức lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì vậy mặt bằng lãi suất trên thế giới ở mức tương đối cao.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn nên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt chú trọng vào 3 động lực để tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Liên quan đến đầu tư, lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 2 hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; NHNN tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

NHNN cho rằng, chúng ta đang bước vào tháng cuối cùng của quý III/2023 và chuẩn bị cho 3 tháng cuối cùng của năm 2023, thời điểm mà nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm. Với mục tiêu nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng, từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng, hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt (như bất động sản, nông sản xuất khẩu chủ lực, công nghiệp và xây dựng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã...); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng...

Điều chỉnh giảm lãi suất

Về điều hành tín dụng phù hợp, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%.

Tương tự, về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).

Ngoài ra, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt: đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.

Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản. Khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang