TP.Hồ Chí Minh:

Tín dụng tiêu dùng liên tục tăng

Chủ Nhật, 23/02/2025 10:36

|

(CATP) Ngày 21/02, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết, theo thống kê, năm 2024, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng 10,4% so với 2023. Trong tháng đầu năm 2025, tín dụng lĩnh vực này tiếp tục xu hướng tăng là tín hiệu tích cực so với thời gian những năm trước.

"Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế"

Đó là khẳng định của NHNN Chi nhánh TPHCM tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Từ ấn tượng với con số tính đến cuối năm 2024 mà NHNN Chi nhánh TPHCM vừa nêu ra, đó là tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng đạt 1.111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,2% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 10,4% so với năm 2023.

Đồng thời, vào tháng đầu tiên của năm 2025, tín dụng cho vay tiêu dùng tiếp tục tăng. Mặc dù tăng nhẹ, nhưng cho thấy tín hiệu rất đáng mừng để có đà tăng tốc phát triển sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo. Đó là tín dụng tháng 01/2025 tăng 0,04%, con số này tính đến cuối tháng 01/2025 trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.944,5 nghìn tỷ đồng. NHNN Chi nhánh TPHCM phân tích, dù tăng nhẹ là 0,04% nhưng so với cuối năm 2024 và tăng đến 12,43% so với cùng kỳ.

Đặt trong mối liên hệ với cùng kỳ này các năm trước, tín dụng tháng đầu năm 2025 có những khác biệt và phản ánh xu hướng tích cực. Bởi thông thường các tháng đầu năm là tháng giáp Tết và trùng với Tết cổ truyền, vì vậy tín dụng thường giảm. Diễn biến này phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh Tết để mang lại tối ưu hóa trong sử dụng vốn do những ngày nghỉ Tết (doanh nghiệp chủ yếu vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh, phục vụ thương mại dịch vụ... phù hợp với kỳ hạn và thời điểm Tết). Theo đó, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 0,73% và cho vay trung dài hạn tăng 0,77% so với cuối năm 2024. Nhưng tháng 01/2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng nhẹ, song cho thấy tín dụng vẫn tăng.

Thanh toán đa dạng hóa góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng

Đây là điểm khác biệt so với 2 năm trước đây. Cụ thể, tín dụng tháng 01/2024 giảm 0,93%; tháng 01/2023 giảm 0,48%. Tín dụng tăng trong tháng 01/2025 là tháng đầu tiên của năm cùng với những yếu tố thuận lợi sau Tết (các hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch tăng trưởng tốt, đơn hàng tăng...) đã là động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng tiếp theo, đạt được mục tiêu định hướng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, theo NHNN Chi nhánh TPHCM, các yếu tố thuộc cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng như: lãi suất, hạn mức tín dụng và các gói tín dụng cho các chương trình, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế gồm: xuất khẩu, tiêu dùng, thị trường nhà ở xã hội... là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình khai thác và sử dụng vốn.

Theo đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có tỷ trọng tín dụng cao nhất trên địa bàn (chiếm 56,7% tổng dư nợ tín dụng) có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng là 0,11%; khối ngân hàng nước ngoài (tỷ trọng tín dụng 9,5%) có tốc độ trưởng tín dụng trong tháng đạt 1,36%. Đây là 2 khối duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng dương trong tháng 01/2025.

Gói tín dụng hỗ trợ

NHNN Chi nhánh TPHCM khẳng định, trong thời gian tới ngành ngân hàng Thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp gắn với giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng, phát triển.

Như nhận định về sự tăng trưởng này, đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đã đạt được 1.111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,2% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 10,4% so với năm 2023. Phân tích đánh giá về hoạt động tín dụng tiêu dùng trong năm 2024, dưới góc độ những kết quả tích cực là động lực rất có ý nghĩa định hướng và làm cơ sở nền tảng để tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Gói tín dụng cho vay làm nhà ở xã hội được quan tâm

Đầu tiên có thể khẳng định, đó là về sự phát triển tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Nếu đặt mối liên hệ so sánh với năm 2023 (là năm tín dụng tiêu dùng tăng trưởng thấp nhất, chỉ 6,9%), thì năm 2024 tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 10,4%. Trong đó, cho vay trung dài hạn, cho vay mua, thuê mua, xây dựng và sửa chữa nhà để ở vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 61,3% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng. Song song đó, tín dụng đáp ứng nhu cầu chi tiêu, chi phí cho mục đích tiêu dùng đã khẳng định sự tăng trưởng cao hơn hết.

Đến nay, dư nợ cho vay mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình đạt gần 160 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng và tăng 35,9% so với năm 2023. Kết quả này càng phản ánh về xu hướng tích cực do nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng tăng và việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng lĩnh vực này sẽ kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh tế tăng trưởng, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng.

Cơ chế chính sách tiền tệ đi cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của TPHCM, sự hấp thụ vốn, tăng trưởng của nền kinh tế là động lực thúc đẩy Thành phố phát triển mạnh. Đồng thời, các giải pháp, hành động cụ thể của từng tổ chức, Sở, ban ngành, UBND TPHCM, ngành ngân hàng trong năm 2025 cũng là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn theo định hướng đề ra của NHNN.

Đồng nghĩa với hoạt động tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là dịch vụ thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng ngày càng phát triển, góp phần đa dạng hóa sản phẩm tín dụng tiêu dùng có hiệu quả. Theo đó, con số phân tích về dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tiếp tục tăng trưởng rất cao với 22,8% và chiếm tỷ trọng 10,4%. Sự tiện ích của thẻ cũng khẳng định chất lượng dịch vụ, như khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục vụ chi tiêu mua sắm của khách hàng, chính là yếu tố thúc đẩy dịch vụ này tăng trưởng và có tiềm năng phát triển trong quá trình mở rộng, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn.

"Những kết quả về hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố trong năm 2024, cùng với định hướng tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và các giải pháp về tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó có lĩnh vực tiêu dùng, sẽ là cơ sở nền tảng để tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025 trên địa bàn TPHCM", NHNN Chi nhánh TPHCM nhận định.

Như vậy, năm 2025, ngành ngân hàng khẳng định tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách. Trong đó, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Với định hướng này, năm 2025, chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, theo ngành ngân hàng cũng phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong năm 2025, thực hiện chính sách tín dụng mở rộng và tăng trưởng cao hơn so với năm 2024, với định hướng tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Với định hướng như trên, cùng với những đổi mới trong điều hành tăng trưởng tín dụng (giao hạn mức tăng trưởng từ đầu năm cho TCTD, mức tăng trưởng phù hợp với khả năng và hiệu quả hoạt động của TCTD...), sẽ tạo điều kiện cho các TCTD chủ động trong quá trình khai thác và sử dụng vốn, chủ động mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang