Tin nhắn từ “tổng đài” giống của ngân hàng ACB có đường link chiếm đoạt tiền khách hàng

Thứ Tư, 03/02/2021 22:23

|

(CAO) Tối 3-2, một bạn đọc tên T. (ngụ Q.6) phản ánh tới Báo Công an TPHCM về việc nhận được tin nhắn cảnh báo từ hệ thống "tổng đài" giống như của ngân hàng ACB. Sau khi truy cập đường link, tài khoản của bạn đọc này bị kẻ gian lấy mất tiền. 

Theo lời tường thuật của anh T. , vào khoảng 20 giờ 18 phút ngày 3-2, anh này bất ngờ nhận được tin nhắn SMS tới số thuê bao 09098... (do anh T. là chủ thuê bao, đăng ký dịch vụ SMS Banking của ngân hàng ACB) dòng thông báo với nội dung: "Chung tôi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai. Neu khong phai ban dang tieu dung vui long nhap vao https://v-acb.com de huy thanh toan..." cùng một đường link truy cập. 

Bất ngờ vì nhận được lời cảnh báo, anh T. đã thử liên hệ về tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7 của "nhà băng" này để xác minh nhưng không được. Vì lo lắng, nạn nhân đã truy cập vào đường link đính kèm. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau, khổ chủ lại nhận tiếp một tin nhắn từ đầu tổng đài này với nội dung: "ACB Online: Ma xac thuc OTP cua 15314.... la 3186243. Quy khach dang Chuyen tien NHANH ngoai ACB, so tien 3,300,000". 

Khách hàng bức xúc vì nhận được tin nhắn có chứa nội dung lừa đảo

Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh T. tá hoả phát hiện trong tài khoản của mình đã bị trừ mất 3,3 triệu đồng như nội dung tin nhắn thông báo. Kiểm tra thông qua ứng dụng ACB mobile, anh T. phát hiện vào thời gian 20 giờ 23 phút 39 giây, tài khoản của anh đã nhập lệnh chuyển tiền tới một tài khoản ngân hàng Công thương Việt Nam có tên "LE THI TUYET" (Số tài khoản: 10500010....)

Dòng tin nhắn có chứa mã độc được gửi từ "tổng đài" giống như của ngân hàng ACB (?) - ảnh chụp màn hình do nạn nhân cung cấp

Bất ngờ với những gì đã diễn ra, nạn nhân đã tiếp tục liên hệ lại tới tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7 của ngân hàng ACB để nhận trợ giúp. Tuy nhiên, thời điểm này tổng đài liên tục báo cuộc gọi bận và không có nhân viên nào liên hệ lại. Anh T. cho biết, tài khoản ngân hàng ACB của anh được mở tại chi nhánh ACB Lạc Long Quân (Q.11).

Bên cạnh đó, anh T cũng bày tỏ bức xúc trước chiêu thức lừa tiền mới này của các đối tượng xấu. Tuy số tiền anh T. bị lấy mất không quá lớn song người đàn ông này không khỏi tỏ ra lo lắng khi trước đó, nhiều trường hợp lừa đảo tương tự đã liên tục xảy ra. Mới đây, nhiều khách hàng của ngân hàng Sacombank đã liên tục phản hồi về việc nhận được tin nhắn từ hệ thống "tổng đài" giống như của ngân hàng này. Sự việc khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ.

Số tiền 3,3 triệu đồng của nạn nhân T được chuyển tới một chủ tài khoản có tên "LE THI TUYET"

Với những chiêu thức lừa đảo tinh vi như hiện nay, người dân không khỏi lo lắng trước mức độ an toàn, bảo mật của các hệ thống ngân hàng trước sự xâm nhập của các đối tượng xấu. Trong thời gian từ nay cho đến Tết, người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng online sẽ tăng cao, vì vậy mọi cần cận trọng trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao; các ngân hàng cũng phải có biện pháp mạnh bảo đảm an ninh, an toàn cho tài khoản của khách hàng.

Không chỉ xảy ra với một khách hàng!
Khoảng 22 giờ cùng ngày, phóng viên và nạn nhân đã liên hệ được với tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng ACB. Các nhân viên kỹ thuật của ngân hàng này cho biết, trong ngày 3-2 đơn vị này liên tục nhận được thông tin phản ánh từ khách hàng tương tự trường hợp của anh T.  
Trước mắt, phía ngân hàng này sẽ tiến hành khoá tạm thời số tài khoản của các nạn nhân có điện thoại phản ánh. Nhân viên chăm sóc khách hàng cũng cam kết, ngân hàng sẽ sớm hồi âm chính xác tới khách hàng về trường hợp đặc biệt này!

Bình luận (0)

Lên đầu trang