(CAO) Đường đi hàng lậu từ huyện Bến Cầu qua Gò Dầu (Tây Ninh) theo QL 22 về thành phố; từ huyện Mộc Hóa, TX Kiến Tường về TP Tân An (Long An); từ Trảng Bàng (Tây Ninh) qua Đức Huệ, Đức Hòa (Long An) về thành phố.
Chiều 29-6-2017, tại TPHCM, 19 chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam tổ chức giao ban về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
Theo đánh giá các chi cục, tình hình buôn lậu vẫn rất phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, luôn thay đổi phương thức thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu thuốc lá điếu, đường cát, đồi điện, mỹ phẩm, rượu, đồ chơi trẻ em…Đường đi hàng lậu từ huyện Bến Cầu qua Gò Dầu (Tây Ninh) theo QL 22 về thành phố; từ huyện Mộc Hóa, TX Kiến Tường về TP Tân An (Long An); từ Trảng Bàng (Tây Ninh) qua Đức Huệ, Đức Hòa (Long An) về thành phố. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu ngày càng có hành vi liều lĩnh, manh động, kết thành từng nhóm có quy mô lớn và thường xuyên thay đổi luồng tuyến vận chuyển, thời gian và địa điểm giao nhận hàng để không tạo thành quy luật nhằm tránh khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Còn gian lận thương mại chủ yếu với hình thức: quay vòng hóa đơn, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu, gian lận trong kê khai giá trên hóa đơn, gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa. Hàng giả không chỉ xuất hiện ở thành phố mà còn đưa về đến tận chợ nông thôn, được sản xuất trong nước hoặc ngoài nước với kỹ thuật làm rất tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường rồi nhập lậu qua các đườn mòn hoặc đường chính ngạch để tiêu thụ.
Theo các chi cục QLTT phía Nam, các đơn vị phối hợp chặt chẽ, thông tin cho nhau, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2017, 19 chi cục phía Nam đã kiểm tra 22.789 vụ (tăng 16% so với cùng kỳ), phát hiện vi phạm 11.421 vụ việc (tăng 4% so với cùng kỳ), xử lý 10.326 vụ (tăng 7% so với cùng kỳ) với tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một hạn chế mà các chi cục kiến nghị công tác hỗ trợ xác minh nguồn gốc xe máy chở thuốc lá lậu để xử lý vi phạm còn chậm, có trường hợp tạm giữ hết thời hạn (60 ngày) nhưng vẫn không nhận được kết quả. Đại diện QLTT các tỉnh biên giới Tây Ninh, Long An cho rằng vấn đề gốc và cốt lõi khiến buôn lậu thuốc lá gia tăng, đời sống người dân ở khu vực biên giới rất khó khăn, không có công ăn viêc làm ổn định. Vì vậy, muốn hạn chế buôn lậu thuốc lá cần có giải pháp tổng thể để giải quyết tận gốc cư dân biên giới tiếp tay cho các đầu nậu buôn lậu thuốc lá. Các lực lượng chức năng mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện trong khi các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện hiện đại, gây khó cho công tác kiểm tra, kiểm soát; kinh phí phục vụ mua tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ thuốc lá lậu vẫn còn khó khăn nên kết quả chưa cao.
Đại diện đơn vị chủ trì giao ban, ông Phan Hoàng Kiếm-Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, kiến nghị Cục QLTT báo cáo Bộ Công thương tham mưu Chinh phủ có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo co6gn ăn việc làm cho cư dân, tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu được tác hại và hình phạt khi tham gia buôn lậu thuốc lá. Đây là giải pháp căn cơ, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu, nhất là mặt hàng thuốc lá lậu.
Tại buổi giao ban, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Quản lý thị trường và đón nhận các khen thưởng do Chính phủ, Bộ Công thương, UBND TPHCM trao tặng. Ông Nguyễn Văn Bách-Chi cục phó Chi cục QLTT TP, đã ôn lại 60 năm hình thành và phát triển của lực lượng QLTT. Theo đó, lực lượng QLTT đã thực hiện vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần ổn định thị trường, duy trì trật tự kỷ cương hoạt động thương mại, chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả bảo vệ các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, quyền lợi người tiêu dùng. |