ĐÌU HIU, Ế ẨM
Trái ngược với cảnh mua bán tấp nập vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, hơn 2 tháng nay, hoạt động kinh doanh tại chợ Bến Thành bị chững lại bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chợ Bến Thành là điểm đến khó bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến TPHCM, nhưng nguồn du khách đến chợ này đã giảm rõ rệt, việc bán hàng của tiểu thương gặp vô vàn khó khăn.
Chị Châu (chủ sạp 1023 chuyên bán trà, cà phê) cho biết: "Mấy chục năm bán hàng tại chợ Bến Thành, chưa năm nào tôi chứng kiến cảnh chợ búa ế ẩm như năm nay. Trước đây, có ngày tôi bán cả chục ký trà và cà phê. Nhưng từ Tết tới giờ, nhiều hôm tôi chỉ bán được vài ký, có khi cả ngày không bán được lạng nào".
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh tại chợ Bến Thành giảm sút mạnh
Chợ Bến Thành chủ yếu bán hàng cho khách nước ngoài. Nay lượng du khách giảm sút, dẫn đến tiểu thương thất thu trầm trọng. Trong chợ, người bán nhiều hơn người mua. Doanh thu èo uột, một số chủ sạp không có tiền trả lương nên phải cho nhân viên nghỉ việc. Dù vậy, còn tiền thuế, tiền mặt bằng, điện, nước... các tiểu thương phải gồng gánh. Theo chị Châu, hiện nay chợ ế hay đông thì tiểu thương cũng đều lo lắng. Bởi có một nghịch lý là khi vắng khách thì hàng quán ế ẩm, nhưng lúc đông khách, bà con lại lo lắng, sợ bị lây nhiễm virus corona.
Anh Võ Kim Triều (chủ cửa hàng số 8, chuyên kinh doanh nữ trang, quà lưu niệm tại chợ Bến Thành) thở dài, nói: "Khách khứa thường vắng vẻ. Lâu lâu có tốp khách thì họ cũng chỉ lướt ngang qua, mình mời mọc, nhưng năm thì mười họa người ta ghé mua một vài món nhỏ. Tiểu thương toàn ngồi chơi, bấm điện thoại "chát chít", xem phim, "tám" chuyện với nhau chứ có bán buôn gì được, ế dữ lắm!".
Bên trong chợ Bến Thành, các sạp rất vắng khách.
Chẳng hơn gì chợ Bến Thành, hoạt động kinh doanh tại chợ An Đông cũng đìu hiu. Chị Hồ Thị Dung (nhân viên bán quần áo tại chợ An Đông) cho biết, từ Tết Nguyên đán tới giờ, chị chỉ bán được vài cái quần, còn lại cả ngày chỉ ngồi ngáp vặt. Theo ông Tâm (chủ sạp H13 chuyên bán vải sợi tại chợ An Đông), mấy tháng nay, có tuần ông không bán được mét vải nào. Tuy ế ẩm, nhưng hàng tháng ông phải trả tiền nhân viên, thuế, hoa chi... Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sợ bà con tiểu thương không trụ nổi, sẽ có người phá sản.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (chủ sạp E753 bán quần áo tại chợ An Đông hàng chục năm) chia sẻ: "Trước đây, khách ghé chợ, nhất là khách nước ngoài thì tiểu thương mừng lắm! Người này không bán được thì có người kia bán, kiểu gì bà con cũng kiếm được đồng vô, đồng ra. Nhưng bây giờ, thấy khách thì lo hơn là mừng, không biết khách nào có bệnh, khách nào không bệnh. Bốn, năm ngày nay, sáng tôi dọn hàng ra, tối tôi lại dẹp hàng vào, chẳng bán được đồng nào. Chợ búa vắng vẻ thì đành chịu, chứ nghỉ không được. Ở dưới tầng hầm còn thê thảm hơn. Em trai tôi bán đồ ăn thức uống, mỗi ngày chỉ bán được 3, 4 tô thì lấy tiền đâu ra mà đóng thuế? Giờ nghề gì cũng bị ảnh hưởng".
Về việc Nhà nước bắt buộc du khách hoặc Việt kiều vào Việt Nam phải khai báo y tế, bà Nga cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn. "Quan trọng nhất là họ cần có ý thức, tự giác khai báo y tế với cơ quan chức năng để người ta có biện pháp theo dõi, ngăn chặn kịp thời" - Bà Nga nói.
Bên trong chợ An Đông, các sạp vắng khách, có sạp đóng cửa.
KIẾN NGHỊ GIẢM THUẾ
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ sạp 733 chuyên kinh doanh quần áo may sẵn tại chợ Bình Tây) cho hay, từ đầu mùa dịch Covid-19 đến giờ, chị và hàng trăm tiểu thương ở chợ Bình Tây hầu như không bán được hàng. Hằng ngày, sáng họ dọn hàng ra, chiều dọn hàng vô. Có ngày, tiểu thương bán được không tới 200 ngàn đồng, thậm chí có tuần không bán được gì, phải "ăn" thâm vào vốn. Chợ Bình Tây là chợ mua bán sỉ của khách hàng ở miền Tây Nam bộ, nhưng hơn một tháng nay, nhiều tiểu thương bỏ về quê né dịch bệnh, bỏ buôn bán. Lâu lâu có vài đoàn khách nước ngoài ghé chợ, nhưng chủ yếu đi tham quan, ít mua hàng hóa.
Anh Trần Quang Luật (chủ sạp 1359 Thúy Anh tại chợ Bình Tây) phản ánh: "Từ Tết Nguyên đán đến nay, bà con buôn bán rất ế ẩm. Cái khó là đa số tiểu thương mua bán theo kiểu "gối đầu", chỉ cần một người chững lại là kéo theo cả dây chuyền chững theo. Bà con ở đây chủ yếu mua bán sỉ, ai mua được thì mua, không mua thì thôi, chứ không có chính sách kích cầu, giảm giá, khuyến mại như trong siêu thị, nên khi có rủi ro thì bà con tự chịu. Trước giờ, chuyện buôn bán ế xảy ra không hiếm. Nhưng hồi trước chỉ ế một, hai tuần, chứ chưa bao giờ ế kéo dài như thế này".
Chợ Bình Tây cũng ế ẩm.
Khảo sát tại 3 khu "chợ nhà giàu" trên, bà con tiểu thương phản ánh, doanh số bán hàng của họ giảm sút từ 70 - 90% so với trước mùa dịch. Để duy trì việc kinh doanh, nhiều người phải vay "nóng" bên ngoài với lãi suất cao. Hầu hết các tiểu thương kiến nghị ban quản lý chợ và chính quyền quận xem xét giảm thuế, hoặc các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho vay để bà con có tiền xoay vòng kinh doanh.
Ông Đinh Hồ Danh Ngọc - Trưởng Ban quản lý chợ An Đông, quận 5:
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà con tiểu thương buôn bán rất khó khăn. Vừa rồi, bà con đã kiến nghị giảm thuế cho họ. Ban quản lý chợ có kiến nghị, đề xuất giảm thuế hoặc cho bà con chậm nộp thuế. Ngoài ra, để đảm bảo cho tiểu thương và khách hàng yên tâm mua bán trong mùa dịch, Ban quản lý chợ tiến hành phun thuốc khử khuẩn, bố trí các bình rửa tay, phát khẩu trang cho tiểu thương và khách đi chợ, tạo môi trường đảm bảo sức khỏe cho bà con mua bán hàng hóa.