Xin đừng "ngăn sông cấm chợ"!

Thứ Tư, 11/08/2021 14:40  | Thiện Thảo

|

(CATP) Liên tục thời gian qua, Báo Công an TPHCM có nhiều bài phản ánh về mặt hàng nông sản (NS) ở ĐBSCL chờ giải cứu. Hiện nhiều tỉnh, thành ĐBSCL liên tiếp ra văn bản giải cứu NS nhưng chưa có hồi âm. Người dân không giấu được nước mắt khi nhìn sản phẩm (SP) mình làm ra không người mua, rụng trắng vườn, xót xa: "Tình trạng này kéo dài, dân không chết vì dịch mà chết vì đói…".

CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỒNG LOẠT "KÊU CỨU"

Theo công văn của Sở Công thương (CT) tỉnh Sóc Trăng, trong những ngày tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, NS gặp khó khăn trong tiêu thụ do hạn chế việc đi lại và vận chuyển; một số doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua dừng hoạt động, số còn lại chỉ thu mua cầm chừng. Thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, hiện trên địa bàn có hàng chục ngàn tấn NS (nhãn, bưởi, vú sữa, cam sành, xoài, chanh...) tới vụ cần sự chung tay kết nối, tiêu thụ của các DN, nhà phân phối... Bên cạnh đó, nhiều diện tích sản xuất ớt chỉ thiên, ớt sừng vàng của bà con nông dân (ND) giảm sâu, chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg ớt chỉ thiên, ít thương lái thu mua, một số ND đành chặt bỏ, trồng cây khác.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - vừa có văn bản kêu gọi, hỗ trợ NS của bà con ND. Hiện toàn tỉnh có trên 2.700 tấn NS tồn đọng trong dân do không có thương lái thu mua hoặc thu mua cầm chừng; trong đó, rau màu tồn đọng trên 75 tấn, trái cây gần 471 tấn, thủy sản 2.060 tấn (chủ yếu là cá thác lác), SP chăn nuôi tồn đọng 94,5 tấn. Tỉnh có khoảng 52 tấn chôm chôm, 55 tấn dưa lê, 73 tấn nhãn... tập trung chủ yếu trên địa bàn TP.Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A đang tới vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ. UBND tỉnh đề nghị các cơ quan ban ngành, DN tổ chức phát động, đăng ký trong DN, hợp tác xã, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (LĐ) hỗ trợ thu mua giúp ND trong lúc tiêu thụ khó khăn.

Do nông sản không người mua, người dân bỏ mặc trái chín trên cành

Tại Đồng Tháp, NS đang vào vụ thu hoạch như nhãn, khoai lang, chanh, thủy sản, lúa gạo... cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra, giá giảm thê thảm: nhãn từ 13.000 - 17.000 đồng/kg, khoai lang 4.000 - 6.000 đồng/kg, chanh 5.000 - 10.000 đồng/kg... Cam sành tại huyện Tam Bình, Vĩnh Long cũng báo cần bán gần 50.000 tấn, bên cạnh đó là hàng ngàn tấn bưởi, nhãn, chanh... đang vào vụ nhưng không tiêu thụ được. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cũng kêu gọi, nhờ các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải cứu hàng hóa cho ND trong huyện như: rau, củ, quả...

900.000 HA LÚA HÈ THU TẮC ĐẦU RA

Tương tự, lúa hè thu của người dân không có thương lái đến mua. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ lúa hè thu 2021, ĐBSCL có 1,56 triệu héc-ta. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, khoảng 900.000ha đang tắc đầu ra. Hiện lúa đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có nhân công, cũng chẳng có người mua, giá lúa thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2020 từ 300 - 500 đồng/kg, thậm chí có nơi 800 đồng/kg nhưng không tiêu thụ được. Cục Trồng trọt cho rằng, nguyên nhân do đi lại trong điều kiện giãn cách gặp khó khăn, chi phí tăng (test lái xe, người vận chuyển, rủi ro dịch bệnh) nên thương lái cũng bỏ cọc.

Tại Bạc Liêu, diện tích xuống giống vụ lúa hè thu 2021 là 58.909ha, hiện các trà lúa đang bước vào giai đoạn thu hoạch với sản lượng khoảng 330.000 tấn, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh là 46.434 tấn, có thể xuất bán ra thị trường 283.566 tấn. Tỉnh Sóc Trăng đang vào mùa thu hoạch vụ lúa hè thu, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10, dự kiến tổng sản lượng 800.370 tấn. Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã qua đỉnh thu hoạch lúa hè thu, dự kiến sản lượng lúa vụ này của 3 tỉnh còn khoảng 1,5 triệu tấn.

Xoài chín đầy vườn.

Thương lái không mua, các DN xuất khẩu gạo không thu mua. Trong văn bản gửi các DN, tỉnh An Giang thông tin, tháng 8-2021 tỉnh thu hoạch rộ lúa, nếp vụ hè thu với khoảng 800.000 tấn và phải được tiêu thụ hết.

"Ở thời điểm hiện tại, giá lúa ở ĐBSCL giảm mạnh (chỉ còn khoảng trên dưới 5.000 đồng/kg) đối với giống IR 50404 và OM 5451, tức khi vào thời điểm thu hoạch rộ của vụ hè thu thì giá lúa gạo giảm so với mặt bằng giá của vụ đông xuân và thu đông khoảng 1.000 đồng/kg. Thời gian này, một số DN, nhà máy chế biến buộc phải thực hiện giãn cách xã hội khiến năng lực sản xuất cũng giảm, dẫn đến hiệu ứng giá lúa giảm khoảng 2 tuần gần đây. Từ thực trạng đó, các địa phương cần thống nhất biện pháp quản lý, tạo điều kiện cho các loại hình giao thông đi thu mua, vận chuyển lúa, chứ cho đi mua xong về cách ly thì rất khó", ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - chia sẻ.

Cũng theo ông Thư: "Hiện nay, bên cạnh một số đơn vị tích cực thu mua lúa cho ND như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Intimex... thì có nhiều DN xuất khẩu lớn trong danh sách của Bộ CT như Tổng công ty lương thực miền Bắc và Nam (Vinafood 1 và 2) lại "án binh bất động", trong khi kho để trống? Tôi xin kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ CT tham mưu với Chính phủ yêu cầu Tổng cục Dự trữ Quốc gia thu mua 100.000 tấn gạo theo Chương trình dự trữ quốc gia thì sẽ kích cầu được thị trường lúa gạo".

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời để cứu ND trước bế tắc đầu ra cho NS. 

Bộ NN&PTNT vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ NS trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, bộ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc đánh giá tình hình NS đến kỳ thu hoạch; xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh. Sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển NS giúp ND, đảm bảo NS được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng...

Tổ công tác đặc biệt của Bộ CT kiến nghị xây dựng phương án ưu tiên cho một số LĐ trong ngành thực phẩm tươi sống được phép lưu thông trên đường sau 18 giờ để kịp cung ứng các mặt hàng tươi sống cho người dân vào sáng hôm sau. Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ CT, những vấn đề được các DN phân phối đề xuất như: tiêm vắc-xin cho người LĐ, thiếu nhân lực làm việc, khó khăn trong lưu thông hàng hóa, hướng dẫn mở lại chợ... đều được bộ có văn bản đề xuất kiến nghị lên các bộ ngành, Chính phủ để kịp thời xử lý... Đối với danh mục mặt hàng thiết yếu, Bộ CT đã có văn bản gửi Sở CT các tỉnh, thành phố, đề nghị Sở CT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành thống nhất danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; trong đó có các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang