(CAO) Dù Ban tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ đã 3 lần có công văn đề nghị UBND Q.7, TP.HCM xem xét, giải quyết vụ việc người dân đi khiếu kiện đòi đất, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bà Lâm Thị Tuyết (SN 1966, ngụ Q.7) có đơn gửi Báo Công an TP.HCM, trong đơn trình bày gia đình bà có quản lý và sử dụng khu đất rộng 18.934m2 thuộc xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè (nay thuộc P.Tân Hưng, Q.7). Trong đó, một phần khu đất rộng 14.482m2 thuộc các thửa đất 86, 87, 88, 89, 90 đã được gia đình kê khai thể hiện trên sổ mục kê ruộng đất theo chỉ thị số 02/CT-UB.
Khu đất gia đình bà Tuyết khiếu nại hiện nằm trong khuôn viên một dự án
Đến năm 2.000, UBND Q.7 đã cấp sổ đỏ cho gia đình bà Tuyết các thửa đất số 86, 87, 88, 89 với diện tích 13.353m2. Sau đó, gia đình bà Tuyết đã bán phần đất này cho ông Trần Thanh Hải. Riêng thửa đất số 90 và phần đất còn lại rộng 5.581m2 chưa được cấp giấy chứng nhận, gia đình bà Tuyết tiếp tục sử dụng.
Khoảng năm 2005, gia đình bà Tuyết phát hiện khu đất trên bị Công ty TNHH Tân Thuận Nam rào lại để thực hiện dự án. Trong quá trình khiếu nại đòi phần đất này, gia đình bà Tuyết cho rằng cơ quan chức năng đã có sai sót trong việc kê khai người sử dụng đất dẫn đến gia đình bà không được bồi thường.
Sau đó bà Tuyết đã nhiều lần có đơn đề nghị UBND Q.7 rà soát lại và cung cấp cho bà các hồ sơ liên quan để làm rõ ai mới đủ điều kiện là chủ sử dụng khu đất trên và đủ điều kiện nhận tiền đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, vụ việc cứ dây dưa, kéo dài...
Trích lục bản đồ thể hiện mẹ bà Tuyết là bà Nguyễn Thị Anh đứng tên sử dụng các thửa đất
Bức xúc, bà Tuyết làm đơn kêu cứu gửi các cấp cao hơn. Ngày 29-12-2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 225/TTr-TDXLĐT gửi UBND Q.7 đề nghị xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Sau đó, bà Tuyết tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến Thanh tra Chính phủ. Ngày 6-9-2018, Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh Tra Chính phủ ký văn bản số 2145/BTCDTW-TD1 chuyển đơn khiếu nại của bà Tuyết cho UBND Q.7 để xem xét, giải quyết và trả lời theo đúng quy định.
Sau khi có chỉ đạo của Ban tiếp cCng dân Trung ương thuộc Thanh Tra Chính phủ, UBND Q.7 có mời bà Tuyết lên đề nghị bà cung cấp hồ sơ và các giấy tờ liên quan. Tưởng rằng sự việc sẽ sớm được giải quyết, nhưng sau đó gia đình bà Tuyết tiếp tục chờ đợi hết ngày này qua tháng nọ, nên lại phải gửi đơn kêu cứu.
Ngày 12-3-2019, Ban tiếp Công dân Trung ương tiếp tục ký công văn số 421/BTCDTW-TD1 đề nghị UBND Q.7 xem xét, giải quyết khiếu nại của công dân theo thẩm quyền. Tại công văn này, Ban tiếp Công dân Trung ương cũng đề nghị UBND Q.7 thông báo kết quả giải quyết.
Liên tiếp các công văn của Ban tiếp Công dân Trung ương và UBND TPHCM đề nghị UBND Q.7 giải quyết vụ việc
Sau lần công văn thứ 2 của Ban tiếp Công dân Trung ương, UBND Q.7 yêu cầu gia đình bà Tuyết cung cấp bản vẽ hiện trạng vị trí khu đất để làm cơ sở giải quyết vụ việc. Bà Tuyết cho biết sau khi cung cấp bản vẽ theo yêu cầu, bà nhiều lần liên hệ với UBND Q.7 mong muốn nhanh chóng được giải quyết, nhưng vụ việc "dậm chân tại chỗ".
Lần thứ 3 gia đình bà Tuyết phải ra kêu cứu với Thanh tra Chính phủ. Ngày 11-6-2019, Ban tiếp Công dân Trung ương thuộc của Thanh tra Chính phủ tiếp tục có công văn số 1711/BTCDTW-TD1 đề nghị UBND Q.7 phải xem xét, giải quyết và trả lời đơn của công dân, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết cho Thanh tra Chính phủ.
Thế nhưng dù đã gần 3 tháng trôi qua nhưng đến nay bà Tuyết cũng chưa nhận được thông tin từ UBND Q.7 về giải quyết vụ việc. Mới đây nhất, ngày 19-8-2019, Ban tiếp Công dân Văn phòng UBND TP.HCM cũng có công văn số 2389/TCD-XLĐ gửi UBND Q.7 đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết và trả lời đơn cho công dân theo quy định pháp luật.
"Gần 15 năm đi khiếu kiện, gia đình chúng tôi đã rất mệt mỏi, chúng tôi chỉ có nguyện vọng là mong muốn UBND Q.7 sớm sắp xếp, đối thoại với gia đình tôi để làm sáng tỏ vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng, đúng pháp luật cho người dân", bà Tuyết chia sẻ.