Bồi thường... con cu đất

Thứ Hai, 29/06/2015 12:29  | Đào Văn - Long Vĩnh

|

(CATP) Ở một số vùng quê từng xảy ra nhiều vụ tranh chấp cười ra nước mắt, nhưng hầu hết đều được giải quyết thấu lý đạt tình. Điều đáng nói là đôi khi mâu thuẫn không đáng có đã trở thành vụ kiện làm mất thời gian, công sức của chính quyền, đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người trong cuộc.

Trong số này, có lẽ vụ đòi “bồi thường tổn thất tinh thần cho con cu đất” là hy hữu nhất.

Theo đơn ông Nguyễn Văn Truyền (SN 1961, ngụ ấp An Hưng, xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), chiều 16-3 trên đường điều khiển xe máy đi gác cu về, ông bị Nguyễn Văn Lập (SN 1976, ở ấp An Thành, cùng xã) điều khiển xe máy chở bình gas giao cho khách va quẹt, ngã xuống mương.

Lập dựng xe, xuýt xoa: “Tại đường nhỏ, hai bên không xây xát gì. Thôi con đi giao bình gas cho khách”. Nghe vậy, ông Truyền cầm lồng chim, lên giọng: “Đi cái con khỉ. Người không sao nhưng con cu này có vấn đề đó”.

Để kiếm được con cu cườm, người nuôi phải tốn công tìm kiếm, chăm sóc

Lập chưng hửng nhìn, con cu đất vẫn mở mắt, ướt lông nhưng “không mệnh hệ gì”. Tưởng khổ chủ nói vui, Lập nổ máy xe định phóng đi thì bị ông Truyền níu áo lại: “Chú mày không nuôi nên không biết con cu này quý cỡ nào”. Có 3 loại: cu ngói phá phách nhất nhưng tiếng gáy không thanh, cu đất để ăn thịt, còn loại đang ướt sũng lông của ông Truyền là cu cườm, tiếng gáy dài, thanh thường dùng làm mồi nhử để bắt những con khác.

Ông Truyền cho biết đã phải lặn lội, lùng sục khắp nơi mới tìm được con cu cườm quý này nên xem nó như người tình, mua cái lồng thật đẹp nhốt vào. Hàng ngày, ông cho ăn, tắm rửa kỹ càng.

Những buổi chén chú chén anh với mấy ông bạn già cùng xóm, ông thẳng thừng tuyên bố: “Thà bỏ vợ chứ không rời con cu cườm”. Có lần vợ ông phát quạu đòi nhổ lông nó quăng vô chảo, khiến ông Truyền nổi đóa: “Con cu cườm có bề gì sẽ bỏ nhà đi bụi”.

Khi cánh đồng gặt xong còn thơm mùi rạ, chim chóc kéo về, ông Truyền lại loay hoay với nghề gác cu. Có hôm, ông đem “chiến lợi phẩm” về gồm 2 con cu dính bẫy nhưng người ông cũng đầy “thương tích” do bị kiến cắn, muỗi chích khi mật phục theo dõi cử chỉ của con cu mồi. Có lúc, ông thất thểu về tay không do con cu mồi sổng chuồng bay mất.

Thấy Lập nhấp nhổm, ông Truyền đề nghị: “Mau viết tờ thỏa thuận đàng hoàng mới được đi!”. Lập đành thực hiện theo yêu cầu với nội dung: “Lập sẽ nuôi dưỡng con cu mồi trong 30 ngày. Sau thời gian trên, nếu đem ra vườn con cu gáy lại thì bên ông Truyền mới nhận, còn trong thời gian nuôi nếu cu chết hoặc không gáy thì anh Lập phải bồi thường cho ông Truyền 2,5 triệu đồng. Mọi thắc mắc về sau sẽ không được giải quyết”.

Đúng hẹn, Lập đến nhà giao trả con cu. Ông Truyền cầm cái lồng cùng Lập ra vườn. Ngồi khoảng 30 phút nhưng con cu vẫn không gáy, ông Truyền không nhận vì Lập chăm “không đạt yêu cầu”, theo đúng như thỏa thuận ban đầu.

Ngày 31-5, ông Truyền làm đơn gửi Ban nhân dân ấp An Thành yêu cầu Lập bồi thường 2,5 triệu đồng như thỏa thuận. Vụ việc được chuyển đến xã An Bình. Nhận hồ sơ, Tư pháp xã đứng ngồi không yên bởi nước ta chưa có qui định nào về bồi thường “tổn thất tinh thần” khi làm thiệt hại vật nuôi, trong khi con cu đất của ông Truyền vẫn sống nhăn.

Sau hơn nửa tháng thụ lý hồ sơ, ngày 16-6 Tư pháp xã An Bình mời đôi bên đến trụ sở UBND hòa giải. Lập bức xúc mang theo con cu đất. Khi mâu thuẫn đang lúc cao trào, con cu bỗng cất tiếng gáy khiến tất cả thở phào nhẹ nhõm. Ông Truyền ngượng ngùng gãi đầu: “Nó nhỏ tuổi hơn tôi, chạy xe va quẹt mà không một lời xin lỗi”. Thấy vậy, Lập cầm lồng cu bước đến xin lỗi ông Truyền...

Nhìn ông Truyền hớn hở cầm cái lồng cu trở về, mấy đứa trẻ trong xóm đùa: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang