KHI ĐẠI DIÊåN TỪ PHƯỜNG ĐẾN TỈNH HẦU TÒA (!)
Trước khi khởi kiện, các hộ dân đã có đơn khiếu tố, Báo CATP đã có bài phản ánh (đăng trên hai số báo ra ngày 27-12-2017 và 24-3-2018). Theo đó, khu đất 10.060m2 ngay mặt tiền QL 1A thuộc khu phố 2, P.Xuân An, TP.Phan Thiết có nguồn gốc của hai cụ Nguyễn Xưa (mất năm 1990) và Võ Văn Năm (con liệt sĩ, mất năm 2010) đứng tên, theo giấy “mua bán đứt phần ruộng muối” được chính quyền chế độ cũ xác nhận ngày 19-12-1973.
Cụ Xưa cùng vợ là cụ Trần Thị Ngà có hai con gái là cụ Nguyễn Thị Ngọc (SN 1942, vợ cụ Năm) và bà Nguyễn Thị Hoàng Hồng (SN 1955) cùng ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Sau khi hai cụ Năm - Xưa qua đời, hai gia đình (GĐ) thống nhất lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 27-11-2012, ghi rõ: Bà Hồng được sử dụng 2.500m2 đất; phần còn lại của cụ Ngọc, giao cho con là ông Võ Văn Trưng (SN 1962) sử dụng.
Trên phần đất 2.500m2, vợ chồng bà Hồng xây căn nhà 100m2, đồng thời cho các con cất 4 căn nhà để ở. Phía GĐ cụ Ngọc cũng cất một căn nhà trên phần đất thừa kế, đo thực tế 8.024,4m2.
Dãy nhà do gia đình bà Hồng xây trên phần đất 2.500m2
Đầu tháng 11-2017, hai hộ cụ Ngọc, bà Hồng nhận nhiều thông báo của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận (TTPTQĐ) do Giám đốc (GĐ) Đặng Hoài Nhân ký, kèm theo là bảng tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ dự án mở rộng Khu dân cư Bắc Xuân An, P.Xuân An. Nói bồi thường, hỗ trợ nhưng có trường hợp được nhận... “0 đồng”(!). Còn tài sản trên đất thì “nhảy múa”, khôi hài nhất là việc GĐ Nhân ký duyệt “bồi thường 30% cây chùm ruột”(?!)...
Sau đó, bà Hồng nhận được quyết định (QĐ) số 411/QĐ-UBND ngày 24-1-2018 “phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ” của UBND TP.Phan Thiết. Còn cụ Ngọc không nhận được QĐ hay văn bản nào liên quan đến khu đất.
Hai GĐ bà Hồng, cụ Ngọc liên tục khiếu nại, tố cáo, sau đó khởi kiện hành chính, yêu cầu tòa hủy các văn bản trái luật. Qua xem xét, ngày 22-8-2018, TAND tỉnh Bình Thuận ra thông báo thụ lý cả hai vụ án, do bà Hồng và cụ Ngọc đứng tên người khởi kiện.
Ngoài UBND TP.Phan Thiết là người bị kiện, tòa xác định UBND tỉnh Bình Thuận, TTPTQĐ tỉnh, UBND P.Xuân An là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
NGUỒN GỐC ĐẤT RÕ RÀNG, BỒI THƯỜNG THỎA ĐÁNG
Tại hai phiên tòa ngày 20-8-2019, đại diện TTPTQĐ tỉnh Bình Thuận cho rằng, toàn bộ 10.060m2 đất của Hợp tác xã (HTX) muối Phong Nẫm, được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQDSĐ) ngày 24-5-2000. Đất do Nhà nước quản lý, không phải của GĐ bà Hồng, cụ Ngọc nên không phê duyệt phương án bồi thường hay hỗ trợ khi thực hiện dự án.
Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng: UBND tỉnh cấp GCN QSDĐ cho HTX muối Phong Nẫm với 283.265m2 theo đúng quy định của Luật đất đai năm 1993 (sửa đổi bổ sung năm 1998). Ngày 23-7-2013, UBND tỉnh ban hành QĐ số 1721/QĐ- UBND thu hồi 15.929m2 đất của HTX muối Phong Nẫm giao cho TTPTQĐ tỉnh quản lý. Căn cứ hồ sơ bồi thường của TTPTQĐ thì diện tích đất thu hồi của bà Hồng, cụ Ngọc thuộc phần đất 15.929m2.
Cụ Ngọc trong căn nhà cất trên khu đất thừa kế
Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Bình Thuận nhận định: Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận đất đưa vào HTX, không phải do Nhà nước giao cho HTX sử dụng. Mặt khác, TTPTQĐ tỉnh không phải là cơ quan chủ quản của HTX nên không có quyền kế thừa các quyền và nghĩa vụ khi HTX chấm dứt hoạt động. Lẽ ra trước khi giải thể, HTX giải quyết diện tích đất của HTX cho xã viên theo quy định của Luật HTX, Luật Đất đai...
Theo HĐXX, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, phần đất khiếu kiện nằm trong danh sách các thửa đất do HTX muối quản lý nhưng không chứng minh được đất được đưa vào HTX dưới hình thức nào và cũng không cung cấp được bản đồ vị trí thửa đất khi cấp GCNQSDĐ cho HTX. Quá trình thu hồi đất giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý sử dụng cũng không chứng minh được quản lý cụ thể ra sao. Điều này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xác định, tại văn bản số 2209/UBND-NC ngày 30-11-1999: “Việc giao đất cho các HTX muối trước đây không đảm bảo thủ tục, không xác định rõ diện tích ranh giới đất của các HTX muối, dẫn đến tình trạng một số hộ dân tự do khai hoang phục hóa...”.
Về phía UBND P.Xuân An cũng không nắm được quá trình sử dụng đất của hai GĐ. Theo HĐXX, trên thực tế phần đất khiếu kiện được hai GĐ cụ Ngọc, bà Hồng sử dụng liên tục ổn định, xây nhà, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái... từ những năm 2000 đến nay, không ai tranh chấp và không có cơ quan thẩm quyền nào xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Hai GĐ cũng không nhận được văn bản nào thể hiện diện tích đất trên có nguồn gốc do Nhà nước quản lý sử dụng cho đến khi có thông báo của TTPTQĐ.
HĐXX xác định: Với căn cứ pháp lý vừa nêu, hai hộ GĐ cụ Ngọc, bà Hồng có đủ điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án, quy định tại khoản 2 điều 77 Luật Đất đai năm 2013. Từ những nhận định trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của hai hộ bà cụ Ngọc, bà Hồng, tuyên: Hủy thông báo số 3535/TB-PTQĐ ngày 1-11-2017 của TTPTQĐ tỉnh Bình Thuận; hủy QĐ số 411/QĐ-UBND ngày 24-1-2018 của UBND TP.Phan Thiết; buộc UBND TP.Phan Thiết ban hành QĐ thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với hai hộ GĐ cụ Ngọc và bà Hồng theo đúng quy định pháp luật...
Vui mừng trước phán quyết của tòa, các hộ dân tin tưởng UBND TP.Phan Thiết, TTPTQĐ tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan chức năng sẽ thực thi việc thu hồi đất đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng, giúp người dân ổn định cuộc sống...
UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định “xử lý hiện trạng khu đất” nhưng Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) tỉnh lại quyết định “thu hồi đất tổng thể” dẫn đến khiếu nại gay gắt của nhiều người sử dụng đất.