Chi cục THADS huyện Củ Chi bán đất đương sự giá “bèo”: Chờ đến bao giờ?

Thứ Hai, 16/07/2018 16:40  | Hồng Cường

|

(CAO) Báo Công an TPHCM ngày 22-6-2018 có bài “Khuất tất vụ thi hành án ở huyện Củ Chi: Đất giá 10 tỷ đồng, bán 1,7 tỷ đồng”, phản ánh về việc thi hành án bán tài sản giá “bèo” khi đương sự đã hoàn thành nghĩa vụ.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật và nạn nhân đã đưa đơn cầu cứu khắp nơi. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời chính thức về vụ việc.

CẦU CỨU KHẮP NƠI

Nạn nhân của vụ việc là vợ chồng ông Nguyễn Như Tuyển và bà Trần Thị Ngọc Xuyến (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Theo đó, vợ chồng ông Tuyển dùng thửa đất hơn 3.000m2 nằm ven đường Xuyên Á (thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) để bảo lãnh vay nợ cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hân Vi.

Ông Tuyển khẳng định có đủ giấy tờ chứng minh đã trả hết nợ đúng thời hạn

Theo bản án của TAND TPHCM, vợ chồng ông Tuyển phải trả hết 428 triệu đồng cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam. Sau đó, vợ chồng ông đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, tuỵ nhiên Chi cục Thi hành án Củ Chi đã để bán đấu giá miếng đất trên với giá 1,7 tỷ đồng (giá trị thực tế trên dưới 10 tỷ đồng).

Theo đơn tố cáo của ông Tuyển, hai nhân vật trực tiếp “đạo diễn” vụ này là chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước và Chi cục trưởng Nguyễn Văn Nghĩa.

Sự việc xảy ra từ cuối tháng 1-2016 gây thiệt hại lớn cho đương sự. Bức xúc, vợ chồng ông Tuyển đã đưa đơn từ trung ương đến địa phương cầu cứu. Rất nhiều cơ quan chức năng đã chuyển đơn về đơn vị liên quan là Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM.

Theo các công văn của các cơ quan gửi Cục THADS TPHCM thì đều thể hiện rất rõ mong muốn cơ quan này khẩn trương vào cuộc xử lý những thông tin tố cáo của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển. Một trong những công văn đáng chú ý là của Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ).

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn tố cáo của ông Tuyển đến Cục trưởng Cục THADS TPHCM để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng đến nay, ông Tuyển vẫn chưa nhận được một câu trả lời, một thông báo nào.

CHUYỂN CÔNG TÁC ĐỂ TRÁNH “ĐIỂM NÓNG”?

Sau khi nhận được nhiều văn bản yêu cầu xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã cho mời ông Tuyển lên làm việc.

“Ngày 1-6-2018, Cục Thi hành án dân sự TPHCM mời tôi lên trao đổi. Tại buổi làm việc này, ông Phó cục trưởng Lê Hữu Hòa và chấp hành viên Nguyễn Hữu Phước tiếp tôi. Ông Phước một mực biện minh cho việc làm của mình, còn ông Hòa khẳng định Chi cục Thi hành án Củ Chi làm đúng quy trình.

Không những thế, ông Hòa còn khuyên tôi chuyển đơn từ tố cáo qua khiếu nại, ông Hòa nói nếu tôi khiếu nại sai tôi sẽ bị tù. Tôi không đồng ý và bỏ về. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc trả lại công bằng cho tôi”, ông Tuyển bức xúc.

Để xác minh nội dung ông Tuyển cung cấp, phóng viên Báo CATP đã nhiều lần liên hệ xin làm việc với Cục Thi hành án dân sự TPHCM, nhưng cả cục trưởng, cục phó đều “tránh né” phóng viên.

Trong khi sự việc đang rối thì ông Nguyễn Văn Nghĩa - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Củ Chi bất ngờ được điều chuyển về quận 8 và vẫn giữ chức Chi cục trưởng đơn vị này. Vụ việc gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

Được biết, sau khi nhận đơn, ngày 19-3- 2018, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã chuyển vụ việc đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ để xác minh, điều tra theo thẩm quyền. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã vào cuộc. Đơn vị này đã mời vợ chồng ông Tuyển cung cấp thông tin, phối hợp làm rõ sự việc.

“Tôi đã cung cấp mọi thông tin cần thiết cho cơ quan điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm kết quả. Mong rằng cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc, trả lại quyền lợi cho tôi đồng thời xử lý những người vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Tuyển thiết tha.

Luật sư Phạm Tất Thắng (Văn phòng luật sư Phạm Tất Thắng, Đoàn luật sư TPHCM): “Theo đơn của ông Nguyễn Như Tuyển thì vụ việc này liên quan đến cả tổ chức và cá nhân, vì vậy cần xác định là ông Tuyển tố cáo hay khiếu nại. Nếu tố cáo là tố cáo hành vi của cá nhân (chấp hành viên Lê Hữu Phước, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Nghĩa), khiếu nại là khiếu nại quy trình xử lý của tập thể (Chi cục Thi hành án Củ Chi) - gây thiệt hại cho ông. Do không hiểu luật nên ông Tuyển đã gom hai vấn đề vào một đơn, đơn vị có trách nhiệm nên hướng dẫn ông xử tách vụ việc ra làm hai vấn đề để việc xử lý không bị ách tắc.

Theo Điều 28 của Luật Khiếu nại và Điều 21 Luật Tố cáo, đơn vị bị khiếu nại tố cáo phải giải quyết, phúc đáp cho người tố cáo trong thời hạn tối đa là 90 ngày. Việc kéo dài vụ việc sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tố cáo và gây mất niềm tin ở người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Mặt khác, sau này khi nhận được thông báo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu ông Tuyển không đồng ý với nội dung của cơ quan chức năng, có thể khởi kiện ra tòa”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang