An Giang:

Vì sao hàng ngàn căn nhà của người nghèo chưa được cấp sổ đỏ?

Thứ Hai, 09/07/2018 21:29  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Dù vay tiền mua nền nhà đã gần 20 năm nay, nhưng hàng ngàn hộ dân ở thị xã Tân Châu, An Giang vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Có nhà mà không được làm chủ đã khiến cuộc sống nhiều người gặp khó trong việc vay vốn làm ăn.

Để có sổ phải đóng tiền lần 2

Được xét mua nền nhà ở các cụm, tuyến dân cư (CTDC) nhiều hộ dân vui mừng vay nợ để nộp tiền cho UBND xã mua nền. Sau đó họ gửi hồ sơ đi đăng ký xin cấp sổ đỏ nhưng không được, khiến hàng ngàn gia đình hết sức hoang mang.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về TDC ấp 2 (Hàng Me) thuộc xã Vĩnh Xương, nơi có hàng chục căn nhà chưa có sổ đỏ. Tại đây, ông Lê Văn Mẫn (50 tuổi) cho biết: “Vào năm 1999, vợ chồng tôi hợp đồng với UBND xã mua nền nhà ngang 6m, dài 12m với giá 5,5 triệu đồng. Giữa 2 bên có hợp đồng, tiền chúng tôi đã đóng và địa phương có xuất biên lai rõ ràng nhưng gần 20 năm nay gia đình chưa được cấp sổ đỏ”.

Theo lời ông Mẫn, dù trong hợp đồng thể hiện rõ trách nhiệm của người mua và người bán, có giấy tờ hẳn hoi nhưng phía chính quyền địa phương không thực hiện theo cam kết đã ký. Không được cấp chủ quyền ông lo ngại sau này phát sinh tranh chấp với hàng xóm sẽ mất luôn chỗ che nắng, tránh mưa.

Ông Mẫn cho rằng gia đình đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và hợp đồng hẳn hoi nhưng địa phương không thực hiện như cam kết.

Trước sự việc trên, ông đi gõ cửa các ngành chức năng và được thông báo phải thuê người đo đạc, đóng trước bạ… “Vợ chồng ít đất vườn lại phải nuôi 2 đứa con ăn học lấy đâu ra tiền để đóng, trong khi đó nghĩa vụ đó là của xã. Việc họ nói vậy khác nào chúng tôi mua nền đóng tiền 2 lần”, ông Mẫn bức xúc.

Ông Mẫn đưa cho chúng tôi một biên lai thu tiền mang tên chị ông. Biên lai thu tiền có mộc tròn bên trái ghi Chi cục Thuế huyện Tân Châu, ngày 11-10-2006. Người nộp tiền là Lê Thị Hồng Xuân. Lý do nộp là mua nền nhà tái đinh cư lộ Hàng Me, xã Vĩnh Xương. Số tiền nộp là 5,5 triệu đồng. Người nhận tiền là Trần Thanh Trương. Riêng phiếu thu của ông bên trái có mộc tròn Hữu Tài An Giang, thu tiền ngày 29-8-2001. Kế toán trưởng là Trần Ngọc Hợp…

Ngoài biên lai đóng tiền, ông Mẫn còn cung cấp cho chúng tôi một bản hợp đồng sang nhượng nền nhà tái định cư (TĐC) có 4 điều, được ký vào ngày 29-8-2000. Bên A là Trần Ngọc Hợp, còn bên B là Lê Văn Mẫn. Các điều trong hợp đồng thể hiện: Bên A đồng ý sang nhượng cho bên B nền nhà tại TDC lộ Hàng Me, diện tích 6x12m2, giá bán là 5,5 triệu đồng. Hợp đồng thể hiện: “Sau khi bên B nộp tiền đầy đủ thì bên A có trách nhiệm đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên B”.

Như trường hợp ông Mẫn và hàng chục hộ dân khác có nhà, có đất vẫn không làm được sổ đỏ, anh Phan Thanh Phong (44 tuổi) trình bày: Trước đây, gia đình sống ở kênh nhưng do bị sạt lở nên lên TDC mua 4 nền cất nhà ở. Để có tiền đóng mỗi nền gia đình phải vay 1,3 lượng vàng (tương đương 5,5 triệu đồng) để đóng. Dù đã nộp tiền đầy đủ nhưng không nghe phía địa phương thông báo làm sổ đỏ.

“Nhiều lần gia đình lên xã, thị xã xin đăng ký sổ đó nhưng họ nói đang kiểm tra hồ sơ và sẽ sớm giải quyết. Tuy nhiên rất nhiều năm rồi, hết nhiệm kỳ lãnh đạo này đến lãnh đạo khác vẫn chưa có kết quả. Gia đình muốn lấy sổ đỏ để vay vốn làm ăn nhưng không được, anh Phong than thở.

Theo ghi nhận của phóng viên, để có sổ đỏ những hộ dân phải thuê người đo đạc và đóng trước bạ với số tiền gần chục triệu đồng, cao hơn tiền mua nền nhà. Do vậy nhiều gia đình khó khăn không thể thực hiện, nên số lượng nền được cấp sổ tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lỗi tại địa phương và người dân

Tìm về khu TĐC Nam Kênh Cùn (thuộc ấp 4, xã Vĩnh Xương) – nơi được xem là có dân nghèo chiếm phần đông. Cầm tấm giấy biên nhận trên tay, ông Phan Văn Tiểu (70 tuổi) kể, trước đây, gia đình sống ở cặp mé kênh nhưng bị sạt lở đành phải lên gần khu TĐC ở tạm.

Năm 1996, được nhà nước cho vay tiền gia đình mua một nền nhà ngang 8m, dài 12m với giá 10 triệu đồng, kèm theo đó là khoản vay 7,5 triệu đồng để mua khung nhà. “Gia đình 9 nhân khẩu, không đất vườn và sống bằng nghề làm mướn, nên kinh tế hết sức khó khăn. Mấy năm nay muốn vay vốn làm ăn nhưng không có sổ đỏ. Đứa con dâu bị bướu cổ, cần mười mấy triệu đi mổ mà không lấy đâu ra”, ông Tiểu buồn bã nói.

Nhiều năm nay, ông Phan Văn Phênh (65 tuổi, hàng xóm ông Tiểu) đi lên xã, thị xã để xin cấp sổ đỏ cho tài sản duy nhất của gia đình nhưng đều bị từ chối. “Giờ 7 người con đi thành phố làm công nhân, phụ hồ, ở nhà chỉ còn 2 vợ chồng và đứa cháu. Mấy đứa con hỏi khi nào nhà được cấp sổ đỏ, nhưng tôi chỉ biết trả lời địa phương kêu đợi. Việc nền nhà được cấp sổ không chỉ mong ước của gia đình mà hàng ngàn hộ tại địa phương này”, ông Phênh nói.

Nhiều gia đình nghèo muốn vay vốn như nhà chưa được cấp sổ đỏ nên đành bó tay

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hòa Hợp – Phó Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Văn Ánh - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường TX.Tân Châu cho biết: Thị xã có 42 CTDC nhưng đến nay vẫn còn 8 CTDC chưa hoàn thành xong thủ tục hành chính gồm: Cầu Chuối - Lộ 11, Trung tâm xã Lê Chánh, Núi Nổi, Trung tâm xã Vĩnh Hòa nối dài Vĩnh Thạnh, kênh Vĩnh An, Long Thạnh C, Nam Kênh Cùn, Châu Phong – Long An với tổng cộng 2.761 nền.

Các CTDC chưa được cấp sổ đỏ dù hình thành từ 10 – 20 năm đều có chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên do việc xây dựng nhà của người dân không đúng theo diện tích phân lô dẫn đến sai lệch vị trí.

Theo lời ông Hợp và ông Ánh, việc nhà chưa được cấp sổ lỗi thuộc về chính quyền địa phương và người dân. Do vậy, địa phương xin chủ trương UBND tỉnh để đo đạc lại hiện trạng để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền quản lý đất đai cũng như không ảnh hưởng đến tài sản. Đến nay, có 4 CTDC cơ bản đã hoàn thành thủ tục ban đầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang