Chính quyền xả lũ "hỏa tốc", dân "bốc hỏa"

Thứ Năm, 30/08/2018 09:27  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Báo Công an TP.HCM nhận được đơn cầu cứu của 80 hộ dân ở xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên, An Giang) về việc địa phương thông báo sẽ xả lũ.

Trước thông báo “hỏa tốc” trên đã khiến cho hàng trăm hộ dân trồng lúa, cây ăn trái trong đê bao như ngồi trên lửa. 

Người dân gửi đơn cầu cứu vì chính quyền thông báo sẽ xả lũ khi mùa lũ đã về.

Sắp xả lũ mới họp dân

Trong đơn cầu cứu, hàng chục hộ dân trình bày: Sau khi thu hoạch lúa xong vào ngày 22-8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND xã gửi thư mời đến người dân ấp Tân Thành để lấy ý kiến về việc xả lũ. Sáng hôm sau có khoảng 20 người dân đến địa điểm thông báo dự họp. Tại đây, chính quyền thông báo sẽ xả lũ để rửa phèn, hạn chế dịch bệnh và vụ này không có người đứng ra bơm rút nước (!).

Do vậy khuyến khích người dân tạm dừng việc sản xuất để cho địa phương xả lũ. Trước thông tin trên, các hộ dân đến dự họp hoang mang và bày tỏ ý kiến: “Nếu xả lũ phải thông báo trước ít gì cũng vài tháng để cho người dân chuẩn bị bao chắn vườn tược và không thuê máy móc làm đồng sạ lúa. Giờ mọi việc đã chuẩn bị xong, chính quyền quyết định bất ngờ sao mà đỡ kịp”.

Trước sự phản ứng quyết liệt của dân, địa phương thông báo kết thúc họp và cho biết sẽ xin ý kiến từ huyện.

Ngày 27-8, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Tịnh Biên, lãnh đạo UBND xã, Hội Nông dân tiếp tục mời khoảng 20 nhà vườn đến họp và thông báo xả lũ trong vài ngày tới với mực nước cao từ 1 – 1,2m. Tại đây, nhà vườn cũng không đồng ý việc xả lũ vì nhiều khu vườn sẽ thu quả ngọt trong vài tháng tới cũng như đồng ruộng đã cày xới chuẩn bị xuống giống.

Theo lời nhiều hộ nông dân, cách nay khoảng 20 ngày, Đài truyền thanh huyện Tịnh Biên có phát đi thông báo với nội dung: Cấm trồng cây, nếu trồng người dân phải lên chính quyền khai báo…

Đứng trước vườn xoài Đài Loan 15 công, ông Lê Văn Điền (41 tuổi, ấp Tân Thành, xã Tân Lập) buồn bã nói: “Vườn đang xanh tốt và cho trái nếu chính quyền xả nước ngập hơn 1,2m sẽ chết sạch. Để có vườn xoài 800 gốc xoài gia đình đã bỏ vốn đầu tư với số tiền hơn 350 triệu đồng. Vậy giờ xả lũ thiệt hại ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Theo lời ông Điền, ngoài số vườn trên gia đình đã làm đất và chuẩn bị xuống giống 20 công lúa thu đông theo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Chỉ tính riêng số tiền thuê máy xới đất đã tốn trên 4 triệu đồng. Đây là khu vực quy hoạch trồng lúa 3 vụ nên người dân sản xuất liên tục. Vụ thu đông thường được mùa, trúng giá nên mỗi mùa thu hoạch gia đình có được lợi nhuận trên 50 triệu đồng.

Chỉ tay vào kho chứa lúa, bà Lê Thị Ngọc Nhan (vợ ông Điền) nói: “Tôi đang dự trữ 120 tấn lúa trị giá hơn 1 tỷ đồng, nếu chính quyền xả lũ phía sau sẽ ngập vậy lúa dời đi đâu? Giờ kêu lái bán không ai mua, nếu mua cũng chỉ giá rẻ bèo”.

Cùng tâm trạng với vợ chồng bà Nhan bởi khu đất 12 công trồng xoài, mãng cầu, mít vừa bị “tuyên án tử”. Ông Huỳnh Văn Điền cho biết: “Để có khu vườn xanh tốt như hiện tại gia đình bỏ ra chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng. Mảnh vườn là kỳ vọng của gia đình để lo cho đứa con lớn chuẩn bị vào Đại học. Nếu chính quyền quyết tâm xả lũ vào khu vực đê bao chắc người dân chỉ còn đường đi vay nợ lấy tiền ăn gạo hoặc bỏ đi Bình Dương làm công nhân. Điều lo lắng là khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng lấy gì trả”.

 

Người dân trồng cây ăn trái hoang mang vì thông tin xả lũ.

 Bình thường hay bất thường?

Trước những bức xúc của người dân, chiều 28-8, phóng viên tìm đến UBND xã Tân Lập. Sau khi lên lầu báo cáo với lãnh đạo, ông Hồ Văn Thiện (cán bộ văn phòng) xuống cho biết: “Phát ngôn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã nhưng giờ người này đã đi học tập trung đến giữa tháng 10 mới xong nên không thể cung cấp gì”.

Dù vậy theo quan sát của phóng viên có rất đông người dân đến UBND xã để dự họp việc xả lũ theo thư mời.

Ông Trương Minh Thức – Phó phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên, cho biết: “Vùng Tân Lập là khu vực đê bao 3 vụ và 7 năm rồi chưa được xả lũ. Cuối năm 2017, sau khi tổng kết huyện có thông báo phương án xả lũ khu vực này nhằm lấy phù sa vào đồng ruộng, mặt khác chỉnh lại mùa vụ".

"Hiện phòng đang chờ xã lấy ý kiến các hộ dân (?!). Toàn tuyến có 56 cống tròn để điều tiết nước cho diện tích 1.460ha, trong đó hoa màu khoảng 30ha còn cây ăn trái chưa có thống kê được”.

Sự việc trên cho thấy lẽ nào chính quyền địa phương “nước đến chân mới nhảy” và đang dồn người dân vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi đến lúc xả lũ mới tổ chức họp dân lấy ý kiến (!).

Bình luận (0)

Lên đầu trang