Trước đó, hội đồng xét xử (HĐXX) đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung về các tình tiết: việc thất lạc chứng từ, số tiền bảo hành công trình bị thất thoát, tiến độ thi công công trình Huyện ủy - UBND, hành vi chỉ đạo ứng tiền ngân sách của lãnh đạo huyện...
Sau 2 tháng điều tra bổ sung, bản cáo trạng mới không làm rõ những vấn đề HĐXX kiến nghị, ngược lại còn truy tố các bị cáo tội nặng hơn.
CÓ CÔNG HAY PHẠM TỘI?
Như Báo Công an TPHCM đã thông tin, 4 bị cáo trong vụ án này gồm: Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hòa, Đỗ Tú Toàn (nguyên trưởng ban, phó ban, kế toán trưởng, thủ quỹ BQL Hòa Thành) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý vốn ngân sách trong việc đầu tư xây dựng các công trình do UBND huyện Hòa Thành làm chủ đầu tư và tiền bảo hành công trình do BQL Hòa Thành quản lý, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Cụ thể, do muốn đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, UBND H.Hòa Thành đề ra chủ trương cho các đơn vị thi công tạm ứng tiền từ ngân sách huyện. Thực hiện chỉ đạo, Cao Sơn Nhân làm tờ trình đề nghị tạm ứng tổng cộng 8 tỷ đồng. Sau khi được thẩm định, phó chủ tịch UBND huyện phê duyệt, Phòng Tài chính ký lệnh chi tiền. Các bị cáo Dân - Hòa - Toàn xuất tiền chuyển cho các đơn vị thi công.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba
Kết quả, công trình Đường 797 thi công ì ạch từ năm 2006, thời hạn hoàn thành vào tháng 12-2007, nhờ được ứng 500 triệu đồng mới làm xong, đưa vào sử dụng trong tháng 5-2009. Tương tự, 3 công trình trọng điểm là trụ sở Huyện ủy - UBND và Trường THCS Trưng Vương khởi công tháng 12-2007, sau khi kiểm tra tiến độ, được tạm ứng 7,5 tỷ đồng mua vật tư, gấp rút hoàn thành vào cuối năm 2010, kịp phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Điều lạ là trong khi thụ hưởng những tiện ích từ các công trình trên, chủ đầu tư lại “quên” quyết toán cho nhà thầu (!?). Năm 2015, trong khi chờ thanh quyết toán thì BQL Hòa Thành bị điều tra. Bốn cán bộ được xem là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bỗng nhiên trở thành nghi phạm vì không thu hồi tiền tạm ứng hoàn trả ngân sách.
Ngoài ra, họ còn bị buộc chịu trách nhiệm về việc cho ông Lâm Tấn Dũng (nhà thầu chính thi công nhiều công trình trên địa bàn huyện) mượn 3,1 tỷ đồng tiền bảo hành công trình, hiện còn 849 triệu đồng chưa thu hồi được; mặc dù tiền bảo hành công trình là tiền của nhà thầu, chứ không phải của BQL Hòa Thành.
CÀNG KÊU OAN, CÀNG NẶNG TỘI?
Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất tháng 9-2016, HĐXX tuyên phạt các bị cáo từ 1 - 3 năm tù về tội cố ý làm trái, buộc liên đới bồi thường 5,5 tỷ đồng tiền tạm ứng và 897 triệu đồng tiền bảo hành chưa thu hồi. Bản án bị kháng cáo, kháng nghị.
Cấp phúc thẩm nhận thấy, việc kết tội chưa có cơ sở vững chắc nên hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu. Ba tháng sau phiên tòa phúc thẩm này, các công trình trụ sở Huyện ủy - UBND và trường THCS Trưng Vương mới được phê duyệt quyết toán, toàn bộ số tiền tạm ứng được thu hồi, hoàn trả ngân sách.
Lần xét xử sơ thẩm thứ hai, các cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh cho rằng, việc chậm thu hồi 8 tỷ đồng gây thiệt hại hơn 2,9 tỷ tiền lãi, tiền bảo hành công trình chưa thu hồi 563 triệu đồng. Tại phiên tòa này, bà Huỳnh Thị Hòa (Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch H.Hòa Thành) khẳng định: “không có quy định nào cho tính lãi đối với tiền tạm ứng”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Tây Ninh cũng từ chối giám định, vì “tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước không thuộc hoạt động cấp tín dụng, nhận tiền gửi”.
Quan trọng nhất, 2 nguyên đơn dân sự là UBND huyện và BQL Hòa Thành xác nhận, hoàn toàn không bị thiệt hại gì và không có đơn yêu cầu bồi thường. Như vậy, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, khi không có hậu quả xảy ra thì các bị cáo không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản cáo trạng thứ 3 được công bố không thay đổi tội danh, ngược lại, các bị cáo bị quy kết phải chịu trách nhiệm đối với 10,9 tỷ đồng, gồm: 8 tỷ đồng vốn tạm ứng và 2,9 tỷ đồng tiền lãi. Tiền bảo hành công trình từ 563 triệu đồng tăng lên thành 849 triệu đồng. Cáo buộc này rất khiên cưỡng, bởi 8 tỷ đồng tiền tạm ứng đã được thu hồi, hoàn trả ngân sách.
Số tiền lãi phát sinh, theo kết luận giám định của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh là không có cơ sở pháp lý, bởi Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định 48/2010/NĐ-CP, Nghị định 37/2015/NĐ-CP... đều không quy định tính lãi đối với tiền tạm ứng ngân sách bị thu hồi chậm.
Đối với tiền bảo hành công trình, được các bên thừa nhận đó là tiền của nhà thầu, BQL Hòa Thành chỉ tạm giữ trong thời hạn 12 tháng bảo hành, nhưng các cơ quan tố tụng cho rằng đó là tiền ứng từ ngân sách cho mượn, chưa thu hồi được là gây thiệt hại cho Nhà nước (?).
Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2, 15 doanh nghiệp đã nộp đơn, nói rõ đã ký tất toán với BQL Hòa Thành và không yêu cầu trả tiền bảo hành. Đại diện BQL Hòa Thành cũng khẳng định, đến nay không có nhà thầu nào kiện đòi tiền bảo hành. Song đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ quan điểm là “các đơn vị thi công sẽ đòi”.
Tại phiên tòa, công tố viên nêu ra những hành vi sai trái của các bị cáo như: ứng tiền cho đơn vị thi công khi chưa được chỉ định thầu, chưa ký hợp đồng xây dựng hoặc ứng tiền không đúng đối tượng...
Trong khi đó, lời khai của ông Trần Ngọc Dư (nguyên Phó chủ tịch UBND H.Hòa Thành) nói rõ: “Lãnh đạo huyện yêu cầu sớm hoàn thành công trình nên chỉ đạo cứ cho thi công. Phần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, chỉ định thầu thực hiện sau. Vì vậy mới có việc chi tiền tạm ứng trước thời gian phê duyệt. Việc vừa thi công, vừa thiết kế kỹ thuật là chưa đúng quy định, nhưng nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục thì không kịp hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.
Rõ ràng, lý do “sớm hoàn thành công trình” là nguyên nhân gây ra vụ án trên. Các bị cáo cũng thừa nhận vì “bị áp lực” nên đã ứng tiền sai quy định. Như nhận định của HĐXX phúc thẩm, “để truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh này, cần phải xác định mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi lợi dụng chức vụ và thiệt hại xảy ra.
Các bị cáo tuy có sai, nhưng đấy là chủ trương linh hoạt và nhất quán từ UBND huyện, các bị cáo chỉ chấp hành và phục tùng”. Vậy thì tại sao lại kết tội những người thừa hành nhiệm vụ?
Được biết, TAND tỉnh Tây Ninh sẽ tuyên án ngày 28-5 tới.