Gần 10 năm sau, dự án tìm được chủ đầu tư thay thế, nhưng quá trình triển khai đã gây nhiều bức xúc cho người dân cũng như qua thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm.
CÁN BỘ ĐƯỢC MUA, DÂN THÌ KHÔNG?
Theo người dân địa phương, họ cần mua nền để cất nhà ở hoặc phục vụ sản xuất do các khu đất nằm cạnh dự án. Tuy nhiên khi KDC TTTM Vịnh Tre được lập nên chỉ bán nền cho cán bộ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho biết: “Năm 2002, cha tôi giao 10.300m2 đất cho chủ đầu tư, được bồi hoàn với số tiền 288 triệu nhưng không được tái định cư. Nếu tính diện tích trên thì được 100 cái nền. Bình quân mỗi nền bán với giá 200 triệu đồng cũng đem về số tiền 20 tỷ đồng”.
Theo chị Lộc, khi cha chị giao đất có yêu cầu lãnh đạo H.Châu Phú đổi nền tái định cư để ông chia cho 8 người con nhưng không được chấp thuận. Sau đó, một đơn vị được huyện giao khu đất làm dự án rồi bỏ dở dang.
Không được tái định cư, tạo điều kiện đặt ống dẫn nước khiến 6 ao nuôi cá tra diện tích hơn 10.000m2 của gia đình chị Lộc đứng trước nguy cơ bỏ hoang. “Chúng tôi còn được cán bộ cho biết dự án sẽ được triển khai giai đoạn 2, tiếp tục lấy đất dân để phân lô bán nền. Đây khác nào là cách kinh doanh làm giàu cho cán bộ, bỏ mặc quyền lợi của người dân” - chị Lộc bức xúc nói.
Người dân cho rằng chủ đầu tư có dấu hiệu lấn chiếm mương tưới tiêu.
Người dân còn “tố” chủ đầu tư lấn chiếm mương thoát nước, nhiều cán bộ mua nền xong không có nhu cầu ở đã bán nền lại cho người dân, bỏ túi từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng.
Theo tài liệu phóng viên có được, cán bộ N.V.B vào tháng 8-2018, được mua nền diện tích 95,7m2 với giá 211 triệu đồng. Đến tháng 1-2019, ông B. chuyển nhượng nền đất trên cho ông T. với giá 255 triệu đồng. Thời điểm ông B. chuyển nhượng cho ông T. vẫn còn 2 lần nộp tiền tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (gọi tắt Ban QLDA). Theo quy định, mỗi nền cán bộ, công chức phải qua 4 lần nộp tiền, lần lượt là 5%, 45%, 25%, 25%.
Tương tự, vào tháng 8-2018, bà T.T.T.S (lãnh đạo một phòng thuộc UBND H.Châu Phú) trúng đấu giá nền diện tích 114m2 với giá 214 triệu đồng. Đến ngày 4-1-2019, bà S. bán cho ông L.H.V. 295 triệu đồng. Hơn nửa tháng sau, ông V. đã bán nền nhà trên cho chị N.T.T.V với giá 380 triệu đồng.
Được biết, dự án KDC TTTM Vịnh Tre có diện tích hơn 28.000m2, với 293 nền nhà được bố trí. Dự án sử dụng nguồn ngân sách huyện, với tổng mức đầu tư là 36 tỷ 884 triệu đồng. Đến nay đã đấu giá 270 nền, trong đó cơ quan cấp huyện 159 nền, cấp xã 25 nền, cơ quan theo ngành dọc đặt tại huyện 62 nền…
Trước việc nhiều cán bộ, công chức được tạo điều kiệu mua nền để phục vụ nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhưng thực tế lại chuyển nhượng ồ ạt, dư luận cho rằng việc làm dự án chỉ để "làm giàu cho cán bộ (!)".
CÁN BỘ CHỈ ĐƯỢC ƯU TIÊN ĐĂNG KÝ (!)
Từ năm 2004, KDC TTTM Vịnh Tre do Công ty Công trình giao thông An Giang (gọi tắt Cty An Giang) đầu tư, thực hiện. Trong quá trình triển khai, UBND H.Châu Phú đã phối hợp với đơn vị này xây dựng các hạng mục hạ tầng có liên quan nhằm để tạo khu dân cư và phục vụ nhu cầu nhà ở.
Đến năm 2007, Cty An Giang giải thể, các hạng mục tại dự án chỉ thực hiện khoảng 30%. Thời điểm Cty An Giang bàn giao dự án cho UBND H.Châu Phú vẫn còn nợ nhiều ngân hàng và các cơ quan số tiền 20,4 tỷ đồng.
Khu dân cư trung tâm thương mại Vịnh Tre sau 10 năm triển khai vẫn chưa có căn nhà nào được dựng lên.
Ông Nguyễn Phước Nên – Phó chủ tịch UBND H.Châu Phú cho biết: Sau khi nhận dự án còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các đơn vị mà huyện còn nợ tiền đã nhiều lần có văn bản yêu cầu phải thanh toán dứt điểm. Do vậy để hoàn thành dự án và có nguồn trả nợ, UBND H.Châu Phú có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch.
UBND tỉnh An Giang chấp thuận trong đó có nội dung: “Thông báo công khai rộng rãi việc bán từng nền ưu tiên cho cán bộ, công chức. Trường hợp trong 1 nền có 1 người tham gia thì bán chỉ định”. Sau khi được chấp nhận, UBND H.Châu Phú thỏa thuận với 11 hộ dân có đất trong dự án. Tuy nhiên chỉ có 2 hộ ông Nguyễn Hồng Tấn và bà Kiến Thị Hạnh đồng ý đổi đất lấy nền.
Phóng viên đặt vấn đề: “Có phải dự án chỉ ưu tiên bán cho cán bộ?”. Ông Nên cho biết: “Không có ai dám vô làm dự án hết, bởi sợ bị tồn đọng, bán không được, trả nợ không nổi. Cho nên huyện mới xin chủ trương là bán với giá quy định và nhân thêm hệ số, nhưng sau đó Sở Tài chính không đồng ý. Họ cho rằng luật quy định là đấu giá, chứ không ưu tiên. Cuối cùng ưu tiên cho cán bộ đăng ký mua nền, rồi tổ chức đấu giá công khai”.
Nói về việc cán bộ mua bán nền như “sàn giao dịch”, ông Nên lý giải: “Khu này ưu tiên cho cán bộ đăng ký chứ không phải là khu dân cư cán bộ, dân có thể vô mua bình thường. Việc trao đổi mua bán nền tại dự án là quan hệ dân sự giữa cá nhân với cá nhân, còn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Trước việc bản đồ địa chính chưa hoàn chỉnh, chưa có đất để giao cho người trúng đấu giá, dư luận cho rằng chủ đầu tư mua bán trên giấy? Ông Nên cho biết thêm: “Nếu gọi bán trên giấy thì chưa phải là khu dân cư, trong khi đó khu này đã hình thành từ năm 2005 đến giờ. Xem qua bản đồ đã thể hiện số thửa, số nền và một số nền đã bán trước đó”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dự án có tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, ông Nên nói: “Vừa rồi huyện có cho người đi đo, để sau khi họp dân họ đồng ý thì xin điều chỉnh dự án để các tuyến đường thẳng lại. Việc thực hiện dự kiến đất đổi đất, cơ sở vật kiến trúc sẽ bồi thường theo giá Nhà nước. Mục đích mở rộng để chuẩn bị lên thị trấn vào năm 2020, vì nơi đây hiện là đô thị loại 5. Còn dân không đồng ý thì sẽ không thực hiện”.
PHÁT HIỆN NHIỀU SAI PHẠM Kết luận do Chánh thanh tra tỉnh An Giang - Võ Thanh Tráng ký: Qua kiểm tra giá khởi điểm của 260 nền thuộc dự án, phát hiện 1 nền với diện tích 146m2 có giá khởi điểm thấp hơn giá quy định của UBND tỉnh, với số tiền chênh lệch 99,2 triệu đồng. Về công tác đấu giá nền, qua kiểm tra phát hiện có 8 nền không có trong quyết định phê duyệt giá khởi điểm ban đầu. Ngoài ra, đến thời điểm thanh tra, người trúng đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước chỉ hơn 26,5 tỷ đồng (50% tổng giá trị giá trúng đấu), trong khi đó theo quy định người trúng đấu giá mua tài sản phải nộp hết trong thời hạn là 30 ngày. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh còn xác định, Phòng Kinh tế hạ tầng (KTHT), Ban QLDA, UBND H.Châu Phú đã thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán về việc chi vượt chi phí thiết kế và chi phí quản lý với số tiền hơn 37 triệu đồng. Thanh tra tỉnh kiến nghị, UBND huyện chấn chỉnh việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách phải đúng mục đích. Chỉ đạo Phòng Nội vụ, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Phạm Thanh Lợi – Phó trưởng phòng Phòng KTHT, ông Nguyễn Phước Lăng – Giám đốc Ban QLDA và thu hồi chi phí thiết kế, quản lý... |