(CATP) Tháng 7-2019, nhân chuyến du lịch và thăm người thân công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Seoul Hàn Quốc, tôi đã vào điều trị ở Trung tâm y tế AMC (Asan Medical Center). Là một bệnh nhân (BN) đến điều trị tại trung tâm (TT) này hơn 2 tuần, tôi đã thực sự mắt thấy, tay sờ ở bên trong.
Tác giả điều trị tại Trung tâm y tế AMC Hàn Quốc
Khái niệm TT y tế bên này khác bên ta. Đây là cơ sở y tế, bao gồm cả một bệnh viện (BV) lớn và một số viện nghiên cứu về y học. Phương châm hoạt động xuyên suốt của TT là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không chỉ có chuyên khoa về tư vấn sức khỏe, ở bất cứ khoa nào, trước khi chia tay, BN đều được bác sĩ (BS) tận tình hướng dẫn chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi...
Trung tâm đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả công đoạn giao dịch. Buổi đầu tiên tôi đến, sau khi kê khai họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và quốc tịch, lập tức tôi được định danh mã số và mã vạch. “Số tù” này đã được đeo vào cổ tay, các buổi sau tôi chỉ việc đưa ra giao dịch.
Ở BV trong nước, BN phải trực tiếp cầm kết quả siêu âm, nội soi, chụp X quang, citi về trình BS khám ban đầu. Ở TT này, mọi kết quả đều được chuyển theo mạng về cho BS, BN không phải mang theo kết quả gì từ các chuyên khoa. Tôi là người nước ngoài, thân nhân đi cùng có biết tiếng Anh và sơ sơ tiếng Hàn, nhưng vẫn được TT bố trí phiên dịch.
Chuyện vệ sinh thì khỏi bàn, luôn sạch sẽ, không thấy mùi đặc trưng như vốn có ở nhiều BV khác. Để kịp thời cấp cứu BN gặp sự cố, TT đã trang bị chuông cấp cứ umà uđo ã ơ ã tấ tca ã giườ ng bệ nh, các nhà vệ sinh, phòng tắm. Đã có lần sau khi tắm xong, tôi thử bấm chuông, chỉ nửa phút sau đã có 2 y tá đến gõ cửa và lên tiếng. Tôi bối rối, chỉ biết ra hiệu xin lỗi vì không biết tiếng.
Ở TT này, công việc được chuyên môn hóa tối đa. Ví dụ để truyền máu cho tôi, y tá 1 đến lấy ven, cố định kim; sau đó y tá 2 đưa máu đến và làm tiếp các việc còn lại. Việc di chuyển BN từ giường bệnh đến các phòng xử lý kỹ thuật (xét nghiệm, siêu âm, nội soi, X quang...) và ngược lại đều do một đội ngũ nam chuyên trách. Chúng tôi nói vui đây là đội Grab của TT.
Họ làm việc rất khẩn trương, bài bản, chu đáo. Mỗi nhân viên được trang bị một máy như bộ đàm, có chức năng chụp ảnh và nhận diện mã vạch. Khi nhận nhiệm vụ, họ được cấp số thẻ BN. Gặp BN, họ chụp lại số thẻ đeo ở tay BN, 2 số khớp nhau là ok.
Ở TT này, khách nước ngoài đến khám và điều trị khá đông. Bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại đáng kể. Ngoài BS, hầu hết y tá ở đây phải biết tiếng Anh. Tuy nhiên cũng có nhiều BN không biết tiếng Anh. Việc ứng dụng phần mềm dịch thuật qua điện thoại thông minh đã được các y tá sử dụng khá thành thạo. Tuy nhiên, máy thường cứng nhắc, dịch không sát ý rõ nghĩa. Vài tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra. Đây là một đoạn thoại qua máy dịch giữa cô y tá khá xinh và tôi - BN:
- Anh có bồ đi theo không? (anh có người nhà đi cùng?).
- Sáng nay anh đã xả chưa? (sáng nay anh đã đi ngoài?).
- Hôm nay chúng ta sẽ đánh nhau 3 quả tóe máu nhé (hôm nay em sẽ truyền cho anh 3 bịch máu).
Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, cô y tá phải bổ sung thêm ngôn ngữ cử chỉ, tôi mới hiểu. Tất cả quá trình điều trị với mỗi BN đều được ghi lại trong đĩa CD. BN có thể kiểm tra lại kết quả và phản hồi về TT.
Nhưng dù văn minh, lịch sự, chu đáo đến đâu thì TT cũng là nơi chữa bệnh, nơi bất đắc dĩ chúng ta phải đến. Đó là chưa kể có lẽ trên thế gian này, ở quốc gia nào cũng vậy, không có loại giường nào đắt như... giường bệnh. Vì thế mong mọi người luôn chăm lo sức khỏe bản thân, để hạn chế tối đa việc phải... nhập viện.
Trần Viết Niệm (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Tĩnh)