(CATP) Theo phản ánh của nhiều người dân xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil, Đắk Nông, tình trạng khai thác “trộm” đá diễn ra thường xuyên với quy mô lớn. Các “chủ mỏ đá” sử dụng các phương tiện, xe máy cỡ lớn để khoét núi, đồi nhằm tìm đá khiến cho đường giao thông xuống cấp, đời sống người của người dân bị ảnh hưởng.
Giữa tháng 11/2024, dẫn chúng tôi “xâm nhập” mỏ đá “lậu” gần làng Dao thuộc thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil), anh Nguyễn Mạnh D. cho biết, mỏ đá này trước đây khai thác đá “cây” (một loại đá có giá trị cao dùng trong xây dựng ốp lạt hoặc trang trí,...), nay chủ mỏ chuyển sang khai thác đá “hộc” chủ yếu phục vụ cho xây kè, móng nhà, công trình.
Vào lúc cao điểm “chủ mỏ” sử dụng nhiều phương tiện khai thác với quy mô lớn
Theo quan sát của PV, mỏ đá này là một phần quả đồi, có diện tích khoảng 5.000m , đã bị khai thác từ mặt đường vào hàng chục mét tạo một hố sâu nếu nhìn từ trên đỉnh đồi xuống. Phía trong ngổn ngang các khối đá thô vừa được đào lên, đang chờ được chẻ thành đá “hộc”.
Vào lúc cao điểm “chủ mỏ” sử dụng nhiều phương tiện khai thác với quy mô lớn
Thời điểm PV ghi nhận sự việc có khoảng 5-7 công nhân đang chẻ đá, sau đó chất lên một xe máy cày. Một xe múc cỡ nhỏ hỗ trợ di chuyển đá ra vị trí đất trống. Tuy nhiên, theo anh D. có thời điểm “chủ mỏ” đưa từ 2 - 3 xe múc loại lớn cùng nhiều xe tải vào khai thác ồ ạt từ sáng đến tận đêm.
Để chứng minh, anh D. cho chúng tôi xem những hình ảnh, video clip mà anh đã thu thập lại được. Thời điểm này, mỏ đá như “một công trường” với rất nhiều máy móc, con người hoạt động hết công suất. Theo quan sát, trong một buổi sáng, nhóm công nhân trên chẻ được 3 - 4 xe máy cày (tương đương gần 8m đá), số đá này sau đó được chở về bán cho các đại lý vật liệu xây dựng hoặc nhà dân có nhu cầu xây dựng.
Đá xây dựng được chở ra khỏi mỏ và đưa về các đại lý vật liệu xây dựng
Trong vai người đang muốn xây nhà, chúng tôi đón lõng một lái xe cày đang chở đá từ mỏ về, anh này cho biết, giá trung bình từ 300 – 350 nghìn/m, tùy khoảng cách vận chuyển và khối lượng cần mua. “Mỗi ngày có thể chở cho anh được khoảng 10m3” - lái xe này cho biết thêm.
Đá xây dựng được chở ra khỏi mỏ và đưa về các đại lý vật liệu xây dựng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ đá trên do một người tên H. sở hữu, trước đây chuyên khai thác đá “cây” và đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt. Sau khi dừng một thời gian thì nay tiếp tục khai thác đá xây dựng. Do từng sử dụng các phương tiện, máy móc cơ giới lớn, các xe chở đá thường xuyên ra vào nên con đường dẫn vào mỏ đá cũng bị xuống cấp.
Một người dân cho biết, đây là con đường dẫn vào hàng chục hộ dân thuộc làng Dao, mỗi ngày học sinh đi học, người dân đi chợ đều bị ảnh hưởng. Trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lại sình lầy... Theo người dân nơi đây, việc “chủ mỏ” đã từng bị xử phạt, yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng cũ nhưng đến nay việc khai thác trái phép đá lại tiếp tục diễn ra nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý? Người dân mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý triệt để tình trạng khai thác trái phép này.
Bị lập biên bản vẫn tiếp tục “múc đất” trái phép?
Ngày 05/11/2024, Chuyên đề Công an TPHCM có đăng bài phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép để bán (cũng tại xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil). Sau khi báo đăng, UBND xã Đức Mạnh có cung cấp cho PV nhiều tài liệu về việc lập biên bản cũng như văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Đắk Mil đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do ông Phạm Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã ký. Tuy nhiên, biên bản lập tại hiện trường là ngày 30/10 và văn bản kiến nghị được lập ngày 31/10/2024, trong khi thực tế thời điểm PV ghi nhận sự việc là ngày 01/11. Như vậy sau khi bị lập biên bản và đề nghị xử phạt, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm vẫn “phớt lờ” và tiếp tục khai thác đất trái phép.