(CATP) Theo đuổi một vụ kiện suốt 20 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết, ông Lê Văn Ngọc (SN 1954, hiện ngụ tại hẻm 143 Phan Đăng Lưu, P2, Q.Phú Nhuận, TPHCM) đến Báo Công an TPHCM gửi đơn "kêu cứu". Với hơi thở nặng nhọc của một người bị ung thư giai đoạn cuối, ông cho biết: vụ việc tưởng như cỏn con, nhưng nó cứ kéo dài như "trêu ngươi" khiến ông ngày càng mệt mỏi, đến tuổi xế chiều mà vẫn chưa được yên.
Tưởng chừng việc cỏn con
Ông Ngọc vốn là tiến sĩ, giảng viên nhiều trường đại học lớn ở TPHCM và các tỉnh thành. Về vụ án ông đang theo đuổi, từ những quyết định bằng văn bản của chính quyền địa phương cho đến các bản án, đa phần ông đều giành phần thắng. Nhưng thật "oái oăm", bởi sau các bản án lại tiếp tục vướng vào... "kháng cáo". Điều kỳ lạ, rất hy hữu trong vụ án của ông Ngọc luôn chứa đựng sự day dứt khôn nguôi, sự tin tưởng vào công lý, nhưng lại bị kéo quá dài mà vẫn chưa dứt.
Theo nội dung vụ việc, ông Ngọc là người sử dụng và quản lý hợp pháp phần đất có diện tích 318m2 (diện tích đo đạc giải quyết tranh chấp là 295m2), thuộc lô 306, Quốc lộ 13, tờ bản đồ 10, tọa lạc tại ấp 3, xã Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TPHCM). Nguồn gốc phần đất này do ông Ngọc mua từ năm 1995 của ông Nguyễn Văn Đời, có con ông Đời là Nguyễn Hữu Chắng đứng ra đại diện hỗ trợ cho bên bán. Theo đó, hai bên đã làm Hợp đồng chuyển nhượng đất thổ cư ngày 11/11/1995 và đã thực hiện xong nội dung Hợp đồng chuyển nhượng, bên chuyển nhượng đã giao đất và nhận đủ tiền.
Tuổi cao, sức yếu vì trọng bệnh, ông Ngọc mong mỏi phiên tòa phúc thẩm sớm kết thúc vụ việc hơn 20 năm qua
Sau khi nhận đất, ông Ngọc có dựng tạm hàng rào, cất căn nhà cấp 4 và nhờ một người thân là bà Nguyễn Thị Tựu (SN 1960) trông coi, quản lý và sử dụng làm nơi ở. Bà Tựu có thực hiện đăng ký lưu trú với chính quyền địa phương và thay mặt ông Ngọc quản lý sử dụng phần đất này cho đến nay.
Trước đó, vào năm 1999, ông Ngọc có đơn xin sử dụng một phần diện tích 176m2/318m2 để cất nhà ở. Căn cứ đơn, ngày 20/12/1999, Phòng Quản lý đô thị Q.Thủ Đức đã có báo cáo thực địa về việc xin cất nhà ở và ngày 10/01/2000 có Tờ trình số 03/TT-ĐĐ gửi UBND TPHCM về việc xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngọc theo Quyết định số CV2339/QĐ-UB-ĐT ngày 12/4/2000 của UBND TPHCM và cơ quan Thuế Q.Thủ Đức đã ra thông báo nộp thuế để xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Ngọc đối với phần diện tích này.
Trong khi chờ xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, ông Ngọc đã tiến hành thi công xây tường rào theo ranh đất. Tuy nhiên, lúc này bà C.T.D (mẹ của ông Đ.M.Đ và ông Đ.H.H là đồng bị đơn trong vụ án này và cũng là hộ sống liền kề ranh đất của ông Ngọc) ra ngăn cản. Đồng thời, bà D. gửi đơn khiếu nại đến UBND P.Hiệp Bình Phước vì cho rằng, gia đình bà đã mua phần đất này của ông Nguyễn Văn Cảnh, nhưng chưa sử dụng. Theo bà D, phần đất mà ông Ngọc xây dựng tường rào nằm trong phần đất của bà đã mua, nên yêu cầu UBND phường giải quyết. Năm 2015, bà D. mất. Hai người con của bà D. là Đ.M.Đ và Đ.H.H tiếp tục đứng ra tranh chấp. Từ năm 2000 đến nay, mặc dù được các cơ quan, ban ngành, TAND Q.Thủ Đức và TAND TPHCM giải quyết bằng các văn bản, quyết định hành chính, bản án hành chính sơ thẩm, phúc thẩm, nhưng vụ việc vẫn chưa có hồi kết (!?).
Mảnh đất ông Ngọc mua từ năm 1995, đến nay vẫn nhếch nhác vì vướng khiếu kiện kéo quá dài
Mong chờ cái kết hợp lý, hợp tình
Vụ việc trước đó đã được nhiều cơ quan, ban ngành và Tòa án giải quyết thông qua các quyết định, bản án và ông Ngọc đều giành phần thắng. Cụ thể: Tờ trình số 1342/TT-QLĐT ngày 09/8/2001 của Phòng quản lý Đô thị Q.Thủ Đức "Không công nhận đơn khiếu nại của bà D."; Quyết định số 159/QĐ-UB ngày 27/8/2001 của UBND Q.Thủ Đức cũng nêu rõ: "Không công nhận đơn khiếu nại của bà D."; Quyết định số 248/QĐ-UB ngày 27/11/2001 của Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức: "Bác đơn khiếu nại của bà D. và công nhận Quyết định số 159/QĐ-UB ngày 27/8/2001 của UBND Q.Thủ Đức". Công văn 1192/UB-QLĐT ngày 07/10/2002 của UBND Q.Thủ Đức gửi TAND Q.Thủ Đức: "Xác định bà C.T.D căn cứ vào bằng khoán đất... Đoàn Đo đạc bản đồ Sở địa chính - Nhà đất đo vẽ theo chỉ dẫn của ông Đ.M.Đ con của bà D. để tranh chấp với ông Ngọc là không có cơ sở". Tiếp đến, Công văn 2648/UB-QLĐT ngày 20/12/2002 của UBND Q.Thủ Đức gửi TAND Q.Thủ Đức, xác định thửa đất 306 do ông Ngọc nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Đời (cha của ông Chắng) theo Hợp đồng ngày 11/11/1995. Cho đến Bản án Hành chính sơ thẩm số 01/HCST ngày 24/12/2002 của TAND Q.Thủ Đức cũng tuyên: "Bác đơn khởi kiện hành chính của bà D. về việc yêu cầu hủy QĐ số 159 và 248 của UBND Q.Thủ Đức và Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức", bản án này sau đó bị kháng cáo.
Tiếp đến, Bản án Hành chính phúc thẩm số 30/HCPT ngày 19/5/2003 của TAND TPHCM lại tuyên: "Chấp nhận đơn kháng cáo của bà D. sửa bản án sơ thẩm về yêu cầu hủy QĐ số 159 và 248 của UBND Q.Thủ Đức và Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức để giải quyết lại vụ tranh chấp".
Sau khi TAND TPHCM xét xử và ban hành bản án phúc thẩm số 30/HCPT ngày 19/5/2003, thì xuyên suốt hơn 15 năm qua, vụ tranh chấp giữa ông Ngọc với bà D. vẫn chưa giải quyết xong. Đến năm 2018, ông Ngọc được UBND Q.Thủ Đức hướng dẫn phải khởi kiện dân sự thì mới giải quyết dứt điểm được việc này, nên buộc lòng ông Ngọc lại phải chủ động khởi kiện dân sự về "Tranh chấp quyền sử dụng đất" với ông Đ.M.Đ và ông Đ.H.H tại TAND Q.Thủ Đức. Tuy nhiên, do có yếu tố người nước ngoài, nên TAND Q.Thủ Đức chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM và được thụ lý số 634/2018/TLST-DS ngày 10/8/2018.
Gần đây nhất, ngày 25/9/2024, TAND TPHCM đã mở phiên xét xử và tuyên Bản án số 781/2024/DS-ST: "Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ngọc, công nhận phần đất có diện tích 295m2 thuộc lô 30, Quốc lộ 13, tờ bản đồ 10, tọa lạc tại ấp 3, xã Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TPHCM, đã nhận chuyển nhượng từ năm 1995 của ông Nguyễn Văn Đời và con là Nguyễn Hữu Chắng là hợp lệ và hợp pháp. Ông Lê Văn Ngọc căn cứ bản án này được quyền liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục đứng tên quyền sử dụng đất theo quy định, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật". Tuy nhiên, ông Đ. và ông H. đã kháng cáo bản án này. Hiện vụ việc đang chờ TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Đ.M.Đ và ông Đ.H.H.
Qua nghiên cứu toàn bộ tài liệu của các cơ quan chức năng, mà trong đó nhất là văn bản, bản án và trình bày có cơ sở của cụ ông Lê Văn Ngọc, có thể thấy bản án sơ thẩm số 781/2024/DS-ST, ngày 25/9/2024 của TAND TPHCM là khách quan và đúng với bản chất sự thật của các quan hệ dân sự trong giao dịch chuyển nhượng đất và quá trình quản lý sử dụng đất của ông Ngọc, cũng như hộ gia đình bà D. và các cá nhân liên quan khác. Ở cái tuổi xế chiều, mang trọng bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông Ngọc thở dốc trình bày: "Bản thân hôm nay gần như kiệt sức, thuốc thang vơi dần, thậm chí không thể nào mua nổi thuốc theo toa bác sĩ. Vụ án kéo quá dài, tôi mong mỏi làm sao vụ án này kết thúc khi tôi còn sống".