(CATP) Hỏi: Tại TPHCM có các văn phòng thừa phát lại (TPL). Xin giải thích rõ cơ quan này làm công việc gì và ai quản lý? Phạm Thị Lan (phường 14, quận Tân Bình, TPHCM).
Trả lời:
Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TPHCM quy định: TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm làm các công việc về thi hành án (THA) dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các việc khác theo quy định pháp luật. Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.
Thừa phát lại được làm các công việc sau:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THA dân sự.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác).
- Xác minh điều kiện THA theo yêu cầu đương sự.
- Trực tiếp tổ chức THA các bản án, quyết định của tòa theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức THA các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan THA dân sự chủ động ra quyết định THA. Trong trường hợp cưỡng chế THA cần huy động lực lượng bảo vệ, văn phòng TPL phải lập kế hoạch cưỡng chế, gửi thủ trưởng cơ quan THA dân sự TPHCM để nơi đây phê duyệt thì mới được thực hiện việc cưỡng chế THA.
Về nhiệm vụ, quyền hạn: TPL phải trung thực, khách quan nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện công việc của mình. Khi tiến hành công việc về THA dân sự, TPL có quyền như chấp hành viên, quy định tại điều 20 của Luật THA dân sự (trừ việc được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan THA dân sự và không có quyền xử phạt vi phạm hành chính).
Thừa phát lại không được làm những việc sau:
- Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
- Không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi trong hợp đồng.
- Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, TPL không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân của mình.
- Các công việc bị cấm khác theo quy định pháp luật.