Ấm áp tình người, sâu nặng tri ân

Thứ Tư, 22/07/2015 18:46  | Thanh Thủy - Hoàng Yến

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, để tưởng nhớ và cầu siêu vong linh các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; đồng bào tử nạn trong các thời kỳ chiến tranh, cầu nguyện cho 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988 và tổng kết chương trình đấu giá bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử.

Tối 22-7, Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Tổ đình Vĩnh Nghiêm và Công ty First News tổ chức chương trình Đại Lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ và 64 liệt sĩ Gạc Ma có tên “Hạt giống Tâm hồn - Gạc Ma – Việt Nam – Vòng tròn tất tử” tại chánh điện Chùa Vĩnh Nghiêm.

Đến dâng hương tại lễ cầu siêu có Đại tướng Trần Đại Quang – Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo công an tại TP.HCM.

Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và đoàn Công an TP.HCM dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đại lễ cầu siêu.

Tham dự lễ cầu siêu, ngoài các vị khách mời là Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Lê Mã Lương và Bộ Tư lệnh hải quân, Cảnh sát biển còn có chị Trần Thị Thủy là con gái và góa phụ Mai Thị Hoa là vợ của Liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ) cùng đại diện các gia đình liệt sĩ và 7 chiến sĩ Gạc Ma từng bị Trung Quốc bắt giữ 3 năm, các chư tăng, phật tử và hàng ngàn người dân tham dự.

Phát biểu tại Đại lễ cầu siêu và buổi đấu giá bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “27 năm đã trôi qua nhưng tấm gương hy sinh của 64 chiến sĩ kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Gạc Ma đã để lại một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước bảo vệ lãnh thổ trong lòng nhân dân”.

Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương phát biểu

Đại lễ cầu siêu và buổi đấu giá bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử diễn ra trong không gian trang nghiêm và hoàn toàn khác biệt so với các cuộc đấu giá khác.

Sau khi hai bác Nguyễn Công Nghệ và Nguyễn Thị Phương (gần 90 tuổi) đề xuất mức giá 730 triệu - là toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm mà hai bác đã dành dụm; đặc biệt là bức tâm thư 3 trang được bác Nghệ viết và lăn tay bằng máu đã tạo nên một cảm xúc và hiệu ứng đặc biệt cho bạn đọc cả nước, các mức giá cao vược cấp liên tục được đề xuất với ban tổ chức.

Anh Dương Anh Sơn - TGĐ Cty Mỹ Sơn ở Hà Nội tiếp tục đề nghị với BTC xin được đấu giá bức tranh Gạc Ma với giá 1 tỷ đồng. Đặc biệt, anh Sơn cũng xin mua lại bức thư viết tay của bác Nghệ với giá 300 triệu đồng (số tiền này đã được chuyển đến chùa Vĩnh Nghiêm vào sáng 18-7, bác Nghệ và BTC đã quyết định dùng số tiền này để trao tặng cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam).

Hàng ngàn tăng ni phật tử và người dân tham dự đại lễ cầu siêu và buổi đấu giá

Sau con số 1 tỷ đồng mà anh Sơn đưa ra, ngày 19-7-2015, chị Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Văn phòng AIA Kim Dung (địa chỉ 33 Đinh Công Trứ, P. Hưng Phúc, TP Vinh) đã từ Nghệ An bay vào chùa Vĩnh Nghiêm để được tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử và đưa ra mức giá 1,1 tỷ đồng.

Khi được biết gia cảnh họa sĩ Bùi Lệ Trang, người đã vẽ bức tranh này (hiện họa sĩ Bùi Lệ Trang một mình nuôi con và đang ở một căn nhà thuê nhỏ tại số 21D Nguyễn Văn Tạo, Ấp 3 Xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM), chị Dung đã quyết định trao tặng mức bảo hiểm nhân thọ trị giá 500 triệu cho họa sĩ Bùi Lệ Trang.

Vợ và con gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương

Trong buổi đấu giá chính thức diễn ra vào chiều tối 22-7, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây dựng Hòa Bình đã đấu giá thành công bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử với giá 1,28 tỷ đồng và mong muốn tặng bức tranh này cho Bảo tàng quân sự Việt Nam để lưu lại một kỷ niệm đau thương, để con cháu chúng ta luôn cảnh giác trước mọi thế lực thù địch, để giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Bức tranh được trao cho ông Lê Viết Hải - người đấu giá thành công

Thời gian qua, bức tranh và ý nghĩa cuộc đấu giá này tạo nên hiệu ứng thu hút sự quan tâm rất nhiều người. Ngoài số tiền đấu giá bức tranh tặng các gia đình Liệt sĩ Gạc Ma, BTC dành tặng Cảnh sát biển Việt Nam 300 triệu đồng và 100 triệu đồng dành tặng 5 gia đình tử sĩ trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.

Bình luận (0)

Lên đầu trang