An ninh T4 (Bộ Công an) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thứ Bảy, 05/04/2025 16:39

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài viết “An ninh T4 (Bộ Công an) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Ban Chuyên đề Công an TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước được ghi vào lịch sử dân tộc như một trang sử chói lọi, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài viết “An ninh T4 (Bộ Công an) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Ban Chuyên đề Công an TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Sự kiện ngày 30/4/1975 có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, kết thúc 30 năm chiến tranh đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong thắng lợi đó, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền nam anh hùng.

 Nhân dân thành phố Sài Gòn míttinh chào mừng Ủy ban Quân quản Thành phố ra mắt 7/5/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai thực hiện dồn dân, lập ấp chiến lược; đồng thời xây dựng hệ thống cảnh sát, mật vụ dày đặc, điên cuồng thi hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, áp dụng luật 10/59 kéo lê máy chém khắp miền nam đàn áp phong trào cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Bộ, đầu năm 1955, Ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ được thành lập, đây là mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hoạt động trở lại của lực lượng Công an nhân dân tại chiến trường miền nam.

Ngày 23/01/1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 10/1961, Ban Bảo vệ An ninh Trung ương Cục miền Nam chính thức được thành lập do đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách.

Cũng trong năm 1961, Ban Bảo vệ An ninh các khu miền Trung Nam Bộ (T2), miền Tây Nam Bộ (T3), Sài Gòn-Gia Định (T4) và Khu IX được thành lập. Đến năm 1962, Ban An ninh khu V, Khu VI được thành lập. Từ đây, hệ thống tổ chức an ninh đã hình thành đến cấp xã. 

Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, đặc điểm, tầm quan trọng của địa bàn chiến lược Sài Gòn-Gia Định, trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo, định hướng cho An ninh Sài Gòn-Gia Định triển khai các mặt công tác mang tầm chiến lược, giúp cho Đảng, Trung ương Cục và Bộ Công an đề ra những quyết sách đúng đắn.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp toàn diện của Đảng, trực tiếp là Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, sự chỉ đạo sâu sát về chuyên môn, nghiệp vụ và chi viện kịp thời của Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, lực lượng An ninh T4 đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

 Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, Bộ Công an, Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo lực lượng An ninh T4 chủ động thế trận nắm vững nội bộ các cơ quan đầu não của địch; làm rõ âm mưu, ý đồ của Pháp, Mỹ đối với miền nam; tình hình các đảng phái, tôn giáo; coi trọng công tác bảo vệ đảng, bảo vệ cán bộ; tập trung nắm tình hình về tổ chức, chương trình, kế hoạch hoạt động của các lực lượng gián điệp, biệt kích Mỹ-ngụy; diễn biến tư tưởng, thái độ, hoạt động chính trị của các cá nhân trong hàng ngũ chóp bu chính quyền Sài Gòn trước, trong và sau cuộc đảo chính Diệm-Nhu...

Khi tình hình miền Nam có những chuyển biến phức tạp, Bộ Công an đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng An ninh T4 tập trung tổ chức lại mạng lưới giao liên phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục và Khu ủy; cung cấp tài liệu, sơ đồ mục tiêu phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân; bộ phận trinh sát vũ trang nội đô phối hợp với điệp báo an ninh tích cực chuẩn bị hậu cần, sử dụng nhiều hình thức ngụy trang khôn khéo vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực vào nội thành phục vụ các trận đánh của lực lượng biệt động và trinh sát vũ trang.

Trong giai đoạn phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo An ninh Sài Gòn-Gia Định tập trung thu thập tình hình nội bộ, thái độ của các phe phái đối lập, lực lượng thứ ba; chỉ đạo các cơ sở nội thành mở rộng công tác tuyên truyền công khai những thắng lợi của quân và dân ta, tác động thúc đẩy nhóm Dương Văn Minh đòi lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời nhanh chóng tiếp cận và cùng các lực lượng khác tác động Tổng thống Dương Văn Minh sớm đầu hàng vô điều kiện.

Các tổ công tác của An ninh T4 phối hợp chặt chẽ, hợp đồng tác chiến với các lực lượng cách mạng khác trong nội thành tổ chức phát động quần chúng nổi dậy ở 26 điểm, giành quyền làm chủ; tác động tư tưởng sĩ quan ngụy án binh bất động; nhanh chóng đánh chiếm và tiếp quản những mục tiêu được phân công (Bộ Chỉ huy Cảnh sát đô thành, Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, các Ty Cảnh sát ngụy); tổ chức quản lý, tiếp quản hồ sơ tài liệu, máy móc, phương tiện của địch nguyên vẹn, bảo vệ mục tiêu chờ bàn giao cho lực lượng quân giải phóng vào tiếp quản thành phố...Trong đó có nhiều bộ hồ sơ tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng góp phần phục vụ thắng lợi nhiều chuyên án cũng như yêu cầu công tác an ninh trật tự sau này.

Cùng với việc chỉ đạo công tác nắm tình hình chiến lược, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo An ninh Sài Gòn-Gia Định tiến hành lựa chọn các hình thức, cách thức đánh địch, tấn công vào các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm với phương châm “đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng đối tượng” nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của địch; tiêu diệt, trừ khử những phần tử đầu sỏ ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân.

Tiêu biểu là các trận đánh nhanh gọn, táo bạo, của trinh sát vũ trang nội đô An ninh T4, như: tổ chức diệt Nguyễn Xuân Chữ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh tâm lý, một tên phản cách mạng khét tiếng gian ác, có nhiều nợ máu với cách mạng (6/1966); Trần Văn Văn, Chủ tịch Quốc hội Sài Gòn (12/1966); Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, Tư lệnh trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống, phụ trách Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo (2/1969)... và nhiều trận đánh trực tiếp vào Tổng Nha Cảnh sát ngụy.

Những đòn tấn công táo bạo đó đã gây bất ngờ đối với địch giữa lòng thành phố, tạo niềm tin cho quần chúng yêu nước, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị trong nội đô, đồng thời gây hoang mang, bất ổn, mâu thuẫn, phân hóa, chia rẽ hàng ngũ chóp bu của bộ máy chính quyền địch.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đêm 29 rạng sáng ngày 30/01/1968, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và của các cấp ủy đảng, các cấp an ninh miền nam, lực lượng An ninh T4, các đội trinh sát vũ trang nội thành phối hợp với lực lượng biệt động Sài Gòn đã nhanh chóng, bí mật đột nhập vào nội đô, tiếp cận các mục tiêu địch, đồng loạt tiến công vào Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa, sân bay Tân Sơn Nhất và đội cảnh sát dã chiến, phá hỏng nhiều công cụ của địch.

Cuộc chiến đấu của lực lượng An ninh T4 đã giáng cho địch đòn choáng váng, gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với đế quốc Mỹ ngay tại trung tâm sào huyệt đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Sau Tết Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng ở nội thành Sài Gòn-Gia Định bị tổn thất, nhiều cán bộ điệp báo, trinh sát vũ trang, an ninh khu vực của An ninh Sài Gòn-Gia Định bị địch bắt, tù đày hoặc hy sinh anh dũng.

Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo An ninh Sài Gòn-Gia Định nhanh chóng củng cố lại các lực lượng nghiệp vụ mũi nhọn hoạt động trong nội thành theo hướng cơ bản, lâu dài, đồng thời tăng cường nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ cốt cán am hiểu địa bàn nội thành; xây dựng và phát triển lực lượng an ninh khu vực và cơ sở quần chúng trong các quận nội thành, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy và tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trước những thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền nam, tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã họp, nhận định: Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền nam, và quyết định: “mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng... giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”. Phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã huy động gần 1.500 cán bộ, chiến sĩ An ninh Trung ương Cục và đặc khu, khoảng gần 1.000 cơ sở của lực lượng an ninh hoạt động trong nội thành Sài Gòn-Gia Định đồng loạt ra quân thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Được sự chi viện của Công an miền bắc, lực lượng điệp báo, trinh sát vũ trang, An ninh T4 đã chỉ đạo và phối hợp với mạng lưới cơ sở gấp rút điều tra, lập hồ sơ hệ thống bố phòng của địch, các tổ chức tình báo, gián điệp, cảnh sát hệ thống kìm kẹp và các tổ chức, đảng phái phản động, lập hồ sơ, phân loại các đối tượng nguy hiểm cần trấn áp; đồng thời chuẩn bị các thông cáo, khẩu hiệu phục vụ nhiệm vụ tấn công chính trị vào tổ chức địch.

Lực lượng An ninh T4 hình thành bốn cánh quân tham gia cuộc tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công: Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Bộ Chỉ huy Cảnh sát đô thành, Ty Cảnh sát Gia Định và một số ty cảnh sát quận.

Nhờ được chuẩn bị toàn diện, trong quá trình diễn ra chiến dịch, lực lượng An ninh T4 đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch, bảo vệ các cuộc hành quân và vận chuyển vũ khí, phương tiện, các hướng tiến công chiến lược, bảo vệ lực lượng vũ trang; tham gia tích cực nhiệm vụ mở đường, tấn công từ bên ngoài kết hợp với nổi dậy từ bên trong, góp phần đập tan sự phản kháng của các đối tượng phản cách mạng, nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công; chốt giữ các cửa ngõ ra vào thành phố, ngăn chặn, bắt giữ số đối tượng chạy trốn.

Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của lực lượng vũ trang và nhân dân ta, Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải tuyên bố đầu hàng. Lực lượng An ninh T4 đã nhanh chóng cơ động chiếm và tiếp quản, bảo vệ toàn bộ hệ thống hồ sơ, tài liệu địch bỏ lại tại Tổng nha Cảnh sát quốc gia và nhiều địa điểm khác.

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta hoàn toàn thống nhất. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lực lượng An ninh T4 đã khẩn trương triển khai những công tác cấp bách và chiến lược: Thu gom hồ sơ của địch, tiếp quản và bảo vệ tài liệu tại các cơ quan an ninh, tình báo ngụy, CIA phục vụ cho việc bóc gỡ kế hoạch hậu chiến về chính trị và tình báo CIA sau giải phóng; thu gom vũ khí, vật liệu nổ, thu hồi sản phẩm văn hóa phản động; tổ chức cho các đối tượng an ninh trình diện, học tập cải tạo; bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại...

Được các cơ quan, đơn vị phối hợp, được quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ giúp đỡ nên sau gần một năm, tình hình an ninh chính trị từng bước được ổn định.

Hơn 20 năm đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực với địch trên mặt trận bí mật trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ an ninh thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước chiến đấu trên khắp chiến trường miền nam đều tỏ rõ phẩm chất cách mạng, cống hiến cả tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết và trí tuệ của mình.

Tiểu đội An ninh vũ trang T4 ròng rã kiên cường chiến đấu với lực lượng địch đông gấp trăm lần và đã hy sinh oanh liệt để bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Chỉ huy tiền phương, đó là những tấm gương sáng ngời của lực lượng an ninh miền nam trung dũng, kiên cường, là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Ghi nhận những thành tích đó, lực lượng An ninh T4 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương công trạng với sáu tập thể và 16 cá nhân được vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng trăm tập thể và cá nhân được nhận các phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an.

Các thế hệ hôm nay mãi mãi trân trọng, biết ơn sự hy sinh và cống hiến của các thế hệ đi trước trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc và nguyện đem hết sức mình góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang