Cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”: Sẵn sàng đưa đất nước bay vào kỷ nguyên mới

Bài 2: Mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ Năm, 20/02/2025 15:16

|

(CATP) Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, bỏ được nguy cơ tụt hậu…

Tinh gọn bộ máy là yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới

Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, bộ máy hệ thống chính trị nước ta định hình gồm 3 khối: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Bộ máy này được kiện toàn trong từng thời điểm lịch sử để thích ứng với yêu cầu cách mạng và chính trị. Theo đó hàng loạt nghị quyết về công tác tổ chức bộ máy ra đời. Đặc biệt trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ra đời.

Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm đánh giá, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý "Nói không đi đôi với làm"...

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Từ đó, TBT Tô Lâm yêu cầu cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. TBT nhấn mạnh, mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối, chính sách pháp luật, bảo đảm mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển. Theo TBT Tô Lâm, mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, bỏ được nguy cơ tụt hậu, không còn cách nào khác. Những gì cản trở ta phát triển, cái gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết.

"Bộ máy Nhà nước phải làm sao để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, phải động viên được nhân dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng, phát triển đất nước; phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, củng cố nền dân chủ; nếu không huy động được sức mạnh của nhân dân thì sẽ rất khó khăn" - TBT phát biểu.

TBT Tô Lâm yêu cầu cuộc cách mạng này phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.

Yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất. Vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ.

Có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Yêu cầu các giải pháp, bước đi, lộ trình bảo đảm bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt, không bỏ trống thời gian, địa bàn, lĩnh vực; bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, thông suốt, hiệu quả ngay.

Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Cuộc tinh giản bộ máy thực sự là một cuộc cách mạng, phải vừa xếp hàng vừa làm, bằng nhiều biện pháp để tiến hành nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ngày 21/01, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 đã có phiên họp lần thứ 2, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau hơn 2 tháng tổ chức triển khai nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo đã tham mưu ban hành 1 nghị quyết, 1 quy định của BCHTW; 22 kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 39 văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động liên quan tổng kết Nghị quyết 18.

Tại hội nghị, TBT Tô Lâm đánh giá cao Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nỗ lực, cố gắng vượt bậc để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, rất hiệu quả với cách làm mới, quyết liệt, đúng định hướng và kế thừa được những kết quả triển khai Nghị quyết 18. TBT một lần nữa nhấn mạnh phương châm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 18 là "vừa chạy, vừa xếp hàng", theo tinh thần "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng"; quán triệt nguyên tắc tuân thủ quy định của Hiến pháp, chủ trương của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; không ngại khó, không ngại thách thức, không cầu toàn. TBT yêu cầu thời gian tới tiếp tục xác định việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ bước đầu.

Kỳ họp Quốc hội bất thường và "thời điểm vàng" để tinh gọn, sắp xếp bộ máy

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua rà soát sơ bộ, có tới 184 luật, khoảng 200 nghị định liên quan tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi, bổ sung khi tinh gọn bộ máy. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề của Quốc hội (QH) và Bộ Tư pháp, để tiến hành tinh gọn bộ máy. Trước mắt sẽ sửa đổi những luật cần thiết trong kỳ họp QH tháng 2. Đó là lý do có Kỳ họp bất thường lần thứ 9, QH khóa XV, theo hình thức họp tập trung.

Tham gia thảo luận tại Tổ 1 (Hà Nội) tại kỳ họp này, TBT Tô Lâm cho biết, chủ trương tinh gọn bộ máy Nhà nước được nhân dân, các cơ quan, QH đồng tình, ủng hộ, tổ chức triển khai rất nhanh, rất tốt, cho thấy đây là chủ trương rất đúng. "Tôi cho rằng đây là điều người dân mong đợi lâu rồi. Với việc tinh gọn tổ chức bộ máy này, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển. Đây là điều mong mỏi nhất", TBT nói.

Theo TBT, để tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phải xác định rõ đúng chức năng, nhiệm vụ và có hiệu quả. Muốn làm tốt điều đó, trước tiên phải có mô hình tổ chức bộ máy, tiếp đó phải có hệ thống quy định pháp lý, pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện. Cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. "Đây là thời điểm vàng triển khai tinh gọn, sắp xếp bộ máy để đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân", TBT phát biểu.

Nói và làm, làm quyết liệt. Ngày 17/02, QH bắt đầu quy trình xem xét cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Trước đó, tại tờ trình Thường vụ QH, Chính phủ đề nghị QH xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa 15, gồm: 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ, ngành và 3 cơ quan so với hiện nay. QH cũng sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của QH quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; Nghị quyết của QH về việc tổ chức các cơ quan của QH (trường hợp Luật Tổ chức QH được QH quyết định sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể tên gọi các cơ quan chuyên môn của QH như Luật hiện hành); Nghị quyết của QH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của QH về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV (sửa đổi)...

Tất cả cho thấy một lượng công việc rất lớn tập trung cho Kỳ họp QH bất thường lần này, để phục vụ cho việc tinh gọn bộ máy một cách nhanh nhất, hợp pháp và hiệu quả nhất.

Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy một cách mạnh mẽ. Trước mắt, bộ máy hành chính tại các bộ ngành, địa phương đã hoàn thành tinh giản biên chế hơn 16.000 người. Con số này còn lớn hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt nhiều địa phương, bộ, ngành có nhiều cán bộ gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc vì nhiều lý do đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Đây là xu hướng trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, là một hệ quả tất yếu của quá trình cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Tinh gọn bộ máy phải đạt yêu cầu: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Đây là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Hợp lực cả hệ thống chính trị
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang