Cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”: Sẵn sàng đưa đất nước bay vào kỷ nguyên mới:

Bài 1: Hợp lực cả hệ thống chính trị

Thứ Ba, 18/02/2025 12:43

|

(CATP) Đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” Đảng ta phát động được xem là bước đột phá lớn mang tầm vóc một cuộc cách mạng, được kỳ vọng không chỉ làm cho hệ thống quản trị công được gọn nhẹ, linh hoạt mà còn vận hành hiệu quả. Cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước này đang được triển khai quyết liệt được nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, Quốc hội đồng tình ủng hộ mạnh mẽ, kỳ vọng thổi luồng sinh lực mới, nạp nguồn năng lượng mới vào hệ thống quản lý Nhà nước để tạo điều kiện cho hệ thống đảm đương nhiệm vụ lèo lái con tàu đất nước bay vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiến trình tinh gọn bộ máy đang bước vào giai đoạn cao điểm quyết định. Toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đang chuyển động mạnh mẽ nhắm đến mục tiêu đã được đề ra là làm cho bộ máy Nhà nước thật sự vừa gọn, vừa vận hành có hiệu quả, nghĩa là bảo đảm tính hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, với chi chí hợp lý.

Thật ra, chủ trương tinh gọn bộ máy Nhà nước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề ra từ rất lâu và luôn được coi là mệnh lệnh, là khẩu hiệu hành động mang ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được các cấp triển khai thực hiện bài bản, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc thực hiện chủ trương này không được như kỳ vọng. Thậm chí theo thời gian, bộ máy công quyền không những không được làm gọn lại mà còn phình ra ngày càng to, cồng kềnh, cần sớm được khắc phục.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: "Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng..."; "Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế".

Hệ thống quản lý càng to, cồng kềnh thì tất yếu chi phí để nuôi dưỡng, duy trì hệ thống càng cao. Theo số liệu báo cáo chính thức, hiện kinh phí để bảo đảm sự vận hành của bộ máy quản lý Nhà nước chiếm đến 70% tổng thu ngân sách. Cứ hình dung một người bình thường mà phải chi đến 70% thu nhập của mình để lo cái ăn, cái mặc cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, thì hầu như không có điều kiện thu xếp tươm tất các sinh hoạt tinh thần cũng như cho cuộc sống tương lai của mình. Đất nước không thể phát triển nhanh với sức tích lũy của cải yếu ớt, khiêm tốn không cho phép thực hiện những dự án đầu tư lớn mang tính chất "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế.

Một trong những hệ lụy tiêu cực khác do tình trạng nặng nề của hệ thống quản lý Nhà nước là sự hoành hành dai dẳng của căn bệnh quan liêu và tham nhũng. Tổ chức bộ máy công quyền càng phức tạp, rối rắm thì càng giúp cho các vị trí có điều kiện "khai thác" tác dụng của một phần quyền lực công được trao cho mình như một công cụ tạo thu nhập ngoài lương mà không lo bị kiểm tra, phát hiện. Nạn sách nhiễu và hối mại quyền thế trong quan hệ giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền tất nhiên sẽ khiến chi phí xã hội tăng cao dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quan hệ kinh tế toàn cầu.

Bởi vậy, một trong những điều kiện cơ bản để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, là có một bộ máy hành chính công vận hành đạt hiệu quả cao với chi phí hợp lý. Muốn có được điều này, việc cần làm là sắp xếp lại bộ máy hành chính cho thật tinh gọn, hợp lý.

Tính cách mạng của công cuộc tinh gọn bộ máy lần này trước hết thể hiện ở việc tích cực rà soát để cải cách toàn diện và triệt để. Tất cả các ngành ở tất cả các cấp đều phải được đánh giá lại theo các tiêu chí khoa học, khách quan để được chỉnh đốn một cách phù hợp. Các cơ quan, đơn vị có thể được sáp nhập tùy theo yêu cầu của công vụ. Số lượng vị trí việc làm, từ cấp lãnh đạo đến cấp thừa hành chắc chắn sẽ phải được giảm bớt. Điều đó có nghĩa là một số lượng, có thể rất lớn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được yêu cầu rời khỏi hệ thống công quyền. Những người thuộc diện này cần chuẩn bị tốt về tâm thế cũng như về kế hoạch hoạt động nghề nghiệp cho riêng mình để bảo đảm sự ổn định cuộc sống riêng, qua đó góp phần bảo đảm sự bình ổn xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... sáng 13/02

Việc giữ lại con người trong bộ máy được tinh gọn cũng như việc tuyển dụng con người mới cho hệ thống công quyền phải được thực hiện trên cơ sở áp dụng bộ tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực có cơ sở khoa học và có tác dụng bảo đảm tính hiệu quả của sự vận hành hệ thống quản lý Nhà nước trong kỷ nguyên mới.

Là bộ phận của hệ thống công quyền, Công an và Quân đội cũng phải tham gia vào cuộc cải cách hệ thống mà không có ngoại lệ. Không thể phủ nhận sự cần thiết, tối cần thiết của việc thường xuyên duy trì, củng cố các lực lượng vũ trang, mà nòng cốt là Công an và Quân đội để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, bình ổn xã hội là những điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển kinh tê - xã hội bền vững. Bài toán đặt ra đối với Nhà nước, xã hội là làm thế nào bảo đảm các điều kiện đó với chi phí hợp lý.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và quan hệ đối ngoại cực kỳ phức tạp do các quốc gia, dân tộc theo đuổi các lợi ích trái ngược, xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh tinh nhuệ, thiện chiến là hết sức cần thiết. Quốc gia cần được bảo đảm có sự phục vụ thường trực của các đội ngũ quân nhân, nhân viên an ninh chuyên nghiệp gồm những con người tốt nhất cho việc đảm đương các nhiệm vụ liên quan. Đó là những người đạt độ tuổi chín theo yêu cầu nghề nghiệp, có lòng trung thành tuyệt đối, có trình độ học vấn cao, có thể lực tốt, được huấn luyện chu đáo về kỹ năng chuyên môn, được trang bị vũ khí và công cụ làm việc hiện đại.

Về tổ chức lực lượng, cần quán triệt yêu cầu bảo đảm quốc phòng và an ninh cả trên phạm vi quốc gia và trên địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, không nhất thiết bố trí các lực lượng này ở tất cả cấp chính quyền địa phương. Ý tưởng không duy trì tổ chức Công an cấp huyện do lãnh đạo Đảng đề xướng thật sự mang tính đột phá. Ý tưởng này cũng phù hợp với các mô hình tổ chức các lực lượng quốc phòng, an ninh ở các nước tiền tiến.

Cũng không nhất thiết xây dựng bộ máy quản lý hành chính trong các lực lượng quốc phòng, an ninh theo kiểu chính quyền nội bộ. Cần rà lại và giảm bớt các vị trí việc làm mang tính hành chính, quản lý hậu cần không thật sự cần thiết. Một bộ máy hậu cần gọn nhẹ nhưng chuyên nghiệp và hiệu quả sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy cho các lực lượng tác chiến chuyên nghiệp.

Suy cho cùng, cách tốt nhất để bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia là kết hợp sức mạnh của lực lượng quốc phòng, an ninh chuyên nghiệp với mạng lưới phòng thủ và an ninh dựa vào dân. Cụ thể, cần tổ chức việc huấn luyện người dân về kỹ năng tham gia phòng thủ bên cạnh các đơn vị quân đội; huấn luyện người dân và tuyên truyền rộng rãi về ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tính mạng, tài sản; treo thưởng để khuyến khích người dân tích cực, chủ động trong việc phát hiện, tố giác tội phạm; có biện pháp thích hợp và hiệu quả bảo vệ người có công trong việc tố giác, trấn áp tội phạm, đóng góp tích cực vào sự nghiệp quốc phòng toàn dân...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang